Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực: Cùng viết nên khúc tráng ca Củ Chi

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cựu chiến binh Tô Văn Đực, người con ưu tú được Tổ quốc vinh danh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vẫn vẹn nguyên khí phách của một thời trận mạc.

Ngày 22/4/2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chủ tịch nước Lương Cường đến thăm và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (mặc quân phục). Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với những đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Ngày 22/4/2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chủ tịch nước Lương Cường đến thăm và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (mặc quân phục). Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với những đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Khúc ca chiến trường dưới lòng đất

“Ở dưới đó nóng, ngột ngạt, tối tăm, nhưng chứa đựng cả một bầu trời lý tưởng sống của chúng tôi”, ông Tô Văn Đực mở đầu câu chuyện khi tôi có dịp gặp gỡ ông và giao lưu với đoàn làm phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” trong Chương trình “Tri ân lịch sử - Truyền lửa thanh niên” hồi cuối tháng 4/2025.

Chất giọng hào sảng năm xưa, tưởng chừng nhuốm màu khói lửa, nay vẫn vang vọng, kể về những năm tháng “nằm gai nếm mật” nơi địa đạo Củ Chi huyền thoại. Đôi mắt người anh hùng dẫu đã trải qua bao gian lao, vẫn ánh lên một niềm tin sắt son, một ký ức không thể phai mờ về những ngày sống và chiến đấu dưới lòng đất quê hương.

Sinh năm 1942 tại mảnh đất Củ Chi - “đất thép thành đồng”, người con ưu tú Tô Văn Đực sớm thấm nhuần tinh thần cách mạng. Từ ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM, chàng thanh niên 20 tuổi năm xưa đã gia nhập đội ngũ dân quân du kích xã Nhuận Đức, được tổ chức phân công phụ trách công xưởng sửa chữa những vũ khí hỏng hóc trong quá trình chiến đấu.

Ngày 22/4/2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chủ tịch nước Lương Cường đến thăm và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (mặc quân phục). Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với những đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Anh hùng Tô Văn Đực bồi hồi nhớ lại những năm tháng được giao trọng trách tại công xưởng sửa chữa vũ khí. Giọng ông trầm xuống, mang theo cả sự xót xa của một thời gian khó: “Khi đó, vũ khí khan hiếm đến cùng cực. Có những đơn vị du kích của ta, trong tay không một tấc sắt, phải dùng gươm, dùng kiếm thô sơ để chống lại súng đạn tối tân của địch. Lấy dao kiếm mà đương đầu với hỏa lực mạnh mẽ của chúng, làm sao có thể cân sức?”.

Vậy là, từ những phế liệu tưởng chừng vô dụng, những ống thép bỏ đi của xe ô tô, những đoạn ray xe lửa hoen gỉ, những mảnh bom còn vương mùi thuốc súng, từ đống sắt vụn tưởng chừng chỉ có thể vứt bỏ, bằng đôi bàn tay chai sạn và chiếc lò rèn thô sơ, người thợ quân giới Tô Văn Đực đã thổi vào chúng một linh hồn mới.

Trong ký ức nhuốm màu khói lửa, anh hùng Tô Văn Đực không còn nhớ rõ bao nhiêu lần cận kề lằn ranh sinh tử. Ánh mắt ông lại đượm buồn khi kể về những khoảnh khắc sinh tử: “Có hôm, địch dùng chó nghiệp vụ và cả khí độc hòng lùng sục, chúng tôi chỉ còn cách dùng chính thân mình bịt kín các ngách hầm, quyết giữ bí mật cho toàn bộ hệ thống địa đạo”.

Những câu chuyện sống còn nơi địa đạo Củ Chi không đơn thuần là những chiến công hiển hách được ghi vào sử sách, mà còn là khúc tráng ca bất tử về tinh thần quả cảm đến tận cùng, về lòng trung kiên son sắt không gì lay chuyển nổi. Anh hùng Tô Văn Đực đã in dấu chân mình trong những trận đánh mang tính bước ngoặt, những trận chiến mà tên đất, tên người đã trở thành biểu tượng cho ý chí quật cường của dân tộc.

Gương mặt sạm đi vì nắng gió chiến trường, mái tóc điểm sương như những sợi cước bạc lẫn trong màu đất mẹ và ánh nhìn kiên định, xuyên thấu như đã nhìn thấu bao gian nguy. Tất cả là những dấu ấn không thể phai mờ của những tháng năm ông “ăn gió, nằm sương”, sống hòa mình cùng lòng đất, thở chung bầu không khí khét lẹt mùi thuốc súng để giữ gìn từng tấc địa đạo, từng lớp hầm che chở đồng bào và chiến sỹ.

Từ trận tập kích táo bạo vào căn cứ Đồng Dù kiên cố - nơi được xem là “cứ điểm bất khả xâm phạm” của quân đội Mỹ, đến trận đánh ác liệt tại cầu Bến Súc - một “thủ phủ” sừng sững của địch án ngữ ngay cửa ngõ Sài Gòn hoa lệ, mỗi trận chiến là một minh chứng cho tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Mỗi trận đánh là dấu son chói lọi khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Năm 1967, ông mới 24 tuổi. Ở độ tuổi đầy nhiệt huyết, người chiến sỹ Tô Văn Đực vinh dự được Tổ quốc trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân bởi những sáng kiến cùng chiến tích cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Tái hiện huyền thoại Củ Chi qua “”Địa đạo””

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi bộ phim điện ảnh “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt, hình ảnh người anh hùng Tô Văn Đực lại tỏa sáng, trở thành biểu tượng sống cho tinh thần chiến đấu quật cường nơi địa đạo Củ Chi huyền thoại.

