Anh nông dân trồng dừa và chuyện 'chuyển đổi số'

Đến hết năm 2022 vườn dừa dứa Tám Phong, ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã 'tròm trèm 14 năm tuổi'. 'Dừa dứa Tám Phong' đã là một thương hiệu có tiếng khi tra trên Google chỉ trong 0,37' đã cho ra 598.000 kết quả! Không chỉ cung cấp dừa giống mà ở Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022, Tám Phong đã giới thiệu dừa dứa tươi được tinh chế ở mức cao hơn... nhận được nhiều sự tán thưởng của khách tham quan.

“Hiểu đất để chọn cây”...

Tên đầy đủ của Tám Phong là Nguyễn Thanh Phong. Tết Quý Mão này đã 54 tuổi. Chuyện anh gắn với đồng đất An Hòa 2 và cây dừa dứa bắt đầu từ quãng thời gian bươn chải, phiêu bạt từ Sóc Trăng lên Chợ Lớn làm đủ thứ nghề rồi ra tuốt Bình Thuận làm quản lý cho một khu resort. Thời gian rảnh qua lại đó đây trên những đồi cát, đồi dốc đất sỏi khô cằn đã thôi thúc anh ngẫm nghĩ về chuyện làm nông, cây trái... “Đất khô cằn vậy, khó khăn vậy mà nhà nông ở đây vẫn sản xuất, vẫn làm giàu được với loại cây “làm nên thương hiệu”. Đồng đất mình thuận lợi vậy sao lại bỏ đi. Tham khảo, tìm tòi, học hỏi... Tôi quyết định chọn cây dừa dứa. Lúc này, mình đang ở lứa tuổi U.40. Cũng đã trải qua vài ba trận “khởi nghiệp” của thời thanh niên trai trẻ. Đây là giai đoạn trên vai mình còn gánh thêm trách nhiệm với “vợ - con”. Ở tuổi này không cho phép mình làm theo kiểu thử đúng - sai rồi làm lại” - anh thổ lộ.

Tám Phong và những ngày đầu “thử dừa”. Ảnh: NVCC

Tám Phong và những ngày đầu “thử dừa”. Ảnh: NVCC

Ba anh là cụ Nguyễn Văn Hớn (Năm Hớn) - năm nay đã 88 tuổi - là một “lão làng” ở khu vực Bãi Xàu - Thạnh Thới An. Vốn thích trồng những cây lạ, cây đặc sản nên mảnh vườn hơn 2,2ha của ông ở An Hòa 2 cũng đủ thứ cây trái: vú sữa, măng cụt, nhãn... rồi đủ loại dừa đã được ông đem về trồng chủ yếu là để mỗi khi có dịp sum họp gia đình thì con cháu có trái cây ăn chơi. Tám Phong nhận định “miếng vườn này nhiều chủng loại cây nhưng thật ra “huê lợi” không có mấy bởi kết lại cũng chỉ là “vườn tạp”! Lựa lúc phù hợp, Tám Phong đề nghị: “Ba cho con “mượn” miếng đất để con làm vườn”. Ông Năm Hớn gật đầu vì ông cũng mê “làm vườn”. Đó là quãng thời gian đầu năm 2009. Trò chuyện cùng bạn bè, Tám Phong hay nhắc: “Ngày tôi “khởi nghiệp” với cây dừa dứa cũng là ngày ba tôi vô thăm vườn rồi “rớt nước mắt”... bởi cây cối đang cho trái nhưng được dọn sạch với cưa máy, xe cuốc ầm ĩ móc bên này, đắp bên kia”. Ông Năm Hớn vô xem rồi bỏ về và giận Tám Phong một thời gian dài!

“Lấy ngắn nuôi dài” với bông thiên lý, bạc hà, rồi sả... Ròng rã hơn 4 năm thì đến năm 2014, những buồng dừa dứa đầu tiên đã kết trái. Lại đến một “trải nghiệm thưởng thức nhớ đời”, anh nhắc: “Lúc này hai vợ chồng phải chia nhau “thử dừa” để biết trái tới cỡ nào thì cho hương thơm và có vị ngon nhất. Có cây nào không thơm, không ngon ngọt. Thử riết tới mức “no nước, không ăn nổi cơm”. Những trái dừa dứa được chào hàng và giao đến khách hàng đều được sơ chế gọt vỏ, bọc màng thực phẩm bảo quản và kèm theo đó là tem hàng Tám Phong dừa dứa”. Sản phẩm giữ nguyên chất lượng hơn 2 tuần nếu được bảo quản lạnh, còn ở nhiệt độ thông thường vẫn giữ chất lượng ổn định sau 3 ngày. Một quán giải khát cao cấp đã nhận bao tiêu sản phẩm sau khi kiểm tra kỹ lưỡng. Nhãn hàng Dừa dứa Tám Phong đã bắt đầu được nhiều người quan tâm săn lùng để thưởng thức!

