Ảnh hưởng Covid-19, có gia đình đã phải pha thêm nước vào sữa cho con
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có gia đình ở New Delhi, Ấn Độ đang cầm cự với chỉ 1 bữa ăn mỗi ngày, đã phải pha thêm nước vào sữa cho các con...
Tờ New York Times nhận định, đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhiều quốc gia trong nhóm thị trường mới nổi lâm vào tình trạng kiệt quệ về kinh tế khi phải hứng chịu tổn thất lớn hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhiều quốc gia thuộc nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, trong đó có sự tháo chạy của dòng vốn, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và sự giảm tốc tăng trưởng và cầu nội địa thấp…
Tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Shagun, 45 tuổi, ngồi bên đường cắt chuối, dưa chuột và đu đủ để bán cho những người lái xe ba bánh chở khách. Vì lượng hàng bán được đã giảm một nửa, mỗi bữa ăn của gia đình Shagun chỉ gồm cơm và đậu với mức giá rẻ nhất. Shagun cũng phải pha thêm nước vào sữa cho các con.
“Chồng tôi thất nghiệp. Tôi không có tiền tiết kiệm. Chúng tôi không thể bỏ sạp hàng ven đường này, chúng tôi đang cầm cự chỉ với một bữa ăn mỗi ngày", Shagun chia sẻ.
Ở Buenos Aires, Argentina, tài xế taxi Alejandro Anibal Alonso, 53 tuổi, di chuyển chậm chạp trên những con phố vắng tanh tìm khách hàng với nỗi lo rằng ông có thể nhiễm SARS-nCoV-2. Nhưng nỗi sợ mất chiếc xe vì thế chấp cho ngân hàng còn lớn hơn.
Hai năm trước, Alejandro Anibal Alonso vay tiền để mua xe chạy taxi. Lãi suất thay đổi theo lạm phát khi Argentina chìm sâu vào khủng hoảng khiến số tiền mỗi tháng ông phải trả ngân hàng tăng từ 7.800 peso (tương đương khoảng 2,8 triệu đồng) lên hơn gấp 3 lần - 25.000 peso (tương đương khoảng 9 triệu đồng).
Ông Alejandro Anibal Alonso đã chậm thanh toán cho ngân hàng tháng Hai và hiện cũng không có tiền trả cho tháng Ba này. Tuần trước, chủ nợ đã gửi cho Alejandro Anibal Alonso một email với lời nhắn: "Tiền thanh toán không thể dừng lại vì nCoV".
"Tôi không biết phải làm gì nữa", ông Alejandro Anibal Alonso chia sẻ. "Vấn đề hiện nay vượt quá khả năng ứng phó của tôi". Nén nỗi sợ virus lại, ông Alejandro Anibal Alonso chấp nhận rủi ro khi vẫn tới sân bay đón khách. "Tôi không thể từ chối bất kỳ cuốc xe nào", ông nói.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các công ty đang chìm ngập trong nợ nần, phần lớn là các khoản nợ định danh bằng ngoại tệ. Nhà đầu tư đã bắt đầu tháo chạy khiến đồng lira lao dốc và nhiều công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Đại dịch Covid-19 khiến cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn khi ngành du lịch vốn chiếm 1/10 nền kinh tế sụt giảm mạnh.
Tại Cappadocia, một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ, Deniz Turgut đồng sở hữu công ty Butterfly Balloons, chứng kiến tình trạng chi phí liên tục tăng và doanh thu lao dốc. Năm ngoái, công ty này đón tới 20.000 lượt khách du lịch sử dụng dịch vụ khinh khí cầu. Còn tháng 2 năm nay, họ chỉ có 43 khách hàng.
Tại Manila, Philippines, Reynaldo Tating, 57 tuổi, đang phải chịu đựng một kỳ nghỉ không mong muốn tại nhà. Trước đại dịch, ông thường dành 8 tháng mỗi năm trên những con tàu du thuyền đi khắp thế giới, pha chế cocktail cho khách du lịch quốc tế. Giờ đây, ông lo lắng công ty của mình - một nhà điều hành du thuyền lớn - đang trên bờ vực phá sản.
Trước đại dịch, Nam Phi cũng chìm sâu trong suy thoái, với tỷ lệ thất nghiệm là hơn 29%. Kể từ khi đại dịch bùng phát, đồng tiền tệ của quốc gia này cũng giảm hơn 20%, khiến giá hàng hóa tăng mạnh.
Kenya là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh corona. Hoạt động thương mại giữa 2 nước đã giảm hơn 1/3 trong những tháng gần đây.
Đại dịch Covid-19 đang tạo ra mối đe dọa với thịnh vượng toàn cầu. Các thị trường mới nổi chiếm 60% nền kinh tế thế giới trên cơ sở sức mua, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sự giảm tốc ở các quốc gia đang phát triển sẽ kéo theo sự giảm tốc toàn cầu.
Từ Nam Á đến châu Phi và châu Mỹ Latin, Covid-19 đang đặt ra thách thức với các quốc gia đang phát triển cả về y tế lẫn kinh tế. Tình trạng này cũng xảy ra ở những quốc gia giàu có, nhưng ở các nước nghèo, nơi hàng tỷ người phải chạy ăn từng bữa, nguy cơ càng lớn hơn.
Đại dịch còn đẩy đầu tư quốc tế chệch khỏi các thị trường mới nổi. Năm ngoái, hơn 20 thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil, đã nhận được dòng vốn đầu tư khoảng 79 tỷ USD, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Nhưng trong 2 tháng qua, khoảng 70 tỷ USD đầu tư ròng đã rời khỏi các quốc gia này. Hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang đến rất gần./.