Anh hùng hội tụ vùng đất thiêng nơi cội nguồn quê hương cách mạng (Kỳ 2)

Kỳ 2: Anh hùng Lê Duy Ứng - biểu tượng ánh sáng niềm tin, sức sống mãnh liệt

Tại chương trình giao lưu với Anh hùng LLVT nhân dân tham gia chương trình gặp mặt, giao lưu tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt tại rừng Trần Hưng Đạo, khi Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sỹ khiếm thị Lê Duy Ứng bước lên sân khấu kể về câu chuyện bức huyết họa về Bác Hồ được vẽ trong khoảnh khắc sinh tử lấy máu từ đôi mắt bị thương vẽ chân dung Bác Hồ, cờ Tổ quốc, cờ Đảng bay phấp phới sau lưng Bác, ghi vội lại dòng chữ "Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân.", phía dưới mọi người đều lặng đi, có người rưng rưng nước mắt. Ông chính là hiện thân của thế hệ anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đã tiếp nối truyền thống cha anh; với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập và tự hào.

ÁNH SÁNG NIỀM TIN BẤT DIỆT TRONG TIM NGƯỜI LÍNH

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sỹ Lê Duy Ứng.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sỹ Lê Duy Ứng.

Anh hùng Lê Duy Ứng sinh năm 1947, tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Được thừa hưởng gen nghệ thuật từ người cha - họa sĩ, nhà báo Lê Yến, lúc nhỏ, ông đã theo học vẽ; năm 1967, ông vào học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1971, khi đang học năm thứ 3, nghe tiếng gọi của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ, làm trợ lý trinh sát thuộc Đại đội 20, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2; năm 1972, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, góp phần giải phóng thành cổ Quảng Trị và Cửa Việt (Quảng Trị).

Bức tranh vẽ Bác Hồ bằng chính máu mắt của họa sĩ Lê Duy Ứng.

Bức tranh vẽ Bác Hồ bằng chính máu mắt của họa sĩ Lê Duy Ứng.

Tháng 5/1974, ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh làm trợ lý tuyên huấn Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn với nhiệm vụ được giao là chụp ảnh và ký họa chiến tranh. Khi cách thắng lợi cuối cùng đúng 02 ngày, họa sĩ Lê Duy Ứng bị thương nặng, hỏng hai mắt và cũng trong lúc thập tử nhất sinh này bức huyết họa vẽ bức chân dung Bác Hồ bằng máu với đề từ “Ánh sáng niềm tin” huyền thoại ra đời. Anh hùng Lê Duy Ứng bồi hồi kể lại: Rạng sáng 28/04/1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn chừng 30 km, khi đang ngồi trên xe tăng vẽ ký họa hình ảnh chiến đấu của quân ta, tôi bị đạn chống tăng của địch văng trúng khiến hai mắt bị thương nặng, ngã bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, tôi nghe thấy tiếng bom đạn, tiếng hô xung phong của các chiến sĩ. Giây phút đó, tôi nghĩ mình tỉnh như vậy chắc mình sắp hy sinh, tôi chấm máu từ đôi mắt để vẽ chân dung Bác Hồ trên nền cờ Tổ quốc, cờ Đảng và đề là “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân. 28/04/1975”, ký tên rất cẩn thận và bỏ vô túi ngực bên trái tim mình rồi lại ngất đi.

Đồng đội ngỡ ông đã hy sinh nên đưa vào nhà xác nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, đột nhiên ông tỉnh dậy, cảm thấy mình khát nước trong khi vẫn nghe thấy tiếng bom đạn ngoài kia liền kêu xin nước, may mắn người chiến sĩ quân y đi phía ngoài nghe tiếng vào bế ông ra khỏi nhà xác. Ngay sau đó, một quả pháo nổ rầm, đất đá nổ tung sập nhà xác, lấp luôn 4 xác người trong đó. Lê Duy Ứng đã may mắn sống sót lần 2. Nhưng khi đưa ông ra ngoài vùng Xuân Lộc, ông lại tắt thở một lần nữa, khi đưa đi an táng, ông lại tỉnh dậy, may mắn thoát khỏi lưới hái tử thần lần thứ 3. Sau đó, ông được đưa ra tuyến sau đến Viện Quân y ở Nha Trang rồi tiếp tục chuyển về Viện Quân y 108 tại Hà Nội để điểu trị.

