Không chủ quan trước bão, lũ
Trước dự báo bão số 4 diễn biến phức tạp, có khả năng mạnh lên khi áp sát đất liền, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng huy động mọi nguồn lực, tập trung ứng phó với tinh thần chủ động, kịp thời, phòng hơn chống, không chủ quan.
Sẵn sàng đón bão
Lúc 7 giờ sáng nay, mặc dù bão số 4 đang trên biển, cách đất liền tỉnh Quảng Trị khoảng 165km nhưng ở đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đã cảm nhận rõ ảnh hưởng do cơn bão tác động. Tại đây, mưa rất to và năng hạt, gió mạnh cấp 9 giật mạnh, sóng biển dâng cao.
Trên đảo Cồn Cỏ hiện có 23 hộ với 83 nhân khẩu. Từ ngày 18-9, trước thời điểm áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Ban CHQS huyện đảo Cồn Cỏ, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã huy động 90 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân chằng chéo nhà cửa, chặt tỉa cây xanh. "Đơn vị đã lên phương án di chuyển người và tài sản về hầm trú ẩn trong trường hợp bão cường độ mạnh đổ bộ, đồng thời bố trí đủ vật chất, lương thực và nhu yếu phẩm cho bà con tránh trú dài ngày", Thiếu tá Trần Hữu Giang, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện đảo Cồn Cỏ thông tin.
Với tinh thần chạy đua với thời gian, đến sáng 19-9, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để sẵn sàng đón bão. Ngành giáo dục các tỉnh đã quyết định cho học sinh nghỉ học (Thừa Thiên Huế ngày 19-9; tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình từ chiều 19-9) để phòng tránh bão lũ. Toàn bộ tàu thuyền cùng thuyền viên, ngư dân của các địa phương được thông báo, kêu gọi vào các khu vực neo đậu, tránh trú.
Dự báo sau khi đổ bộ, hoàn lưu bão số 4 sẽ gây mưa lớn dấn đến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở nhiều nơi. Trước tình hình đó, tỉnh Thừa Thiên Huế lên phương án sơ tán, di dời 16.349 hộ/52.186 khẩu; sẵn sàng di dời 3.743 hộ/13.615 khẩu trong trường hợp lũ quét, sạt lở đất; trong đó, huyện miền núi Nam Đông đã thực hiện sơ tán 34 hộ/119 khẩu đến vị trí an toàn.
Tại Quảng Trị, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án tổ chức sơ tán hàng chục nghìn hộ cho các tình huống phòng, tránh áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Trong khi tỉnh Quảng Bình đã sẵn sàng triển khai thực hiện các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro. Đến 11 giờ ngày 19-9, các địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 238 hộ/918 người đến nơi an toàn.
Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 18-9, trước khi mạnh lên thành bão, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn kèm lốc xoáy ở 2 xã Phú Xuân và xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 1 người bị thương nhẹ; 12 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Sáng nay, tại Quảng Bình, một số cây xanh trên đường Võ Thị Sáu (TP Đồng Hới) đã bị gãy đổ. Trời mưa đã làm nước sông, suối dâng cao gây ngập, chia cắt một số tuyến đường ở các xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa).
Trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa vào sáng 19-9, đoàn công tác tỉnh Quảng Bình do đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát hiện nhiều hộ dân ở tổ dân phố 8 nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Mặc dù đã được chính quyền địa phương vận động di dời trong đêm 18-9, tuy nhiên, đến ngày 19-9, nhiều hộ đã tự ý về lại nhà.
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu địa phương kiểm điểm cán bộ, đảng viên có nhà nằm trong vùng nguy cơ sạt lở ở tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt nhưng không chấp hành việc di dời, thiếu gương mẫu trước nhân dân; đồng thời tiếp tục vận động và có biện pháp cưỡng chế khi cần thiết, kiên quyết không chủ quan, hạn chế tối đa thiệt hại về người.
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang
Để chủ động ứng phó với bão số 4, các đơn vị lực lượng vũ trang các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 4, cấp ủy, chính quyền địa phương, thường xuyên theo dõi sát tình hình thời tiết, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ CHQS và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh được lệnh ứng trực 100% quân số, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, cống, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi xảy ra lốc xoáy, lực lượng bộ đội, dân quân huyện Phú Vang kịp thời có mặt tại hiện trường, khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, hơn 30 cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Quảng Điền đã phối hợp hoàn thành gia cố, chống xói lở tuyến đê cống Mai Dương ở xã Quảng Phước.
Tại tỉnh Quảng Trị, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra, công tác triển khai phương án ứng phó với bão số 4 ở các địa bàn trọng điểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức duy trì 42 tổ với 120 đồng chí bám nắm tình hình địa bàn; phối hợp với địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa phòng, chống bão; đặt biển cảnh báo, cử lực lượng túc trực kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại tại các điểm ngập lụt.
Trong đêm 18, sáng 19-9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với địa phương vận động tổ chức di dời 105 hộ/506 khẩu ở các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa, (huyện Minh Hóa), xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt di dời đến nơi an toàn. Trong khi đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã ứng trực 100% quân số; các địa phương huy động tối đa lực lượng dân quân cơ động, tại chỗ để sẵn sàng ứng phó với mưa bão.
Đại tá Đoàn Sinh Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: "Các đơn vị trực thuộc đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Bộ chỉ huy đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trực tiếp kiểm tra các khu neo đậu tàu thuyền, khu vực trọng điểm nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai phương án di dân khi có tình huống xảy ra".
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-chu-quan-truoc-bao-lu-795163