Anh: Luật mới có thể trao quyền lợi tương tự nghỉ thai sản cho người lao động khuyết tật
Dự thảo Luật Bình đẳng mới đang được đề xuất tại Vương quốc Anh có thể đánh dấu bước ngoặt trong việc hỗ trợ người lao động khuyết tật quay trở lại làm việc, bằng cách trao cho họ quyền 'tái hòa nhập', tương tự như quyền lợi dành cho phụ nữ sau kỳ nghỉ thai sản.

Nguồn: www.pertemps.co.uk
Quyền tái hòa nhập - bước tiến trong bảo vệ người lao động khuyết tật
Theo báo cáo vừa công bố của tổ chức tư vấn chính sách Resolution Foundation, quyền tái hòa nhập này sẽ ngăn doanh nghiệp sa thải người lao động sau thời gian nghỉ ốm nếu chưa chứng minh được đã nỗ lực đầy đủ trong việc hỗ trợ người đó trở lại công việc. Đây được xem là bước đi nhằm làm rõ và củng cố các quy định hiện hành trong Luật Bình đẳng, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ đến người lao động về quyền lợi mà họ được hưởng.
Theo The Independent, tổ chức này cảnh báo rằng, nếu không có chiến lược nghiêm túc nhằm thay đổi hành vi của các doanh nghiệp, Chính phủ Anh có nguy cơ thất bại trong mục tiêu nâng tỷ lệ việc làm toàn dân lên 80%. “Thúc đẩy sự tái hòa nhập không chỉ là vấn đề về quyền lợi, mà nó còn là chìa khóa để nâng cao hiệu suất lao động quốc gia”, báo cáo nhấn mạnh.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh dự luật Tín dụng phổ quát Credit vừa được Thượng viện thông qua. Dự luật nhằm tái cân bằng hệ thống phúc lợi để khuyến khích làm việc, đồng thời bảo đảm “an toàn và chắc chắn” cho những người đang nhận trợ cấp, theo lời một Bộ trưởng trong Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc tranh luận riêng biệt, nghị sĩ Thượng viện và cũng là nhà vô địch Paralympic, bà Tanni Grey-Thompson chỉ trích việc người khuyết tật thường bị cho là “kẻ ăn bám và là gánh nặng xã hội” trong các cuộc thảo luận về cải cách phúc lợi. Bà cho rằng quan điểm này không chỉ sai lệch mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực hòa nhập của người khuyết tật.
Doanh nghiệp và trách nhiệm hỗ trợ tái hòa nhập
Báo cáo của Resolution Foundation cho biết, mỗi năm có khoảng 12% người lao động khuyết tật nghỉ việc, cao gấp 1,5 lần so với lao động bình thường. Số người rời thị trường lao động vì lý do sức khỏe (khoảng 304.000 người/năm) cũng cao gấp đôi số người quay lại làm việc (151.000 người/năm).
Mặc dù pháp luật đã quy định nghĩa vụ rõ ràng đối với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người lao động khuyết tật, nhưng trên thực tế chỉ chưa tới một nửa số người yêu cầu điều chỉnh hợp lý, như thay đổi điều kiện làm việc, trang thiết bị hoặc hỗ trợ, được đáp ứng đầy đủ. Đồng thời, năm 2022 có tới 15% người khuyết tật cho biết đã trải qua phân biệt đối xử tại nơi làm việc liên quan đến tình trạng khuyết tật của họ.
Các chuyên gia cho biết: “Việc thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật không hề đơn giản vì sẽ liên quan đến việc cải thiện hệ thống y tế, hệ thống phúc lợi và thế giới việc làm. Nhưng hành động để khuyến khích và hỗ trợ người sử dụng lao động là một phần quan trọng của bài toán”.
Bà Louise Murphy, chuyên gia kinh tế cấp cao của Resolution Foundation nhận định: “Chính phủ cần đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật, đặc biệt là những người đã rời xa thị trường lao động trong thời gian dài. Song song, doanh nghiệp cũng cần làm nhiều hơn để hỗ trợ nhân viên của mình".
Theo đề xuất, quyền tái hòa nhập có thể được thực thi thông qua hệ thống tòa án lao động, nhưng Resolution Foundation cũng khuyến nghị Chính phủ xem xét các cơ chế giám sát chủ động hơn, ví dụ như thông qua Ủy ban Nhân quyền và bình đẳng hoặc đội ngũ nhân viên chuyên trách sẽ được đề cập trong Báo cáo Mayfield sắp tới.
Được biết, ông Charlie Mayfield, cựu lãnh đạo chuỗi bán lẻ John Lewis, đang dẫn đầu một cuộc rà soát nhằm xác định cách Chính phủ và doanh nghiệp có thể phối hợp tốt hơn để hỗ trợ người bệnh và người khuyết tật tìm được việc làm. Báo cáo kết quả dự kiến sẽ công bố vào mùa Thu năm nay.
Chính phủ hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về đề xuất này.