Tại Viện Quân y 108, khi giao lại ba lô cho ông, mọi người ngỡ ngàng thấy bức tranh “Ánh sáng niềm tin”. Hóa ra, khi thay quần áo cho Lê Duy Ứng tại nhà xác, mọi người đã thấy bức tranh trong túi áo nên cất vào ba lô quân tư trang của ông để sau đó gửi di vật về cho gia đình. Nay ông tỉnh lại, đơn vị chuyển ba lô ra để giao lại cho ông. Và bức huyết họa “Ánh sáng niềm tin” được vẽ trong hoàn cảnh đặc biệt của Lê Duy Ứng trở thành một niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ Cách mạng Việt Nam trước bom đạn của kẻ thù. Trong khoảng khắc cận kề giữa sự sống và cái chết, người chiến sĩ Lê Duy Ứng ngoan cường vẫn nghĩ đến Tổ quốc, Bác Hồ và niềm tin chiến thắng.

Nhưng trong niềm vui đất nước giải phóng, họa sỹ Lê Duy ứng không khỏi buồn và có lúc bi quan vì phải đối mặt với thương tật 90% vĩnh viễn, thương binh ¼, nhất là đôi mắt, giác quan quý nhất đối với một người họa sĩ để cảm nhận ánh sáng và màu sắc đã không nhìn thấy. Nhưng với nghị lực phi thường, ý chí kiên cường của người lính và ánh sáng niềm tin - tình yêu lớn đối với quê hương, đất nước, với Bác Hồ, với nhân dân luôn là nguồn sáng cho anh hùng, học sỹ Lê Duy Ứng trong suốt hành trình sống, lao động và sáng tạo.

Từ ánh sáng niềm tin bất diệt trong tim, dù trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt hay trong những giai đoạn mắt ông có cơ hội thấy ánh sáng trở lại. Năm 1982, ông được cấy ghép giác mạc nhìn thấy trở lại, tuy thị lực chỉ được 5/10 và mắt phải bị mù vĩnh viễn. Vô cùng biết ơn người hiến giác mạc, ông say mê sáng tác cho ra đời hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật cả tranh vẽ lẫn điêu khắc.

Năm 2006, khi ông đang làm việc ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đôi mắt ông mờ dần có nguy cơ mù hẳn và được tài trợ đi chữa mắt tại Nhật Bản nên mắt trái đã sáng trở lại. Nhưng vì vết thương cũ tái phát, nên từ năm 2012 đến nay, cơ hội nhìn thấy ánh sáng của ông hoàn toàn khép lại. Tuy nhiên, dù mắt có nhìn được hay không thì đôi tay, ánh sáng của trái tim và niềm tin bất diệt, ông vẫn luôn miệt mài sáng tác, tiếp tục cống hiến cho đời. Ông lại một lần nữa tạo nên những kỳ tích cuộc đời với khối tác phẩm đồ sộ với gần 5.000 bức tranh, trong đó, trên 3.000 bức chân dung Bác Hồ, hơn 1.000 bức chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp, gần 200 tranh ký họa, sơn dầu… Ngoài ra, điêu khắc hơn 300 bức tượng, trong đó, trên 50 bức tượng bằng đất ông sáng tác khi bị mù. Đã tổ chức gần 50 cuộc triển lãm trên khắp đất nước và thế giới; đạt hàng chục giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế… Chỉ điểm qua đã thấy sự lao động miệt mài, tâm lực, niềm tin và lẽ sống của người lính, người họa sỹ kiên cường.

