'Anh hùng xạ điêu' dội gáo nước lạnh vào khán giả

Từ khi ra rạp, 'Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả' dội gáo nước lạnh vào khán giả, kéo tất cả khỏi những kỳ vọng viển vông và trở về thực tế phũ phàng.

Trước Tết Nguyên đán, bộ phim được truyền thông Trung Quốc thổi phồng đến, dựa vào doanh số bán vé trước suất chiếu và sức ảnh hưởng của Tiêu Chiến để mạnh miệng tuyên bố đạt doanh thu 3-4 tỷ NDT. Sau 10 ngày công chiếu, doanh thu mỗi ngày đã rơi xuống dưới 5 triệu NDT - một con số khó tin đối với bom tấn được đầu tư rầm rộ.

Bộ phim từng được quảng bá là "siêu phẩm" với kinh phí lên đến 500 triệu NDT (68,5 triệu USD), thế nhưng giờ đây, khả năng vượt qua 650 triệu NDT doanh thu phòng vé cũng trở thành dấu hỏi lớn. Nhìn vào xu hướng sụt giảm này, không ít người đặt ra nghi vấn: liệu đây có phải chỉ là màn "vắt kiệt túi tiền người hâm mộ" được dàn dựng công phu hay không.

Nhiều người còn cho rằng Anh hùng xạ điêu bản remake dội gáo nước lạnh vào khán giả.

 Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả cán mốc 600 triệu NDT tổng doanh thu, trở thành phim võ hiệp có phòng vé nội địa cao nhất mọi thời đại nhưng vẫn thua lỗ khi vốn đầu tư lên đến 500 triệu NDT, chưa kể chi phí marketing...

Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả cán mốc 600 triệu NDT tổng doanh thu, trở thành phim võ hiệp có phòng vé nội địa cao nhất mọi thời đại nhưng vẫn thua lỗ khi vốn đầu tư lên đến 500 triệu NDT, chưa kể chi phí marketing...

Cái giá khi chọn sao "lưu lượng"

Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả yếu thế trong sáu phim dịp Tết. Tác phẩm chỉ chiếm 0,9% tổng doanh thu, trong khi Na Tra 2 chiếm gần 80%. Điểm Douban cũng đứng hạng bét với 5,5 điểm. Tính đến 7/2, phim tụt xuống 5,3 điểm.

Ngay từ khi dàn diễn viên chính được công bố với Tiêu Chiến và Trang Đạt Phi đã gây tranh cãi. Cả hai diễn viên đều thuộc dòng "lưu lượng" (ngôi sao có độ phủ sóng cao nhưng năng lực diễn xuất chưa thực sự thuyết phục - PV), người xem đặt câu hỏi tại sao Từ Khắc lại mạo hiểm giao vai chính trong tác phẩm kinh điển của Kim Dung cho cả hai.

Trang Đạt Phi (trái) vào vai Hoàng Dung, Tiêu Chiến đóng Quách Tĩnh trong Xạ điêu 2025.

Trang Đạt Phi (trái) vào vai Hoàng Dung, Tiêu Chiến đóng Quách Tĩnh trong Xạ điêu 2025.

Làm mới tác phẩm kinh điển chưa bao giờ là điều dễ dàng. Năm ngoái, đạo diễn Hồ Mai từng cố gắng làm điều tương tự với bộ phim điện ảnh Hồng lâu mộng: Kim ngọc lương duyên, kết quả lại trở thành lời cảnh báo cho các đạo diễn sau này.

Khi bộ phim ra mắt, khán giả nhận xét cả dàn diễn viên lẫn diễn xuất đều không đủ sức chinh phục người xem. Sau thất bại, nhiều đạo diễn đã từ bỏ ý định làm lại các tác phẩm kinh điển. Từ Khắc rơi vào tình cảnh khó khăn khi không tiếp thu bài học.

Ai cũng kỳ vọng đây sẽ là bước tiến lớn của Tiêu Chiến trong lĩnh vực điện ảnh, nhất là khi anh sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu, còn Từ Khắc từng có bề dày thành tích đáng nể. Thế nhưng, kỳ vọng nhanh chóng trở thành thất vọng.

Khán giả phát hiện nhiều phân đoạn bị thay đổi quá mức, mạch phim trở nên rời rạc. Chất lượng tác phẩm không như mong đợi, khiến nhiều người cảm thấy bỏ ra số tiền lớn để mua vé xem phim trong dịp Tết là không đáng.

Doanh thu phòng vé của bộ phim liên tục giảm mạnh, số suất chiếu cũng bị cắt giảm đáng kể, xuống chỉ còn 11,5%. Người hâm mộ Tiêu Chiến tỏ ra bất bình, cho rằng bộ phim bị đối xử thiếu công bằng. Chỉ sau ngày chiếu thứ hai, tỷ lệ doanh thu trên suất chiếu của bộ phim đã rơi xuống vị trí cuối bảng.

