Ảnh hưởng do mất điện: Sản xuất nông nghiệp gặp 'khó'
Việc cắt điện luân phiên ở các địa phương đã và đang không chỉ gây khó khăn cho đời sống của người dân, mà khu vực sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng lớn. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang ngày một tăng cao, việc mất điện khiến các trang trại phải 'gánh thêm' rủi ro vì vật nuôi chết hoặc tăng trưởng chậm sẽ thiệt hại lớn về kinh tế, khó khăn chất chồng thêm khó khăn.
Kiểm tra chất lượng trứng gà tại Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh).
Ảnh: Đỗ Tâm
Chi phí tăng đột biến
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn do giá gà giống giảm mạnh. Mặc dù doanh nghiệp đã giảm tổng đàn, mỗi ngày chỉ xuất bán khoảng một vạn con, nhưng vẫn lỗ 30 triệu đồng/ngày. Hiện tại, công ty tiếp tục đối diện với tình trạng cắt điện luân phiên. Do các trang trại gà của công ty khép kín nên hoạt động dựa hoàn toàn vào máy móc, hệ thống quạt gió phải chạy liên tục, nếu không gà sẽ chết ngạt.
“Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn xã Liên Hà (huyện Đông Anh) liên tục bị cắt điện. Để bảo đảm điều kiện sống cho đàn gà khi không có điện, công ty phải chạy máy phát điện. Nếu mất điện 1 tiếng, công ty phải mua 50 lít dầu để chạy máy phát điện. Như vậy, nếu cắt điện 8 tiếng, thì doanh nghiệp phải mất hơn 10 triệu đồng để duy trì máy phát điện, tăng gấp 3-4 lần so với chi phí dùng điện lưới…”, ông Hoàng Mạnh Ngọc cho hay.
Tương tự, các hộ chăn nuôi lợn cũng đang “gồng mình” đối phó với nắng nóng và mất điện. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết, hiện trang trại của hợp tác xã đang nuôi hơn 200 con lợn thương phẩm. Để đối phó với tình trạng bị cắt điện, hợp tác xã đã phải mua máy phát điện, đầu tư thêm quạt gió; trong khi giá lợn hơi lại đang ở mức thấp, thức ăn chăn nuôi vẫn cao. Nếu tình trạng cắt điện tiếp tục kéo dài thì người chăn nuôi lợn càng khó khăn hơn.
Không chỉ chi phí sản xuất tăng, một số trang trại không xử lý kịp thời sự cố đã bị thiệt hại lớn về kinh tế. Ông Đoàn Văn Tính, ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) thông tin, vào đầu tháng 6-2023, trên địa bàn xã bị cắt điện khoảng 7 tiếng. Mặc dù trang trại đã mở máy phát điện dự phòng, song chỉ chạy được khoảng 2 tiếng thì gặp sự cố, khiến hệ thống quạt gió dừng hoạt động, làm cho toàn bộ 8.600 con gà của trang trại bị sốc nhiệt chết, thiệt hại lên tới hơn một tỷ đồng.
Kiểm tra hệ thống làm mát chuồng trại tại Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai).
Ảnh: Phương Nga
Cần nguồn điện ưu tiên cho sản xuất
Với phương châm “phòng hơn chữa”, các trang trại đã đầu tư hệ thống phát điện, song đây chỉ là giải pháp tình thế, không ổn định.
Để sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, ngành Điện cần có cơ chế, chính sách cung cấp điện riêng cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó, lịch cắt điện phải được thông tin sớm, trước 1-2 ngày, thay vì chỉ trước 1-2 tiếng như hiện nay. Thời gian cắt điện cần giảm xuống đối với các khu vực có hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và chỉ nên cắt điện 1 lần/tháng đối với các hộ chăn nuôi. Như vậy mới ổn định sản xuất.
Còn theo Chủ tịch Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, ngành Điện cần tính toán nguồn điện ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh nói chung và nông nghiệp nói riêng, nhất là nơi có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất lớn. Bởi, nếu mất điện kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp gánh thêm chi phí, gián đoạn sản xuất...
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, do mùa hè năm nay nắng nóng và mất điện nhiều, làm cho nhiệt độ tăng cao đột ngột, nên thời điểm hiện nay, các hộ chăn nuôi cần cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại. Đặc biệt, cần kiểm tra ngay hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm cho các hệ thống đó vận hành tốt. Với những trang trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín 100%, cần chuẩn bị hệ thống máy phát điện có công suất phù hợp; kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không bảo đảm vận hành. Mặt khác, người chăn nuôi cần liên tục cập nhật thông tin về lịch cắt điện để có phương án chuẩn bị tốt nhất.
“Đối với trâu, bò, nhất là bò sữa, khi bị mất điện, người dân có thể di chuyển đàn bò ra các khu vực có bóng cây để tạm thời làm mát. Còn đối với lợn, gia cầm, cần mở ngay hệ thống cửa hai bên, trước sau để tạm thời lấy gió ngoài trời; có thể dùng hệ thống phun nước để làm mát chuồng nuôi, nhất là trên mái, hệ thống tường, giúp giảm nhiệt độ khi nắng nóng, mất điện”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.