Với những thành tích trong quân ngũ, ông được Đảng và Nhà nước tặng 3 Huân chương Chiến công; 3 Huân chương Chiến sỹ vẻ vang; Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 30/10/2013, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

SẼ HOÀN THÀNH TÁC PHẨM VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ 34 CHIẾN SỸ TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN

Đối với Anh hùng Lê Duy Ứng, còn sống là một điều may mắn hơn nhiều đồng đội của mình đã nằm lại chiến trường; nhiều người trở về bị chấn thương nặng, có những người bị chất độc da cam và di chứng để lại cho thế hệ sau, nên ông luôn thấu hiểu, chia sẻ và tri ân với những mất mát đó. Cả cuộc đời ông tâm niệm, có vẽ bao nhiêu, tạc tượng thế nào cũng không thể diễn tả cho hết được chân dung của những con người vĩ đại, như: Đối với Bác Hồ, ông một lòng tôn kính; đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông suốt đời nể trọng; đối với những người đã cống hiến hết mình vì nền độc lập tự do cho dân tộc, ông thấy nặng nợ, mang ơn… Ngay cả bây giờ, tuy mắt không còn nhìn được nữa, nhưng ông vẫn tiếp tục công việc. Mỗi dịp đi đâu, đến vùng đất nào, chỉ cần có trong tay một khúc gỗ hay vật liệu, ông đều làm tượng và tâm niệm: Mỗi một gốc cây, ngọn cỏ đều thấm xương máu của những người ngã xuống. Vì thế, linh hồn họ sẽ thổi hồn vào những bức tượng ông tạc.

Anh hùng Lê Duy Ứng trao tặng bức tranh “Bác Hồ với Chiến sĩ giải phóng quân” sáng tác năm 2012 khi mắt ông trở nên mờ lòa, chỉ còn thấy hai màu sáng, tối cho Ban tổ chức chương trình "Về nơi khởi nguồn".

Anh hùng Lê Duy Ứng trao tặng bức tranh “Bác Hồ với Chiến sĩ giải phóng quân” sáng tác năm 2012 khi mắt ông trở nên mờ lòa, chỉ còn thấy hai màu sáng, tối cho Ban tổ chức chương trình "Về nơi khởi nguồn".

Tại đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi lần đầu tiên Anh hùng Lê Duy Ứng đặt chân đến. Ông đã nán lại Đền thờ rất lâu, hai tay sờ từng cánh cửa, cột đền và nghẹn ngào chia sẻ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh Cả của lực lượng vũ trang. Năm 1975, sau lần bị thương nặng ở mắt, tôi điều trị tại Bệnh viện 108, không thể vẽ được nữa nên tôi chuyển sang thử tạc tượng. Một lần đang mò mẫm tạc tượng Bác Hồ bằng đất sét, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, Đại tướng kể cho tôi nghe câu chuyện nhạc sĩ thiên tài Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất khi đã bị điếc cả hai tai. Đại tướng đã hồi sinh tôi cả đôi mắt lẫn tâm hồn nghệ sĩ. Những lần gặp Đại tướng, tôi cũng được nghe Đại tướng kể về những năm tháng hoạt động tại Cao Bằng, gắn bó với đồng bào, hiểu biết được tiếng nói và tâm tư nguyện vọng và phong tục tập quán của bà con. Còn đối với bà con các dân tộc Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn đi đến đâu cũng được dân quý, dân thương, hết lòng giúp đỡ và bảo vệ, vì vậy, Đại tướng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với vùng đất Cao Bằng nghĩa tình, kiên trung, bất khuất này. Vì thế, dù lần đầu đến với dãy núi thiêng Khau Giáng nhưng tôi cảm nhận rất thân thuộc. Cảm nhận bãi cỏ nơi 80 năm trước 34 chiến sỹ dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được thành lập ngay dưới gốc cây sấu già; hay ký ức về đỉnh Slam Cao nơi đặt trạm quan sát của đồng chí Võ Nguyên Giáp và ban chỉ huy Đội…

Với nụ cười đôn hậu, rạng ngời và cái bắt tay ấm áp, ông chia sẻ: Hôm nay được đến cánh rừng thiêng Trần Hưng Đạo tôi xúc động lắm. Sau chuyến đi trở về nhất định tôi sẽ sáng tạo tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sỹ Đội Việt Nam TTGPQ - nơi khởi nguồn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bởi bản thân tôi rất tự hào chính là một đàn em của đội quân đàn anh như trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Bác Hồ “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Chính vì vậy, tôi sẽ sáng tác về họ bằng tình yêu, niềm tự hào và hơn cả là bằng trái tim người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thúy Hằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/anh-hung-hoi-tu-vung-dat-thieng-noi-coi-nguon-que-huong-cach-mang-ky-2-3171590.html