Anh hùng hội tụ vùng đất thiêng nơi cội nguồn quê hương cách mạng (Kỳ 3)

Kỳ 3: Anh hùng Phạm Tuân và những dấu ấn huyền thoại

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân chính là hiện thân của anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, của quân đội ta quân đội anh hùng với những chiến công lững lẫy đã trở thành huyền thoại “vô tiền khoáng hậu” gắn liền với những cái đầu tiên: Phi công đầu tiên bắn hạ siêu pháo đài bay B52 của địch và an toàn trở về; người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ; người Việt Nam đầu tiên ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Cuộc đời binh nghiệp của ông từ chàng trai nông thôn ở vùng quê nghèo Thái Bình vào bộ đội rèn luyện, rồi từ thợ máy chuyển sang làm phi công và thành nhà du hành vũ trụ để lại dấu ấn không chỉ trong lòng dân tộc mà còn trên thế giới, góp phần xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

CHIẾN CÔNG LỪNG LẪY GẮN LIỀN VỚI NHỮNG CÁI ĐẦU TIÊN

Phạm Tuân sinh năm 1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; nhập ngũ tháng 9/1965, khi tròn 18 tuổi. Do không đủ tiêu chuẩn để thi tuyển phi công, ông được cử đi học thợ máy, sửa chữa máy bay. Sau đó, do thiếu phi công chiến đấu, Phạm Tuân được tuyển lại học phi công và tốt nghiệp Trường Không quân Liên Xô năm 1967, về nước chiến đấu năm 1968. Giữa năm 1972, ông là 1 trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ “pháo đài bay” B-52 của Mỹ.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng ký ức của Trung tướng Phạm Tuân về trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” với 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972 là ký ức hào hùng không bao giờ quên: Chiều ngày 27/12/1972, tôi được lệnh cơ động từ Nội Bài lên sân bay Yên Bái. Vừa rời đường băng, tôi đã phát hiện tốp F4 chặn đường. Nhưng nhờ có các sĩ quan dẫn đường nhiều kinh nghiệm, tôi chủ động vượt qua tốp F4, tiến về phía B52 đang bay vào. Đến khoảng cách 60 km, tôi vứt thùng dầu phụ và kéo chiếc MiG lên độ cao 6.000 m. Khi cự ly 40 km, tôi phát hiện tốp B52 của địch nhưng tiếp tục điều khiển máy bay vượt qua các tốp F4 lao tới tiếp cận B52 ở cự ly 10 km. Cuộc rượt đuổi căng thẳng diễn ra, đến cự ly 4 km, tôi mới chọn đường ngắm, phóng 2 quả tên lửa. Một quầng lửa bùng ngay trước mắt khiến tôi chỉ kịp kéo máy bay lên rồi lật xuống, cơ động về hạ cánh tại Yên Bái. Bằng chiến công lập được, ngay hôm sau ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen và ngày 3/9/1973, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, khi đó ông thuộc quân số của Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371.

Câu chuyện về chiến công là phi công đầu tiên bắn hạ pháo đài B52 của anh hùng Phạm Tuân trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 tại Hà Nội đã được nhiều người đọc, tìm hiểu qua những trang sách và các bài viết. Nhưng hôm nay, được nhìn, được nghe trực tiếp Anh hùng Phạm Tuân kể chi tiết, sinh động về câu chuyện năm đó khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi, cảm phục sự dũng cảm, mưu trí vừa tự hào về người lính “Bộ đội Cụ Hồ”; đặc biệt là các em học sinh, ông đã truyền tình yêu, niềm tự hào với đất nước qua từng câu chuyện, kỷ niệm trong quân ngũ của mình.

Năm 1977, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), một năm sau, ông chuyển sang bay vũ trụ và được chọn vào đội bay quốc tế thứ 6 trong chương trình Intercosmos của Liên Xô. Thông thường, thời gian đào tạo, huấn luyện phi công vũ trụ tại Liên Xô sẽ mất khoảng 3 năm nhưng đối với phi công Việt Nam nói chung và Phạm Tuân nói riêng thời gian này rút ngắn xuống còn 1,5 năm. Điều này cho thấy cường độ rèn luyện rất cao và ý chí, tinh thần, quyết tâm của phi công Phạm Tuân để được chọn đôi bay vào vũ trụ. Đặc biệt, đối với Việt Nam, một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, việc Phạm Tuân bay vào vũ trụ là một kỳ tích, một phép màu, niềm tự hào.

Ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân - người Châu Á đầu tiên cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Gorbatko đã bay vào không gian trên tàu Soyuz từ sân bay Baikonur (nay thuộc nước Cộng hòa Kazakhstan). Ông kể: Chỉ mất 1 tiếng 30 phút để bay một vòng quanh Trái đất nên kế hoạch làm việc phải chi tiết đến từng giây. Chúng tôi đã thực hiện các thí nghiệm vật lý và công nghệ vũ trụ; quan sát đánh dấu các hành tinh, các vì sao, chụp ảnh Trái đất… Đến ngày 31/7/1980, chúng tôi bay trở về trái đất sau 142 vòng bay quanh trái đất. Đặc biệt, hành trang tôi mang theo khi bay vào vũ trụ ngoài thư từ, ảnh của gia là một nắm đất Ba Đình, một quyển Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ, bản Di chúc của Bác Hồ, ảnh Bác Hồ, ảnh ông Lê Duẩn, 2 huy hiệu Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Tất cả những thứ đó được mang lên, đóng dấu trên tàu, được ghi nhận đã vào vũ trụ - Việt Nam chính thức có tên trong bản đồ du hành vũ trụ quốc tế.

