Anh nông dân xứ Nghệ thu lãi 'khủng' nhờ ấp trứng loài không chân

Nguồn thu nhập chính của anh nông dân này là ấp trứng loài không chân. Mỗi năm trại này xuất 20-30 vạn con giống thu lãi khoảng gần nửa tỷ đồng.

Anh nông dân chúng tôi muốn nhắc đến là Hoàng Kim Lượng, trú tại xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trước khi mở trang trại nuôi lươn, người đàn ông này đã buôn ba đủ thứ nghề để mưu sinh, thậm chí đi sang nước Anh làm việc. Sau khi có vốn liếng chút ít, anh Lượng chọn quê hương khởi nghiệp phát triển bền vững.

Anh Lượng bỏ toàn bộ vốn liếng và vay thêm tiền để mở trang trại nuôi lươn. Ảnh L.H.

Anh Lượng bỏ toàn bộ vốn liếng và vay thêm tiền để mở trang trại nuôi lươn. Ảnh L.H.

Theo người đàn ông này, sở dĩ chọn lươn để khởi nghiệp vì đây là đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Thành. Nhưng anh nhận thấy người dân nơi đây chưa áp dụng kỹ thuật nhiều vào việc nuôi lươn. Với số vốn tích lũy được, anh vay mượn thêm bạn bè xây trang trại nuôi lươn.

Từ nhỏ có kinh nghiệm trong việc bắt lươn nên anh khá hiểu về đặc tính của loài không chân này. Tuy nhiên, vì chưa tự tin nên anh bỏ chi phí vào các trang trại nuôi lươn ở miền Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm 300 triệu đồng để nhận chuyển giao kỹ thuật từ một trang trại có tiếng ở miền Nam. Sau đó, người đàn ông này mua giống về nuôi.

Mỗi năm trại anh Lượng bán khoảng 1 tấn lươn thịt. Ảnh L.H.

Mỗi năm trại anh Lượng bán khoảng 1 tấn lươn thịt. Ảnh L.H.

Vì môi trường, khí hậu ở Nghệ An khác ở miền Nam nên vụ nuôi lươn đầu tiên của anh Lượng đã thất bại, lươn chết nhiều. "Vụ đầu vì chưa có kinh nghiệm nên tôi thất bại. Tuy nhiên, tôi không nản chí mà tiếp tục mua giống lươn về nuôi. Lần này tôi quyết định nuôi theo mô hình bể không bùn. Giống lươn tôi nhập về nếu trưởng thành sẽ đạt trọng lượng 1,4kg, nuôi trong thời gian 8 tháng. Tôi biết rằng nuôi lươn bùn sẽ tiết kiệm chi phí xây bể, sục,... nhưng mật độ nuôi thấp. Cùng một diện tích đó nhưng nếu không nuôi bùn thì mật độ gấp 5 lần", anh Lượng chia sẻ.

Trang trại của anh Lượng có 7 bể nuôi lươn thương phẩm, mỗi bể rội 10m2. Mỗi năm trung bình trang trại anh cung cấp cho các cơ sở chế biến trên dưới 1 tấn lươn, thu về 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, lươn thương phẩm không phải nguồn thu nhập chính của trang trại. Nguồn thu chính của trang trại chính là cung cấp lươn giống. Mỗi năm, trại xuất 20 – 30 vạn con giống, thu trên dưới 1 tỷ đồng và lãi ròng đạt khoảng gần nửa tỷ. Nhưng để ấp được trứng lươn, anh nông dân này phải trải qua cuộc "cách mạng". Theo người đàn ông này, giống lươn mua từ miền Nam về giá khá cao, có thời điểm giá 7.000đồng/ con. Nếu nhập về có khả năng thua lỗ.

Bể lươn bố mẹ được anh Lượng bố trí riêng. Ảnh L.H.

Bể lươn bố mẹ được anh Lượng bố trí riêng. Ảnh L.H.

Suy đi tính lại, anh Lượng quyết định nhập trứng lươn để ấp nở. Nhưng việc này không hề đơn giản, bởi mùa vụ đầu tiên anh nhập cả trăm ngàn quả trứng nhưng chỉ nở được khoảng 5.000 con. "Mọi sự khởi đầu đều không đơn giản. Khí hậu ở Nghệ An khá khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng trứng có tỷ lệ ung lớn. Mùa đông lạnh giá, trứng nở nhiều nhưng tỉ lệ chết cũng nhiều. Việc canh trứng nở không hề đơn giản. Cả ngày lẫn đêm tôi với em trai căng mắt lấy nhíp để tách trứng nở sang khu vực khác. Sau đó, dọn sạch vỏ trứng nhỏ xíu. Ấp theo kiểu thủ công này mệt, tỷ lệ thành công thấp", anh Lượng cho biết.

Theo người nông dân này, nguyên nhân khiến trứng hao hụt là do yếu tố môi trường và nước. Anh Lượng mày mò ra máy ấp trứng lươn. Máy ấp trứng lươn được thiết kế nhiều buồng, cộng với nguyên lý luân chuyển nước tạo ra oxy. Chiếc máy này luôn di chuyển, không dính vào nhau. Bể lươn bố mẹ sẽ được bố trí khu vực riêng, mỗi bể có thể thu về 1kg trứng, tỷ lệ thụ tinh và ấp nở thành công khoảng 2 vạn con lươn. Bể này anh Lượng sẽ bố trí bèo tây để lọc không khí, thức ăn dư thừa trong nước.

Bể bố mẹ anh Lượng sẽ bố trí bèo tây để lọc không khí, thức ăn dư thừa trong nước. Ảnh L.H.

Bể bố mẹ anh Lượng sẽ bố trí bèo tây để lọc không khí, thức ăn dư thừa trong nước. Ảnh L.H.

Đặc biệt, khi trứng nở, lươn con sẽ được tách qua một cái khe tới buồng riêng. Những quả trứng chưa nở sẽ được giữ lại ấp tiếp. Ngoài ra còn có hệ thống kích nhiệt, giúp lươn không bị lạnh.

Để giảm tối thiểu tỉ lệ hao hụt trứng, anh Lượng còn mạnh dạn lai tạo gống lươn bản địa và miền Nam để tăng cao sản lượng và thích nghi môi trường. Giống lươn này đảm bảo được thịt dai, chắc và vị ngon hơn.

Ngoài bán lươn thương phẩm, lươn giống anh Lượng còn chuyển giao kỹ thuật công nghệ ấp lươn với chi phí 80 triệu đồng. Nhiều cơ sở đã nhận chuyển giao công nghệ của anh nông dân này.

"Xã có truyền thống về nuôi lươn và chế biến lươn. Địa phương có hơn 50 hộ chế biến lươn lớn nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có trang trại anh Lượng cung ứng lươn giống cho nhiều hộ ở địa phương. Mô hình của người đàn ông này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong gia đình", ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết.

Hà Hằng - Minh Tâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-xu-nghe-thu-lai-khung-nho-ap-trung-loai-khong-chan-204240719142538172.htm