Ảnh hưởng của hậu COVID-19 đến việc chẩn đoán, điều trị bệnh nội tiết
Ngày 8/7, tại thành phố Huế, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị khoa học Cố đô mở rộng về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa chủ đề 'Hậu COVID-19 và bệnh nội tiết - đái tháo đường - rối loạn chuyển hóa'.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho hay, các di chứng của COVID-19 vẫn còn tồn tại trong mọi hoạt động đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Trong đó, các bệnh trong chuyên ngành nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa bị ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn COVID-19 cũng như hậu COVID-19. Tần suất bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong mô hình bệnh tật. Do đó, sự thay đổi trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị nhóm bệnh này.
Tham gia Hội nghị, gần 900 bác sỹ và nhân viên y tế trên khắp cả nước được chia sẻ, cập nhật kiến thức mới về mối quan hệ giữa hậu COVID-19 và các bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa. Trong đó, nội dung trao đổi tập trung chú trọng đến ảnh hưởng của COVID-19 đối với các bệnh rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, quản lý bệnh nhân đái tháo đường trong giai đoạn hậu COVID-19, bệnh tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục và chuyển hóa khoáng - xương trong giai đoạn hậu COVID-19.
Đặc biệt, Hội nghị công bố một số kết quả nghiên cứu mang tính thời sự, “nóng” trên thế giới và tại Việt Nam. Đó là, dự đoán nguy cơ bệnh đái tháo đường tuýp 2 trên người Việt sử dụng chỉ số nguy cơ đa gen, đái tháo nhạt tại thận do đột biến gen.
Gần 100 bài báo cáo của các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nội tiết - đái tháo đường, nội tiết - nhi khoa, tim mạch, thận học, hồi sức tích cực…đang công tác tại bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế), Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội)…đã được gửi tới Hội nghị.
Song song đó, Hội nghị có phiên tiếng Anh và phiên của điều dưỡng với gần 30 bài báo cáo đến từ các đơn vị như, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Gia Đình - Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng)…
Với báo cáo “Bước tiến của SGLT2i trong các bệnh lý tim mạch, thận, đái tháo đường”, Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Văn Minh (Hội Tim mạch học Việt Nam) nhận định, thuốc SGLT2i giúp điều trị kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bằng cơ chế độc lập với insulin, ở cả đơn vị và phối hợp với các thuốc hiện có. Giá trị về lợi ích lâm sàng của SGLT-2i không còn nằm ở dự hậu tim mạch thông qua các biến cố tim mạch nặng (MACE) mà còn ở lợi ích kép bảo vệ tim, thận.
Giáo sư, Tiến sỹ Võ Tam, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam cho biết, DAPA - CKD là thử nghiệm lâm sàng mở đầu đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc ức chế SGLT2 trên bệnh nhân bệnh thận mạn có hoặc không có đái tháo đường và đã chứng minh được tác dụng bảo vệ thận. Qua đó, nhóm thuốc này đã mở ra giải pháp đột phá cho bệnh thận mạn sau 20 năm, với tiềm năng tiếp cận nhiều yếu tố trong cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân gây bệnh thận mạn.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2021, ước tính có 537 triệu người (từ 20 - 79 tuổi) mắc đái tháo đường và hơn 6,7 triệu người trong độ tuổi này sẽ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%. Trong đó, tỷ lệ đái tháo đường được chẩn đoán chỉ đạt 31,1%.