Anh nông dân ước mơ làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp VAC

Anh Phạm Trung Hiếu một tấm gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi tại huyện An Lão, TP Hải Phòng.

Mô hình nuôi dê boer của anh gia đình Hiếu.

Mô hình nuôi dê boer của anh gia đình Hiếu.

Ước mơ làm giàu từ nông nghiệp

Anh Phạm Trung Hiếu, 44 tuổi (trú tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP. Hải Phòng) là người nông dân dám nghĩ, dám làm và ham làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2010, anh đã gây dựng trang trại quy mô trang trại quy mô lớn để nuôi dê, nuôi cá kết hợp vườn cây ăn quả. Đến nay, diện tích chuồng trại của gia đình anh Hiếu được mở rộng khoảng 10 ha, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Anh Hiếu cho biết, với mô hình chăn nuôi kết hợp của anh, mỗi năm trang trại cung ứng ra thị trường hơn 200 tấn cá các loại cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Anh thường cung cấp cho các mối buôn ở một số tỉnh, thành phía Bắc.

Hơn 10 năm trước, cánh đồng thôn Kim Châm, xã Mỹ Đức người dân bỏ hoang nhiều do thế đất trũng, chua phèn, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người được giới thiệu về khu đất này để cải tạo, phát triển kinh tế nhưng đều lắc đầu "một đi không trở lại".

Anh Hiếu chia sẻ, từ mảnh đất hoang ấy, anh đã quyết tâm gây dựng sự nghiệp và bỏ ngoài tai những lời can ngăn của người thân.

Vậy là bao vốn liếng dành dụm được sau nhiều năm kinh doanh, năm 2010 anh Hiếu quyết định thuê lại diện tích đất bỏ hoang đó và bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi cá truyền thống.

 Mô hình VAC của hộ gia đình anh Hiếu.

Mô hình VAC của hộ gia đình anh Hiếu.

Vốn là vùng đất hoang sơ nên anh Hiếu mất gần 2 năm để đào đất làm ao. Ban đầu anh đưa vào nuôi thả các loại cá như: cá trắm, trôi, chép, rô phi…Cứ như vậy, sản lượng thu hoạch được anh bán đi để quay vòng vốn, mở rộng chuồng trại và phát triển thêm các mô hình.

Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, mà anh Hiếu còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng lựa chọn trang trại của anh Hiếu để xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá rô phi theo VietGAP liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Trên diện tích 4.500m2, anh Hiếu đã thả 22.500 con cá rô phi với mật độ 5 con/m2. Mô hình cho năng suất đạt trên 32 tấn/ha, trọng lượng đạt từ 0,7kg/con, tỉ lệ sống đạt từ 85% trở lên.

Anh Hiếu cho biết thêm: Điểm mới của mô hình là thực hiện ứng dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi nhằm giảm thiểu tình trạng bệnh trên đàn cá, giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Việc từng bước nhân rộng, tạo chuỗi liên kết, cung ứng giúp anh giảm chi phí đầu vào, hạn chế tình trạng được mùa mất giá, tạo vùng nguyên liệu ổn định.

Cho dê nghe nhạc để mang lại nguồn thu lớn

Qua tìm tòi, anh Hiếu nhận thấy vùng đất của anh thuận lợi trong việc nuôi cỏ voi xanh Đài Loan để nuôi dê boer. Anh đã bàn với gia đình nhập con giống về nuôi.

Khác với các mô hình nuôi dê truyền thống, anh Hiếu cho dê nghe nhạc. Dê nghe nhạc nên thuần hơn, ít xô đàn.

Anh Hiếu cho hay, bản tính dê hiếu động, hay chạy dẫn đến xô đàn. Nhưng khi được nghe nhạc du dương, đàn dê tĩnh hơn và ngoan ngoãn nằm "thưởng thức", ăn uống cũng tốt hơn.

Trên địa bàn các huyện ngoại thành của Hải Phòng có nhiều mô hình nuôi dê boer. Có người nuôi thả truyền thống, có hộ chọn kết hợp cả hình thức chăn thả tự nhiên và công nghiệp. Anh Hiếu lại lựa chọn cách chăn nuôi bằng hình thức nhốt hoàn toàn. Hệ thống chuồng trại anh đầu tư bài bản, kiên cố, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè giúp dê sinh trưởng, phát triển tốt.

 Anh Hiếu đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố, sạch sẽ để nuôi dê.

Anh Hiếu đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố, sạch sẽ để nuôi dê.

Anh Hiếu có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi nông nghiệp, nhưng theo anh nuôi dê rất dễ, ít rủi ro và cho giá trị kinh tế cao. Anh cho dê ăn cỏ và không dùng cám công nghiệp nên thịt dê thơm, chắc, ngọt.

Theo tuổi đời, một con dê cái từ lúc đẻ ra cho đến khoảng 6 tháng là có thể sinh sản, từ năm thứ 2 bình quân mỗi lứa sẽ đẻ ổn định từ 2-3 con. Để chăn nuôi đạt chất lượng mỗi năm anh Hiếu chỉ cho đàn dê đẻ một lứa. Dê từ lúc sinh sản cho đến lúc bán thương phẩm khoảng 10 tháng, trọng lượng bình quân đạt từ 40 - 50 kg/con. Anh Hiếu cho dê tiêm vacxin từ ngày đầu cai sữa.

Hiện nay, đàn dê của anh Hiếu trên 200 con, trong đó 100 con dê sinh sản, 6 dê đực, còn lại là dê thương phẩm. Với giá thị trường như hiện nay, trung bình mỗi con dê anh Hiếu lãi tiền triệu trong vòng 9 tháng chăn nuôi.

 Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Hiếu còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Hiếu còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Chia sẻ về cách phát triển kinh tế VAC, anh Hiếu cho hay, làm mô hình tổng hợp không dễ nhưng cần phải tính toán kĩ cách kết hợp các loại cây trồng, con nuôi phù hợp để có thể lấy ngắn nuôi dài, quay vòng vừa chủ động được nguồn vốn, vừa giảm thiểu rủi ro nếu thị trường biến động về giá cả. Quá trình nuôi, anh rất lưu tâm cách phòng trừ dịch bệnh, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh trên một số loại cây trồng, vật nuôi.

Mô hình vườn - ao - chuồng được anh Hiếu thiết kế đã tận dụng, xử lý nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng, giảm được nhiều chi phí và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

Anh Hiếu là tấm gương nông dân cầu tiến, nhanh nhạy áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sự thành công trong việc phát triển mô hình VAC, anh Hiếu là tấm gương điển hình, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khắc phục tình trạng đất bỏ hoang hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/anh-nong-dan-uoc-mo-lam-giau-tu-mo-hinh-trang-trai-tong-hop-vac-post693885.html