Tại buổi công chiếu, ông Tô Văn Đực lặng lẽ ngồi giữa hàng ghế khán giả, đôi tay gầy guộc khẽ run. Những giọt nước mắt không kìm nén được lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng. “Không phải tôi khóc cho riêng mình, mà tôi nhớ đến những đồng đội, những người anh em đã ngã xuống âm thầm. Sự hy sinh cao cả của họ đã đổi lấy từng tấc đất thiêng liêng này”, giọng ông nghẹn lại.

Nhân vật “Tư Đạp” do diễn viên Quang Tuấn hóa thân trong phim chính là hình ảnh phóng tác đầy tâm huyết từ cuộc đời và khí phách của ông Tô Văn Đực. Từng chi tiết nhỏ nhất, từ dáng đi khập khiễng in hằn dấu vết của những trận chiến năm xưa, đến cách ông cảm nhận độ ẩm của đất bằng đôi tay chai sạn để chọn vị trí đào hầm bí mật, tất cả đều được tái hiện một cách chân thực, dựa trên ký ức của chính người anh hùng.

Sau buổi công chiếu, một bạn nữ xúc động: “Chúng cháu chỉ biết đến lịch sử qua những trang sách. Hôm nay, được xem phim và gặp gỡ bác, cháu mới thực sự cảm nhận được rằng, lịch sử không phải là chuyện đã qua, mà vẫn đang sống, ngay trước mắt cháu, trong từng hơi thở và ký ức của những người như bác”.

Hồi ức của người lính già và bài học cho thế hệ mai sau

Dẫu đã gần 9 thập niên trôi qua, những ký ức về từng trận đánh ác liệt, từng gương mặt thân thương của đồng đội vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già Tô Văn Đực. Ông không kể chuyện đời mình bằng giọng điệu của một người anh hùng được tạc tượng, mà bằng sự chân tình, ấm áp của một người cha, người chú đang ân cần nhắn nhủ thế hệ con cháu.

“Không ai sinh ra đã mang trên mình chiếc áo anh hùng. Trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, chỉ có một ý nghĩ thôi thúc rằng, nếu mình không đứng lên, nếu tất cả chúng ta đều lùi bước, thì ai sẽ bảo vệ mảnh đất này, bảo vệ những người thân yêu”, giọng ông hiền từ.

Sau giải phóng, anh hùng Tô Văn Đực tiếp tục cống hiến sức mình trong quân đội, đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu 7 cho đến ngày vẹn tròn nghĩa vụ, trở về với cuộc sống đời thường vào năm 1992.

Điểm dừng chân cuối cùng của ông lại là ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức - chính là mảnh đất Củ Chi năm xưa đã hứng chịu bao nhiêu bom đạn cày xới. Ngôi nhà nhỏ bé, giản dị của ông vẫn lặng lẽ nép mình giữa khu vườn xanh mát đủ loại cây trái, như một nốt trầm bình yên sau những thanh âm dữ dội của chiến tranh. Với đôi bàn tay từng nắm chắc tay súng, ông lại bắt tay vào công cuộc khai khẩn mảnh đất quê hương còn hoang sơ, nơi sình lầy bao phủ, cỏ dại mọc um tùm và những hố bom chằng chịt phủ đầy rêu phong.

Cuộc đời ông như một bản hòa tấu của sự thích ứng và kiên trì. Từ người nông dân chân chất, tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thôi thúc ông cầm súng. Nay đất nước đã thanh bình, non sông thu về một mối, ông trở lại với ruộng vườn, không quản ngại khó khăn chuyển đổi cây trồng, từ cây ăn trái đến tre rồi cao su. Trong sâu thẳm tâm hồn, ông vẫn là người con của đất, nặng lòng với quê hương.

Bài học mà người anh hùng để lại không nằm ở những tấm huân chương lấp lánh trên tường, mà ẩn sâu trong chính tinh thần bất khuất, sự khiêm nhường đáng quý và trái tim nhân hậu của người lính già đã từng sống và chiến đấu kiên cường trong lòng đất, vì một tương lai tươi sáng hơn cho cả dân tộc.

Giữa hàng ngàn người con đất Việt kiên cường sống sót qua lửa đạn, anh hùng Tô Văn Đực là tượng đài sống cho cho sức mạnh phi thường của ý chí Việt Nam. Không cần những lời hoa mỹ, không cần những tượng đài bằng đá vô tri, chính ông - bằng những lời kể chân thật và bằng cả hình ảnh xúc động của mình trong bộ phim “Địa đạo”, đã khơi dậy ngọn lửa hào hùng, sưởi ấm trái tim của mỗi người Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.

“Chúng tôi đào địa đạo để đánh giặc, còn các cháu bây giờ phải đào sâu tri thức, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh”, người lính già nhắn nhủ thế hệ trẻ của đất nước.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-to-van-duc-cung-viet-nen-khuc-trang-ca-cu-chi-d275313.html