Để bộ phim thành công, ngoài lượng fan trung thành, còn cần sự công nhận của khán giả đại chúng. Dù người hâm mộ có cố gắng mua vé để nâng doanh thu, sức ảnh hưởng của họ vẫn có giới hạn.

Người bị cư dân mạng trút giận sau thất bại của Xạ điêu

Hiện tại, sự chỉ trích dồn về phía Từ Khắc.

Nhiều người nhận định Tiêu Chiến chỉ là diễn viên, không có quyền quyết định hướng phát triển của bộ phim. Nguyên nhân chính khiến tác phẩm thất bại nằm ở kịch bản và cách xử lý nội dung không phù hợp với thị hiếu khán giả.

Trong các đoạn trailer quảng bá, bộ phim nhấn mạnh vào lòng yêu nước, khơi gợi tinh thần dân tộc. Thế nhưng, khi ra rạp, khán giả phát hiện nội dung phim không hề có yếu tố này, thậm chí cảnh hành động - linh hồn của dòng phim võ hiệp - cũng rất ít ỏi.

Đạo diễn Từ Khắc (giữa) bên cạnh Tiêu Chiến và Trang Đạt Phi.

Đạo diễn Từ Khắc (giữa) bên cạnh Tiêu Chiến và Trang Đạt Phi.

Phần lớn phân cảnh trong phim lại được xử lý bằng kỹ xảo vi tính. Trong trận chiến cuối cùng, hàng vạn binh sĩ trên chiến trường gần như bất động, chỉ có Âu Dương Phong và Quách Tĩnh đơn độc giao đấu, khiến cảnh phim trở nên thiếu chân thực.

"Các cảnh chiến đấu dù có sử dụng hiệu ứng kỹ xảo nhưng lại mang đến cảm giác rẻ tiền, hoàn toàn thiếu đi sự tinh tế từng làm nên nét đặc trưng của những bộ phim võ hiệp kinh điển. Đặc biệt, hiệu ứng trong các pha giao đấu trông không khác gì phiên bản sao chép từ những bộ phim siêu anh hùng Hollywood - vừa thiếu sáng tạo, vừa mất đi chất riêng của điện ảnh võ hiệp Trung Quốc" - báo Trung viết.

Không dừng lại ở đó, bộ phim còn tập trung quá nhiều vào yếu tố tình cảm, biến tác phẩm thành câu chuyện ngôn tình hơn là phim võ hiệp chính thống.

Một số phân cảnh trong Xạ điêu anh hùng truyện: hiệp chi đại giả. Video: Weibo.

Điều khiến khán giả thất vọng hơn cả chính là cách bộ phim xử lý cốt truyện. Tác phẩm chỉ chuyển thể từ chương 34 đến chương 40 của nguyên tác, phần còn lại sẽ được chia ra cho hai phần phim tiếp theo. Tờ Sohu cho rằng quyết định này không xuất phát từ mong muốn tạo ra một bộ phim hoàn chỉnh, mà chỉ đơn thuần là để tận dụng thương hiệu nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Trước làn sóng chỉ trích, một số người lên tiếng bảo vệ Từ Khắc. Blogger Vương Đại Phát nhận định, vì bộ phim này, Từ Khắc có thể sẽ “mất sạch danh tiếng ở chặng cuối sự nghiệp”. Ẩn ý đằng sau chính là việc thất bại này không hoàn toàn do lỗi của đạo diễn.

Bà lên tiếng kêu gọi Tiêu Chiến “quay về đóng phim thần tượng”, vì khán giả muốn ngắm gương mặt điển trai của anh hơn là nhìn anh cố gắng hóa thân thành đại hiệp.

Ngay khi mọi người đều nói Từ Khắc không còn giữ được phong độ như xưa, biên kịch nổi tiếng Uông Hải Lâm chủ động lên tiếng bảo vệ. Ông đổ lỗi cho các thế lực tư bản đứng sau bộ phim, ám chỉ: "Không phải Từ Khắc chủ động chọn Tiêu Chiến làm nam chính, mà đó là quyết định bị ép buộc từ phía các nhà đầu tư".

Theo ông, việc bộ phim thất bại tại phòng vé không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Từ Khắc. Nếu thực sự ông không còn tài năng, thì trước đây đã không thể làm ra hàng loạt tác phẩm xuất sắc như Thiện nữ u hồn, Tân Bến Thượng Hải, Bản sắc anh hùng...

Ông nhắc đến một số diễn viên thực lực, nhấn mạnh rằng nếu giao họ vào tay Từ Khắc, bộ phim chắc chắn sẽ trở thành một kiệt tác. Nhưng nếu lựa chọn một nhóm "diễn viên kém cỏi" (cách nói đầy ẩn ý của ông), thì việc bộ phim thất bại là điều tất yếu.

Gia Lạc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/anh-hung-xa-dieu-doi-gao-nuoc-lanh-vao-khan-gia-post1715087.tpo