Chọn lọc doanh nghiệp FDI

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Chưa hết, nhiều doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư tại Việt Nam lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp...

Khuyến khích thu hút FDI có khả năng đóng góp cho tăng trưởng xanh. Ảnh: Danh Lam.

Khuyến khích thu hút FDI có khả năng đóng góp cho tăng trưởng xanh. Ảnh: Danh Lam.

Gia tăng doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh

Trong báo cáo về hiệu quả hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ Tài chính cho biết, số doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây.

Cụ thể, trong số 28.918 DN FDI có dữ liệu báo cáo tài chính, có 16.292 DN FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ, tăng 21,2%; số DN bị lỗ lũy kế là 18.140 DN, tăng 15%.

Số DN bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 DN, tăng 15,2%; số lỗ năm 2023 là 217.464, tăng 32%; trị giá lỗ lũy kế là 908.211 tỷ đồng, tăng 20%; trị giá âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỷ đồng, tăng 29%.

Về doanh thu, Bộ Tài chính cho biết doanh thu của các DN FDI năm 2023 đạt hơn 9,4 triệu tỷ đồng, giảm hơn 426,9 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế của các DN FDI năm 2023 ghi nhận đạt hơn 411.700 tỷ đồng, giảm khoảng 68.300 tỷ đồng so với năm 2022. Trong khi lợi nhuận sau thuế của các DN FDI được ghi nhận đạt khoảng 377.000 tỷ đồng, giảm gần 63.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, tổng tài sản của 28.918 DN FDI có báo cáo trong năm 2023 đạt gần 9,96 triệu tỷ đồng, tăng 6,8%.

Vốn chủ sở hữu của các DN FDI cùng kỳ đạt khoảng 4,19 triệu tỷ đồng, tăng 5,5%. Tổng số nợ phải trả của các DN FDI cùng kỳ khoảng 5,7 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các DN FDI trong năm 2023 là 1,38 lần. Các lĩnh vực đầu tư FDI có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 3,7 lần; lĩnh vực thông tin, truyền thông hơn 3 lần; sản xuất phân phối điện, khí đốt 2,6 lần, bán buôn, bán lẻ 2,2 lần.

Bộ Tài chính cho rằng, số DN FDI báo lỗ, lỗ lũy kế mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về số lượng và giá trị vốn. Đáng chú ý, nhiều DN FDI báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều DN FDI có vốn đầu tư tại Việt Nam lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước rất thấp.

Tăng cường hoạt động rà soát

Trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được của đầu tư nước ngoài như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới… vẫn còn nhiều thách thức đối với đầu tư nước ngoài, một trong các thách thức đó là thúc đẩy sức lan tỏa của khối DN FDI.

Giới chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới cần thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại trên cơ sở áp dụng công nghệ để kết nối mọi vùng, miền trên cả nước. Đồng thời nghiên cứu và tận dụng các cơ hội đối với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở những ngành hàng chiến lược như ngành bán dẫn, điện tử.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, khuyến khích thu hút FDI có khả năng đóng góp cho tăng trưởng xanh của nền kinh tế như điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.

Để quản lý chặt chẽ hơn nữa, trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tăng cường hoạt động rà soát, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động.

Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với những DN FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội. Ngoài ra, có phương án đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, quản lý cho các cơ quan, đơn vị có liên quan đến DN FDI đang hoạt động đầu tư tại địa phương.

Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng phần lớn tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dây chuyền công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chon-loc-doanh-nghiep-fdi-10300216.html