Làm sao nhận biết khách muốn 'bom hàng' khi bán online?
Gần đây, nhiều đối tượng đã đặt hàng, gọi xe rồi sau đó liên tục thay đổi điểm giao hàng, rồi 'bặt vô âm tín'.
Những ngày qua, dư luận hết sức bức xúc trước sự việc đối tượng lạ mặt tại khu vực hẻm 20, đường Bến Nôm, phường Rạch Dừa, TP HCM sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để đặt hàng hoặc gọi xe đến địa chỉ này, sau đó liên tục thay đổi điểm giao, thậm chí cố tình dẫn dụ tài xế chạy lòng vòng giữa trưa nắng rồi đột ngột cắt đứt liên lạc.
Hệ quả là nhiều shipper và người bán hàng online trở nên e dè, thậm chí thẳng thừng từ chối nhận đơn khi phát hiện điểm giao nằm ở hẻm 20 Bến Nôm.

Tin nhắn mua hàng trên facebook
Làm sao nhận biết khách muốn bom hàng?
Đáng chú ý, sự việc trên không hề mới. Ông Nguyễn Lê Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Mai, đơn vị chuyên kinh doanh đồ gỗ trên các sàn thương mại điện tử, cho biết doanh nghiệp của ông từng gặp không ít khách cố tình đặt lặp đi lặp lại cùng một đơn hàng nhưng khi giao thì viện đủ lý do như sai màu sắc, trầy xước để từ chối nhận. Trong khi thực tế hàng hóa hoàn toàn đúng mô tả và nguyên vẹn. Đây rõ ràng là dấu hiệu của những khách hàng "đặt cho vui", không có ý định mua thực sự.
Để xử lý những tình huống này, ông Hòa cho biết với các đơn hàng lớn, nhất là đặt trực tiếp qua công ty chứ không qua sàn, ông thường yêu cầu khách đặt cọc nếu là lần mua đầu tiên. Nếu phát hiện người mua trao đổi thiếu thiện chí, thông tin cung cấp không rõ ràng hoặc trả lời bất nhất, đó chính là dấu hiệu đỏ để cân nhắc dừng giao dịch.
"Việc xác định ai sẽ bom hàng là vô cùng khó, nhất là với khách lần đầu mua. Nhưng nếu lơ là, hàng hóa bị trả nhiều lần, hậu quả không chỉ là mất đơn, mất phí ship mà còn bị các sàn thương mại điện tử trừ điểm uy tín, giảm hiển thị, kéo theo giảm lượt mua và doanh số" - ông nói thêm.
Người bán cần cảnh giác
Một chuyên gia thương mại điện tử đưa ra lời khuyên cho các nhà bán hàng trên Facebook, Zalo, những nền tảng không có bên trung gian bảo vệ thì nên kiểm tra thời gian hoạt động, lịch sử bài đăng và mức độ tương tác của tài khoản người mua. "Một tài khoản mới lập, không có bài viết, hình ảnh hay tương tác đáng tin, mà lại đặt hàng giá trị cao cần hết sức cảnh giác. Trong quá trình trao đổi, nếu khách hay thay đổi thông tin, vòng vo hoặc tránh xác nhận rõ đơn hàng, người bán nên mạnh dạn yêu cầu đặt cọc" - chuyên gia này khuyến nghị.
Còn đối với các sàn thương mại điện tử, nếu phát hiện một tài khoản thường xuyên hoàn trả hoặc từ chối nhận hàng, cần lập tức báo cáo để sàn có biện pháp hạn chế, tránh tiếp tục bị thiệt hại.