Anh đối mặt nguy cơ tụt hậu sau 5 năm Brexit

Sau 5 năm kể từ khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), nền kinh tế Anh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác.

 Sau 5 năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), kinh tế Anh chưa có nhiều khởi sắc. Ảnh: Shutterstock.

Sau 5 năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), kinh tế Anh chưa có nhiều khởi sắc. Ảnh: Shutterstock.

CNBC trích dẫn báo cáo của Goldman Sachs, cho biết kinh tế Anh đã tăng trưởng ít hơn 5% so với các nước có điều kiện tương đương kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) cũng ước tính Brexit khiến quy mô nền kinh tế nước này giảm 4% trong dài hạn, tương đương 100 tỷ bảng Anh (126 tỷ USD).

Các số liệu thực tế cho thấy những tác động tiêu cực vẫn tiếp diễn với Anh sau 5 năm Brexit. Theo Goldman Sachs, 3 nguyên nhân chính là thương mại sụt giảm, đầu tư yếu kém và lao động thiếu hụt.

Lao động thiếu hụt và lạm phát gia tăng

Một trong những cam kết quan trọng của Brexit là giảm nhập cư từ EU. Tuy nhiên, chính điều này đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong nhiều ngành chủ chốt như nông nghiệp, y tế và khách sạn.

Dòng nhập cư mới chủ yếu là sinh viên, nhóm có đóng góp kinh tế thấp hơn, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng.

"Sự thay đổi dòng chảy nhập cư hậu Brexit đã làm giảm độ linh hoạt của thị trường lao động tại Anh, góp phần làm gia tăng lạm phát sau đại dịch và báo hiệu áp lực lao động cũng như lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai", báo cáo cho biết.

Năm 2023, Anh là quốc gia duy nhất trong Nhóm G7 chưa phục hồi mức tăng trưởng GDP trước đại dịch. Trong khi đó, các nước EU đã hưởng lợi từ thương mại nội khối và các chương trình phục hồi chung.

GDP thực tế bình quân đầu người của Anh hầu như không tăng so với mức trước đại dịch Covid-19 và hiện chỉ cao hơn 4% so với giữa năm 2016. Trong khi đó, mức tăng trưởng của khu vực đồng euro là 8% và Mỹ là 15%.

Việc thiếu hụt lao động cũng khiến lạm phát tại Anh tăng cao hơn so với các quốc gia khác. Giá tiêu dùng tại Anh đã tăng 31% kể từ năm 2016, cao hơn mức 27% của Mỹ và 24% của khu vực đồng euro. Sự cứng nhắc của thị trường lao động sau Brexit góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát và kéo dài khó khăn kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự kết hợp giữa tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí tăng cao tạo ra một môi trường bấp bênh. Các doanh nghiệp từng phát triển mạnh trên thị trường châu Âu hiện phải đối mặt với những quyết định khó khăn: thích nghi, di dời hoặc đóng cửa hoàn toàn.

 Tăng trưởng GDP của Mỹ, Anh và một số quốc gia thuộc EU tính đến tháng 10/2024. Biểu đồ: Independent.

Tăng trưởng GDP của Mỹ, Anh và một số quốc gia thuộc EU tính đến tháng 10/2024. Biểu đồ: Independent.

Rào cản thương mại và đầu tư bị ảnh hưởng

Thương mại hàng hóa của Anh đã suy giảm khoảng 15% so với các nền kinh tế phát triển khác kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Theo OBR, chỉ 40% tác động của Brexit đã thể hiện qua nền kinh tế, chủ yếu qua sự sụt giảm thương mại giữa Anh và EU. 60% còn lại vẫn chưa bộc lộ đầy đủ, cho thấy những ảnh hưởng dài hạn có thể còn phức tạp hơn.

Giới kinh tế học đồng thuận rằng việc Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU đã ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại hàng hóa, làm giảm hiệu quả kinh tế trong dài hạn của nước này.

