Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với môi trường, cuộc sống người dân Iran
Trong tuyên bố chung công bố ngày 20/12, nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran đang góp phần gây phương hại cho môi trường và ngăn cản người dân Iran được hưởng đầy đủ các quyền về sức khỏe và đời sống.
Theo các chuyên gia này, Tehran hiện là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ buộc người dân Iran phải kéo dài thời hạn sử dụng các phương tiện giao thông cũ sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm và khiến nước này không thể có được các thiết bị và công nghệ làm giảm lượng phát thải của các phương tiện giao thông.
Ô nhiễm không khí làm cho tỷ lệ mắc bệnh về đường hô hấp và các căn bệnh khác ở Iran tăng cao, gây ra 4.000 ca chết yểu mỗi năm ở thủ đô Tehran và 40.000 ca trên toàn Iran.
Các chuyên gia nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ là nguyên nhân khiến các công ty năng lượng nước ngoài từ bỏ các dự án xây dựng các nhà máy điện Mặt Trời lớn ở Iran. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt này cũng ngăn cản các nhà khoa học Iran tham gia vào các dự án nghiên cứu môi trường chung ở nước ngoài và ngăn cản người Iran tiếp cận cơ sở dữ liệu trực tuyến, các khóa đào tạo về vấn đề môi trường và tính bền vững.
Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) được ký kết tháng 7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), theo đó Tehran giảm chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran, dẫn đến việc Tehran giảm các cam kết trong JCPOA. Hiện các bên đang tìm cách khôi phục thỏa thuận.