Ánh mắt thất thần gây tranh cãi của Gen Z
Ánh nhìn trống rỗng, im lặng kéo dài của Gen Z khi giao tiếp tại nơi làm việc trở thành chủ đề gây tranh cãi, đặt ra câu hỏi về kỹ năng giao tiếp của thế hệ mới.
Khi ngày càng nhiều Gen Z bước chân vào thị trường lao động, một hiện tượng mới được gọi là “Gen Z Stare” (tạm dịch: “ánh mắt Gen Z”) gây tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người thuộc thế hệ Millennial cho rằng nhân viên trẻ thường nhìn trân trối, im lặng và thiếu cảm xúc khi giao tiếp với khách hàng hoặc đồng nghiệp.
Trong khi nhiều ý kiến kết luận đây là dấu hiệu của sự lúng túng hoặc thiếu kỹ năng mềm, một bộ phận khác lại phản đối và cho rằng cách lý giải đó tương đối phiến diện.
Hiện tượng này tiếp tục biến văn hóa công sở của Gen Z thành chủ đề bàn luận. Trước đó, giới trẻ từng bị chỉ trích vì chia sẻ quá mức trên mạng xã hội, nghỉ ốm thường xuyên và né tránh vai trò lãnh đạo.
Trào lưu “quiet quitting”, làm đúng trách nhiệm, không làm thêm, cũng từng gây tranh cãi. Tuy vậy, Gen Z cũng nhận được lời khen vì đề cao cân bằng cuộc sống - công việc và nhanh chóng thích nghi với công nghệ AI tại nơi làm việc, theo Business Insider.

Ánh mắt lờ đờ, thiếu cảm xúc của một bộ phận Gen Z bị đánh giá là thiếu kỹ năng giao tiếp. Đồ họa: Business Insider.
‘Ánh mắt Gen Z’ là gì?
Trên mạng xã hội TikTok, các video tái hiện lại trải nghiệm giao tiếp với nhân viên Gen Z trong nhà hàng hoặc quán cà phê thu hút hàng triệu lượt xem. Người trẻ trong các tình huống này thường nhìn chằm chằm với vẻ mặt trống rỗng, không phản hồi hoặc chỉ đảo mắt.
“Như thể họ vừa nhìn thấy ma vậy”, một TikToker mô tả. Hashtag #Genzstare đã vượt mốc 4.000 bài đăng với nhiều video trở thành xu hướng.
Một người dùng để lại bình luận: “Tôi nhận về ‘ánh mắt Gen Z’ mỗi lần cảm ơn vì họ gói đồ cho tôi. Chỉ là cái nhìn chằm chằm không cảm xúc. Giờ tôi mới hiểu tại sao!”.
Có người ví ánh nhìn đó như “màn hình chờ” trong đời thực. Thậm chí, một số Gen Z cũng thừa nhận từng bắt gặp hoặc thể hiện ánh nhìn tương tự.
Một người dùng bình luận rằng “Thế hệ chúng tôi không còn giả tạo, chẳng thích xã giao, chỉ muốn yên ổn”. Người khác nhận xét: “Có những người trẻ không biết cách giao tiếp, rất khó tiếp cận”.
Tuy nhiên, “ánh nhìn Gen Z” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với kỹ năng xã hội yếu kém. Họ có thể đang tiếp nhận thông tin, lắng nghe hoặc cần thời gian để suy nghĩ trước khi phản hồi.

Một số Gen Z cho biết họ cần thời gian xử lý thông tin, chưa kịp phản ứng. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.
Gen Z phản bác
Nhiều người trẻ cho rằng phản ứng như trên chỉ xuất hiện khi gặp câu hỏi vô lý. Trong một video thịnh hành, nhân viên Gen Z nhìn chằm chằm vào khách hàng hỏi về việc sinh tố dâu chuối có chuối hay không. “Chúng tôi chỉ đang cố xử lý sự ngớ ngẩn của bạn”, một người dùng thuộc thế hệ này viết.
Một số ý kiến cho rằng Millennial phản ứng lại sau khi thế hệ mình từng bị Gen Z chỉ trích vì “pause Millennial” (tạm dịch: “sự tạm dừng của Millennial”). Đó là thói quen tạm dừng trước khi bắt đầu nói trong các video.
Hiện tượng “ánh mắt Gen Z” không chỉ giới hạn ở ngành bán lẻ mà còn lan rộng sang môi trường doanh nghiệp. Một số than phiền về việc không nhận được lời chào hay phản hồi khi giữ cửa giúp người trẻ.
Lý do được đưa ra rất đa dạng, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người trẻ bỏ lỡ giai đoạn hình thành kỹ năng mềm đến sự phổ biến của chứng âu lo xã hội.
“Chúng ta đều có chút lo âu khi giao tiếp”, một bình luận cho biết. Dù câu hỏi liệu “ánh mắt Gen Z” có thật hay không vẫn gây tranh cãi, các video lan truyền vẫn phản ánh một thực tế rằng kỹ năng giao tiếp tại nơi làm việc đang được quan sát kỹ lưỡng.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/anh-mat-that-than-gay-tranh-cai-cua-gen-z-post1568737.html