Anh hùng về với tuổi thơ

Lúc hơn 17 giờ, sân Trường Tiểu học Vũ Lạc, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình chỉ còn vài ba thầy giáo, cô giáo, một cậu bé chạy lên, chạy xuống mấy lượt ngó nghiêng tất cả phòng học, rồi cậu chạy đến bên tôi, mồ hôi ướt đẫm: 'Chú bộ đội ơi! Chú có thấy ông Uy ở đâu không? Cháu rất muốn gặp ông!'.

Tôi dẫn cậu bé lên phòng hiệu trưởng và đề nghị cô phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Thái Bình tạm dừng cuộc phỏng vấn. Cậu bé mạnh dạn bước tới chỗ người cựu chiến binh trên áo ngực đeo đầy huân, huy chương: “Cháu tên là Phạm Gia Huy, học sinh lớp 5A. Cháu xin được bắt tay và ôm ông. Cháu sẽ nhớ mãi cái ôm này và những câu chuyện mà ông vừa kể cho chúng cháu ạ!”.

Nghe tin Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy từ Hà Nội về quê nói chuyện truyền thống nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Vũ Lạc háo hức mong chờ đã mấy ngày qua. Nắng vàng cuối thu trải dài trên những cung đường đầy hoa, Anh hùng Phạm Trương Uy xuống xe bước vào cổng trường, hàng trăm cháu học sinh chạy ùa đến vây quanh ông với sự hồn nhiên và niềm vui bất tận của trẻ thơ. Hơn 20 thầy giáo, cô giáo “dàn trận” dẫn các cháu về vị trí ngồi ở sân trường để được nghe người anh hùng kể chuyện.

 Học sinh Trường Tiểu học Vũ Lạc vây quanh Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy.

Học sinh Trường Tiểu học Vũ Lạc vây quanh Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy.

Cô giáo Đặng Thị Chuyển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Lạc, giọng trầm ấm: “Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Lạc. Năm 17 tuổi, ông xung phong nhập ngũ, sau đó được đơn vị cử đi học chuyên ngành tên lửa ở Liên Xô. Về nước, ông chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ)-đơn vị tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Là sĩ quan điều khiển, giữ cương vị đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236, Anh hùng Phạm Trương Uy đã tham gia đánh hơn 100 trận, cùng kíp chiến đấu tiêu diệt 22 máy bay địch các loại, trong đó có 2 chiếc B-52. Ngày 3-9-1973, đồng chí Phạm Trương Uy được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Để nâng cao hiệu suất chiến đấu, ông đã tự biên soạn cuốn "Cẩm nang xạ kích". Cuốn cẩm nang này hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ, là minh chứng cho tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” của bộ đội tên lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Cô Chuyển vừa dứt lời, từng tràng pháo tay của gần 900 đại biểu chính quyền, cơ quan đoàn thể TP Thái Bình, xã Vũ Lạc cùng giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Vũ Lạc vang lên như thay lời cảm ơn và trân trọng những chiến công vẻ vang của Anh hùng Phạm Trương Uy. Người lính già xúc động trước tình cảm của mọi người dành cho mình. Mấy lời ôn lại những kỷ niệm về tuổi thơ gắn với quê hương Vũ Lạc; những tháng ngày cầm súng trên trận tuyến chống quân thù, ông Uy mời các cháu học sinh đặt câu hỏi. Hàng chục cánh tay giơ lên và nhiều câu hỏi được gửi tới ông: “Ông ơi! Ông có sợ máy bay ném bom không?", "Tại sao máy bay nhỏ và bay nhanh thế mà bộ đội vẫn bắn được?”; “Lúc nãy chúng cháu nghe cô hiệu trưởng giới thiệu cuốn "Cẩm nang xạ kích", ông có thể cho chúng cháu hiểu rõ hơn được không ạ?”…

Anh hùng Phạm Trương Uy hóm hỉnh: “Các cháu đã xem phim Tôn Ngộ Không chưa? Yêu quái dù có xảo quyệt đến mấy cũng bị Tôn Ngộ Không đánh bại vì Tôn Ngộ Không thông minh, mưu trí, luôn có cách đối phó với yêu quái. Khi đối mặt với quân thù cũng vậy. Dù họ to, khỏe, có nhiều vũ khí hiện đại vào đánh nhà mình, quê hương mình nên lòng căm thù giặc của mỗi người Việt Nam lại trỗi dậy. Máy bay địch mang nhiều vũ khí, bay vèo vèo, thả bom đâu là trúng đấy, nhưng bộ đội ta luôn gan dạ, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, hiệp đồng tập thể trong sử dụng tên lửa, pháo cao xạ để tiêu diệt không cho chúng thả bom phá hoại. Trong quá trình chiến đấu, đơn vị ông phải chiến đấu ở đồng bằng, đồi núi, bắn các loại máy bay khác nhau. Để nâng cao hiệu quả chiến đấu, ông phải tính toán độ cao, vận tốc bay của máy bay; góc, hướng bắn, thời cơ bắn của tên lửa, rồi những kinh nghiệm hay trong chiến đấu đều được ông ghi lại trong cuốn sổ nhỏ, mỗi khi cần là mở ra xem, nhất là để làm tài liệu truyền lại cho bộ đội. Bây giờ các cháu cũng vậy, muốn học giỏi, trước hết phải chăm ngoan, luôn tập trung lắng nghe, tiếp thu bài thầy, cô dạy. Những bài toán khó phải suy nghĩ, khó quá thì nhiều bạn cùng giải, không được nản chí; những lời hay, ý đẹp, việc làm ý nghĩa các cháu nên ghi vào cuốn sổ nhỏ như cuốn cẩm nang của ông để khi cần là mở ra tra cứu. Các cháu hỏi ông đã trả lời. Giờ ông hỏi, cháu nào trả lời đúng ông sẽ có quà tặng ngay tại đây nhé!”.

Sân trường vang lên tiếng nói cười rộn rã của người anh hùng cùng các cháu học sinh. Ngoài cổng trường, rất nhiều phụ huynh, người dân chen nhau đứng xem và họ thấy được hình ảnh đời thường giản dị cùng những câu chuyện đáng nhớ về một người con ưu tú của quê hương mình...

Bài và ảnh: CHÍ PHAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/anh-hung-ve-voi-tuoi-tho-599737