Các rào cản phi thuế quan - các quy định phức tạp về thủ tục kiểm tra hải quan, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Anh (TCA) - cũng như việc tuân thủ quy định kép của Anh và EU gây tốn kém về chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang EU và làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của Anh.

Chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 41 triệu tờ khai hải quan cho giao dịch thương mại giữa Anh và EU, minh chứng cho sự gia tăng đáng kể về thủ tục hành chính.

 Một cảng hàng hóa tại Liverpool (Anh). Ảnh: Reuters.

Một cảng hàng hóa tại Liverpool (Anh). Ảnh: Reuters.

Kết quả là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Anh chỉ đạt 0,3%/năm, thấp hơn rất nhiều so với 4,2%/năm của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo tổ chức UK in a Changing Europe.

Theo nghiên cứu của Trường Kinh tế London (LSE), xuất khẩu hàng hóa của Anh đã giảm 6,4% kể từ khi TCA có hiệu lực vào năm 2021. Thậm chí, các báo cáo gần đây cho thấy xuất khẩu của Anh thấp hơn 30% so với mức có thể đạt được nếu nước này vẫn ở lại thị trường chung và liên minh thuế quan.

Việc rời khỏi thị trường chung EU đã làm tăng rào cản thương mại, khiến chi phí xuất nhập khẩu tăng cao và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Anh.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi xuất khẩu sang EU giảm 30% và hơn 20.000 công ty nhỏ phải ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu.

Đầu tư kinh doanh cũng chịu tác động nghiêm trọng. Nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế xã hội quốc gia Anh (NIESR) cho thấy nếu không có Brexit, đầu tư kinh doanh tại Anh có thể cao hơn 12,4% vào năm 2023.

Đồng thời, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Anh đã giảm 37% từ năm 2016 đến 2022 khi các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động sang EU để duy trì quyền tiếp cận thị trường chung.

Tương lai nào cho kinh tế Anh?

Dù tình hình kinh tế không mấy khởi sắc sau Brexit, các chuyên gia tại UK in a Changing Europe cho rằng Brexit không phải là thảm họa kinh tế như một số người lo sợ, cũng không mang lại những lợi ích chuyển đổi mà những người khác hình dung.

Thay vào đó, nó hoạt động như một động lực định hình lại bối cảnh kinh tế của Anh, khiến nền kinh tế này trở nên mong manh hơn, dễ bị gián đoạn và do đó kém tin cậy hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Brexit gây nên những tác động tiêu cực và lâu dài mang tính cấu trúc đối với vấn đề năng suất thấp của Anh, đã tồn tại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với những hạn chế lâu dài như thương mại kém hiệu quả gây gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chi phí kinh doanh tăng trong khi sản lượng giảm.

Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Anh cũng chia sẻ với CNBC rằng chính phủ đang "tận dụng tối đa các quyền tự do hậu Brexit để thúc đẩy nền kinh tế", bao gồm việc bãi bỏ các quy định tài chính của EU. Chính phủ cho rằng động thái này có thể mở khóa tiềm năng đầu tư lên đến 100 tỷ bảng Anh (126 tỷ USD) trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các hiệp định thương mại mới với các nước ngoài EU chỉ mang lại lợi ích hạn chế. Ví dụ, hiệp định thương mại tự do với Australia dự kiến chỉ giúp GDP Anh tăng 0,08%/năm. Đồng thời, các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại với Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa có tiến triển cụ thể.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng việc đàm phán lại thỏa thuận TCA có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực hiện nay. Ví dụ, một thỏa thuận về kiểm định thú y có thể giảm bớt rào cản thương mại thực phẩm, trong khi các chính sách về di chuyển lao động cho thanh niên có thể giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Cuối cùng, dù một số chính trị gia ủng hộ Brexit lập luận rằng Anh có thể hưởng lợi từ việc không bị ràng buộc bởi các quy định của EU trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và đổi mới công nghệ, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng những lợi ích này vẫn còn mang tính tiềm năng và chưa thể bù đắp cho các tổn thất hiện hữu.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/anh-doi-mat-nguy-co-tut-hau-sau-5-nam-brexit-post1531979.html