Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Cả đời hiến dâng cho Cách mạng
Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận chiến quân sự lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương ở Việt Nam thời chống Pháp. Trận chiến là một bước ngoặt của nhân loại khi quân đội của một quốc gia thuộc địa ở châu Á đã đánh bại đội quân hùng hậu và hiện đại của một cường quốc châu Âu. Đây cũng được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thất bại hoàn toàn ý chí duy trì thuộc địa ở Đông Dương của thực dân Pháp.
Để có được chiến thắng vẻ vang ấy, đó là kết tinh giữa ý Đảng, lòng dân và ngoài sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ta không thể không nhắc đến công lao, sự hy sinh và cống hiến của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong đó có người con dân tộc Nùng Phùng Văn Khầu với 36 ngày đêm chiến đấu trên Đồi E đã trở thành huyền thoại của bộ đội Pháo binh. Bản thân ông đã được phong tặng Danh hiệu Anh hùng đợt đầu tiên ngay sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Từ tuổi thơ cơ cực đến giác ngộ, đi theo Cách mạng
Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929-2021) sinh ra và lớn lên tại xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trong một gia đình thuần nông. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới vài tuổi, phải đi ở đợ cho nhà giàu để kiếm sống qua ngày. Tận mắt chứng kiến và trải qua cuộc đời nô lệ, bị thực dân đô hộ, áp bức, chính quyền quan tham bóc lột tàn bạo, Phùng Văn Khầu sớm có niềm tin và khao khát được đi theo cách mạng. Đó cũng là bước khởi đầu quyết định toàn bộ cuộc đời sau này của mình.
Sớm có niềm tin vào Cách mạng, ông đã tự nguyện tham gia Việt Minh khi mới mười sáu tuổi, lựa chọn con đường cách mạng, làm mọi việc để phục vụ chính quyền nhân dân. Đến năm 1946, ông tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào Bộ đội Pháo binh, Trung đoàn 675.
Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ đã cho ra đời kế hoạch Nava, trọng tâm là xây dựng Điện Biên Phủ trở thành Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân ở Đông Dương. Tháng 3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bùng nổ, Phùng Văn Khầu cùng các đồng đội tham gia chiến dịch. Ông được phân công làm Khẩu đội trưởng Sơn pháo 75 ly chiếm giữ Đồi E1.
Chiều ngày 30/3/1954, khẩu đội của Phùng Văn Khầu được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch tại Đồi E1. Bằng phương pháp ngắm bắn qua nòng pháo với 22 phát trúng mục tiêu, khẩu đội của ông đánh sập 4 lô cốt, tiết kiệm được 8 viên đạn so với chỉ tiêu cấp trên giao. Ngày 23/4/1954, thực dân Pháp mở đợt phản công lớn nhằm chiếm lại Đồi E1. Vũ khí hiện đại và hỏa lực mạnh của quân Pháp đã đánh sập hầm ngụy trang của 2 khẩu sơn pháo quân ta, 18 đồng đội của ông hy sinh và bị thương, chỉ còn khẩu đội của ông chiến đấu được. Khẩu đội vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi bị trúng hỏa lực địch, hy sinh và bị thương gần hết, chỉ còn một mình ông và một khẩu pháo, với sự gan dạ và quyết tâm, ông vẫn kiên cường bám vị trí, tự mình làm tất cả mọi công đoạn, từ nạp đạn, chỉnh hướng cho đến ngắm bắn. Ông đã bắn trúng 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu đại liên của Pháp, tạo điều kiện cho bộ binh xông lên chiếm lĩnh trận địa.
Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phùng Văn Khầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Bác Hồ tặng Huy hiệu và tuyên dương. Là một trong những người được trực tiếp gặp Bác, được Bác khen tặng và dặn dò. Khi đó, người anh hùng đã báo cáo với Bác: “Thưa Bác, cháu có thành tích bước đầu nhỏ bé thôi mà Bác đã quan tâm. Cháu xin hứa tiếp tục chiến đấu dũng cảm hơn nữa để thắng Pháp cho nước ta sớm được độc lập tự do”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Phùng Văn Khầu xung phong tham gia các trận đánh ác liệt tại chiến trường Khe Sanh, Tà Cơn, Hạ Lào, Quảng Trị...
Cuộc đời anh hùng Phùng Văn Khầu có nhiều điều đặc biệt, từ việc giác ngộ cách mạng khi tuổi còn trẻ, đến việc sử dụng pháo, một vũ khí đòi hỏi sự chính xác một cách thuần thục dù chưa biết chữ. Điều đặc biệt nhất là ông đã nhiều lần được gặp Bác Hồ, cả đời một lòng trung thành làm theo tấm gương Bác.
Nhớ lời Bác Hồ dặn học hỏi để tiến bộ, Phùng Văn Khầu bắt đầu đi học lớp vỡ lòng năm hai mươi tám tuổi. Trước đó, ông được cử tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. Tại đó, ông đã gặp gỡ nữ chiến sĩ thi đua toàn quốc Hà Thị Cay mười bảy tuổi quê ở Thái Bình. Về sau, Hà Thị Cay trở thành vợ của Phùng Văn Khầu.