Chuyến bay đã trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay. Đối với Việt Nam đã chứng minh rằng, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng với sự hợp tác quốc tế, sự nỗ lực không ngừng sẽ giúp chúng ta có thể tiến xa, tiến vững chắc trên con đường chinh phục khoa học kỹ thuật. Còn với Liên Xô, tình đoàn kết hữu nghị đã có từ trên mặt đất, trên biển và trên bầu trời, bây giờ được thể hiện ngay cả trong vũ trụ càng gắn kết chặt chẽ, keo sơn. Chuyến bay vũ trụ được hoàn thành thắng lợi chứng minh sự hợp tác hiệu quả giữa các nhà khoa học các nước xã hội chủ nghĩa trong việc chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình.

Với những thành tích này, ngay trong năm 1980, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh, vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô kèm theo Huân chương Lênin. Đồng thời cũng lập nên huyền thoại người Việt Nam đầu tiên được 03 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Nhiều dấu ấn tiếp tục được Anh hùng Phạm Tuân để lại trong quãng thời gian gắn bó với Quân chủng Phòng không - Không quân và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP). Ở lĩnh vực mới (CNQP) không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng ông tiếp cận rất nhanh, không ngừng nghiên cứu và đã góp sức để tổ chức lại CNQP với việc đưa các nhà máy đóng tàu và các viện nghiên cứu về trực thuộc Tổng cục; tham mưu xây dựng và ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP; sản xuất các loại vũ khí bộ binh hiện đại… Dù ở bất cứ vị trí, tình huống nào ông vẫn luôn giữ đúng phong cách "Bộ đội Cụ Hồ" đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ giữ gìn, phát triển, xây đắp nên bản chất, truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

“NƠI KHỞI NGUỒN RỪNG THIÊNG CHẮP CÁNH CHO TÔI BAY VÀO VŨ TRỤ”

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Cao Bằng, Trung tướng Phạm Tuân bày tỏ: Tôi đã một vài lần được đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, mỗi lần đến đều rất xúc động, tự hào với những truyền thống tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, lần này về rừng Trần Hưng Đạo đúng dịp tham gia hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam càng khiến tôi xúc động, tự hào và thấy mình may mắn vì bản thân đã được gia nhập QĐND Việt Nam, là các thế hệ tiếp nối, là hậu duệ của 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ năm xưa được thành lập tại cánh rừng thiêng này. Chuyến bay vào vũ trụ của tôi cũng được khởi nguồn từ nơi này chắp cánh, bởi nếu không có Đội VNTTGPQ dưới sự lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, QĐND Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước đi lên CNXH, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả; phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Quả đúng như lời khẳng định của Anh hùng Phạm Tuân, chính từ cánh rừng thiêng, 34 chiến sĩ đã tham gia vào đội quân quốc gia đầu tiên và trưởng thành, lớn mạnh. Chúng ta có Bộ đội Hải quân với những chuyến tàu 0 số huyền thoại; Binh chủng Đặc công với lối đánh “nở hoa trong lòng địch”; Bộ đội Tăng thiết giáp với truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”; Phòng không - Không quân với “lập công tập thể”; Bộ đội Công binh với “Mở đường thắng lợi”... tất cả đã góp phần làm nên sức mạnh của QĐND Việt Nam.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân trò chuyện với thế hệ trẻ huyện Nguyên Bình. Ảnh: Thùy Linh

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân trò chuyện với thế hệ trẻ huyện Nguyên Bình. Ảnh: Thùy Linh

Cũng tại cuộc gặp mặt, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân nhắn nhủ thế hệ trẻ nơi cội nguồn cách mạng Cao Bằng nói riêng và đất nước nói chung rằng không chỉ giữ gìn truyền thống mà thế hệ trẻ phải làm sao phát huy được truyền thống đó lên tầm cao mới, lập nên những chiến công lớn hơn nữa trong các lĩnh vực. Đặc biệt cần phải có được những nhà khoa học nổi trội, những nhà nghiên cứu để sản xuất ra các loại vũ khí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam chúng ta. Phải vươn lên, phải học tập tốt hơn, trong đó, gốc rễ là giáo dục truyền thống, để thấy được rằng từ 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, qua các giai đoạn cách mạng, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ chúng ta càng trưởng thành hơn. Khẳng định để xây dựng quân đội phải bắt nguồn từ giáo dục lòng yêu nước. Tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc sẽ nâng cánh cho thế hệ trẻ tiếp tục bay vào vũ trụ chinh phục khoa học công nghệ, góp phần xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thúy Hằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/anh-hung-hoi-tu-vung-dat-thieng-noi-coi-nguon-que-huong-cach-mang-ky-3-3171709.html