...dừa giống và chuyện “chuyển đổi số”

Năm 2017 là năm Tám Phong bắt đầu chuyển qua “làm dừa giống” khi nhận được nhiều cuộc điện thoại đặt vấn đề cung cấp giống. Lúc này, vườn dừa của anh đã có 420 gốc đang cho trái, ổn định về năng suất. Vấn đề lúc này không còn là kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật phân bón mà quan trọng hơn cả chính là việc “làm sao để sản phẩm của mình không bị giả, bị nhái”. Tham gia sinh hoạt và là thành viên Hội Doanh nhân trẻ Sóc Trăng, thường xuyên tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh... tháng 4/2018, Tám Phong quyết định chọn giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa với Q.code. Giải pháp do VNPT.Sóc Trăng cung cấp kèm theo đó là một website giới thiệu về sản phẩm. Mỗi sản phẩm lúc này khi gửi đến khách hàng luôn kèm Q.code cung cấp thông tin cụ thể về địa chỉ nhà cung cấp, chất lượng sản phẩm. Việc dùng Q.code còn giúp anh kiểm soát chặt chẽ địa điểm vườn dừa của khách hàng, số lượng cây giống đặt trồng và thời gian sinh trưởng của từng vườn dừa. Một biện pháp khác được anh áp dụng kèm theo việc sử dụng Q.code là chỉ cung ứng sản phẩm trực tiếp, không qua bất kỳ trung gian nào.

Đây cũng chính là khoảng thời gian mạng xã hội youtube, facebook đã phát triển mạnh. “Không gian giao tiếp đã mở rộng” để Tám Phong trao đổi trực tiếp cùng khách hàng, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tư vấn cụ thể những tình huống đang xảy ra trên vườn dừa của khách hàng từ những kinh nghiệm mà anh trải qua đã nhanh chóng hơn với thời gian thực. Không chỉ khai thác mạng xã hội chỉ ở góc độ quảng bá sản phẩm mà anh còn nhìn ra ở đây một điểm tích cực là “kết nối những người có sở thích”... Với Tám Phong thì mạng xã hội là “khoảng không gian để nhà nông chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm vườn mà cụ thể ở đây là cây dừa. Với công nghệ phát triển nhiều mặt, nhiều luồng như hiện nay thì cái chính của nhà nông là lựa chọn ứng dụng nào làm chủ đạo để sử dụng phù hợp nhất với sản phẩm hàng hóa của mình là điều quan trọng”.

“Công nghệ số” là cụm từ có vẻ còn rắc rối, trừu tượng với không ít nhà nông nhưng với Nguyễn Thanh Phong (Tám Phong dừa dứa) thì điều cốt lõi của “công nghệ số trong chuyện làm vườn” là chất lượng sản phẩm của chính nhà vườn phải đảm bảo đạt chuẩn, đúng như những gì mà nhà vườn quảng bá bởi chính thị trường sẽ sàng lọc một cách khắt khe. Anh cho hay: “Chính vì vậy mà kể từ năm 2000, phương châm “khi bạn cần - tôi sẽ đến” được tôi đặt ra bởi lẽ “không gian số” tuy xóa nhòa ranh giới về khoảng cách địa lý nhưng không vì thế mà bỏ qua những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn dừa tại chính vườn của khách hàng bởi lẽ... thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất mỗi nơi mỗi khác. Mình đến tận nơi còn là trách nhiệm của mình đối với khách hàng, với sản phẩm của mình”. Với từ khóa “Tám Phong dừa dứa” cùng với hashtag (#) “kỹ thuật trồng dừa; dừa dứa”... sẽ tìm được nhiều video clip là những chuyến “thăm vườn khách hàng” của Tám Phong trên kênh youtube. Dừa dứa - vốn là “giống dừa Hoàng Gia” nay đã ngày càng được trồng nhiều ở Việt Nam từ Nam ra Bắc, trong đó có sự đóng góp của nhà nông Nguyễn Thanh Phong cùng với công cuộc “chuyển đổi số”.

Dừa “lai chéo” làm giảm chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy việc chọn cây giống được “Tám Phong dừa dứa” lọc thuần qua 2 giai đoạn. Đầu tiên là loại bỏ những trái có hình dạng lớn, nhỏ đột biến trước khi ươm giống. Khi cây giống đã lên 3 lá tiếp tục lọc thuần tiếp, loại bỏ những cây giống có hình dạng lá, màu sắc bẹ không đồng nhất. Đây chính là biện pháp để làm nên thương hiệu
“Dừa dứa Tám Phong”.

PHƯƠNG QUANG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chuyen-doi-so/anh-nong-dan-trong-dua-va-chuyen-chuyen-doi-so-62050.html