Người hùng chống tiêu cực trong thời bình
Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, nhân dân ta trở lại cuộc sống độc lập tự do. Phùng Văn Khầu trở về công tác tại Trường Sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây, Hà Nội. Ông làm việc và gắn bó với Sơn Tây từ đó, xem đây là quê hương thứ hai của mình.
Năm 1986, anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, ông về hưu với quân hàm Đại tá, trú quán tại số 4 ngõ 24, phố Thanh Vị, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây. Trở về cuộc sống đời thường, ông cùng vợ và các con lao động hết mình, giản dị sống qua ngày. Có lẽ suốt những năm tháng chiến đấu, cống hiến nhiệt thành cho Cách mạng, Đảng và Nhà nước, nhiều người nghĩ Phùng Văn Khầu sẽ chọn quãng thời gian nghỉ hưu để được nghỉ ngơi. Nhưng không, dù trong chiến đấu hay trong thời bình, người anh hùng Điện Biên vẫn luôn làm theo tấm gương, phẩm chất sáng ngời Bộ đội Cụ Hồ bằng những công việc cụ thể.
Tại Sơn Tây, Phùng Văn Khầu mặc dù tuổi đã cao vẫn tích cực tham gia công tác và các hoạt động của địa phương. Một thời gian dài, ông tham gia công tác khuyến học, mở lớp dạy thêm môn toán tại nhà miễn phí cho các cháu trên địa bàn thị xã. Đặc biệt, ông còn là một anh hùng chống tiêu cực trong thời bình của thị xã Sơn Tây, được báo chí và các cơ quan đoàn thể những năm chín mươi ghi nhận, trở thành công dân tiêu biểu được nêu gương.
Để có được cuộc sống yên bình như hôm nay, là sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ chiến sĩ anh hùng, những người đồng đội của ông đã ngã xuống, đổi máu thịt của mình để giành độc lập tự do cho dân tộc. Một thế hệ đã chấp nhận đánh đổi hạnh phúc riêng, lợi ích riêng, bỏ lại sau lưng mẹ già, vợ trẻ, con thơ, một lòng trung kiên, quyết không khuất phục, xả thân vì Tổ quốc. Ấy vậy mà, trong khi Đảng, Nhà nước và toàn dân ta bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, thì một số cán bộ địa phương lại cố tình làm trái các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để vụ lợi đến khi bị lôi ra ánh sáng như những vụ việc mà anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu và đồng đội ông đã thực hiện.
Chứng kiến và nhận thấy những vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương vẫn còn nhiều, quan còn tham thì dân còn khổ, ông và những người bạn quyết tâm đánh đuổi giặc tham nhũng để có một đất nước của dân, do dân và vì dân thật sự đúng nghĩa. Chính vì lẽ đó, với bản lĩnh và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông quyết tâm là người gương mẫu đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở Sơn Tây, hôm nay đã trở thành bài học quý cho xã hội.
Điển hình phải kể đến vụ việc anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu cùng nhiều công dân dũng cảm khác đã mưu trí, quyết liệt giúp cơ quan chức năng phanh phui hàng chục vụ tiêu cực, nhất là vụ một số cán bộ xã Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Tây cũ) thời điểm những năm 2000, lợi dụng quyền hạn cho thuê, xác nhận trái phép quyền sử dụng hơn 300.000m2 đất, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Rồi vụ chính quyền lợi dụng chức vụ “bí mật” cho “người quen” thuê hàng nghìn mét vuông đất mặt phố ở phường Sơn Lộc, Sơn Tây với giá “rẻ như cho”. Sau vụ việc này, chính quyền phải sửa sai, đưa ra đấu giá, thu về nộp ngân sách 16 tỷ đồng.
Cả cuộc đời mình, anh hùng Phùng Văn Khầu đã sống cho nhân dân, cho Tổ quốc, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân của mình. Bà Hà Thị Cay, vợ ông Khầu, từng chia sẻ: “Những năm chiến tranh, ông Khầu cứ đi biền biệt. Về hưu, ông ấy không chỉ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” với nhiều chức vụ không lương cho đến tận bây giờ mà còn mải đấu tranh với các tệ nạn, tiêu cực. Ở đây, ai biết vụ tiêu cực nào, bức xúc việc gì cũng đến mách ông Khầu. Nhiều đêm, nhìn ông ấy vò đầu, bứt tai bên đống giấy tờ hồ sơ, tôi còn lo hơn lo đạn thù thời chiến. Khuyên ông ấy nên nghỉ ngơi vì tuổi đã già, sức yếu nhưng ông chỉ cười rồi nhắc lại những lời Bác Hồ căn dặn: “Chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành, trung thực, thật thà, dũng cảm”.
Đó chính là Đại tá, anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu, cả một đời trung thành và luôn học theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Ông là niềm tự hào, kính trọng của quê hương Đức Hồng, Trùng Khánh, Cao Bằng - nơi ông sinh ra và thị xã Sơn Tây - Thành phố Hà Nội nơi ông sinh sống. Ông từ trần vào ngày 25/8/2021 tại nhà riêng ở Sơn Tây, đúng vào ngày Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế hệ trẻ chúng tôi, khi nghiên cứu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu luôn rất khâm phục những đóng góp, cống hiến của ông với nhân dân và Tổ quốc.