Ánh sáng niềm tin

HNN - Với những người lính tham gia chiến đấu để giành độc lập, tự do cho dân tộc, khi không may bị bắt và giam cầm ở những nơi được xem là 'địa ngục trần gian', lý tưởng, nhân cách, đạo đức Bác Hồ là ánh sáng dẫn lối, là nguồn sức mạnh to lớn để những người lính cách mạng chiến thắng trước những đòn roi tra tấn 'thừa sống thiếu chết' của kẻ thù.

Ông Đặng Văn Thân - người chiến sĩ nơi ngục tù Côn Đảo năm xưa

Ông Đặng Văn Thân - người chiến sĩ nơi ngục tù Côn Đảo năm xưa

Ánh sáng lý tưởng cách mạng

Đôi mắt ông Đặng Văn Thân (trú phường An Cựu, quận Thuận Hóa) ngấn lệ khi lần giở lại những ký ức bi hùng một thời nơi ngục tù Côn Đảo cách đây hơn 50 năm.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất anh hùng Thủy Thanh, Hương Thủy, ông Đặng Văn Thân sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Ngày đó, những thông tin về Bác Hồ đến với người lính không được nhiều, sâu rộng và cụ thể như hôm nay. Sau khi tham gia vào Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông Thân và nhiều chiến sĩ khác được bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, được chia sẻ thông tin về cuộc đời của Người, về nhân cách, quá trình Người bôn ba nơi đất khách để tìm đường cứu nước. Người đã dành trọn cả cuộc đời cho độc lập dân tộc, khát vọng mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân…

Ông Đặng Văn Thân ngước lên nhìn ảnh Bác được treo trang trọng ở chính giữa phòng khách và dõng dạc đọc: “Bác Hồ trong tim tôi/ Tim tôi luôn sáng ngời/ Chân lý của Người là sức mạnh/ Tiến lên, quyết không lùi/ Bác Hồ trong tim tôi/ Côn Lôn ơi! Dù máu rơi/ Xà lim đâu khóa được lòng người/ Hầm sâu đâu ngăn được lòng đã quyết/ Vì trong tim tôi luôn có Bác Hồ”.

“Đó là bài thơ tôi sáng tác khi đang bị giam cầm trong chuồng cọp tại nhà tù Côn Đảo. Trong lao tù tối tăm, với người lính cách mạng như tôi, Bác Hồ là lý tưởng, là ánh sáng của niềm tin, là ý chí kiên định với cách mạng, nguồn sức mạnh để không gục ngã trước đòn roi kẻ thù và một khát vọng cháy bỏng, rằng một ngày nào đó đất nước sẽ hòa bình, thống nhất”, ông Thân bùi ngùi chia sẻ.

Ông Trần Thanh Long kể về những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ

Ông Trần Thanh Long kể về những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ

Cũng giống như ông Đặng Văn Thân, ông Trần Thanh Long (trú tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) sớm tiếp cận với lý tưởng cách mạng. Năm 1968, khi đang hoạt động tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn, ông bất ngờ bị địch bao vây và bắt giữ. Lúc đó, ông là Chuẩn úy - Trung đội trưởng tình báo, Tổng Cục II - Bộ Quốc phòng.

Ông Long kể lại, khi tham gia hoạt động cách mạng, ông và nhiều đồng đội khác được bồi dưỡng lý tưởng. Ngày ấy, để nói về lý tưởng cách mạng có khi mơ hồ, nhưng với hình tượng của Bác Hồ, những việc Bác đã trải qua quá vĩ đại chính là lý tưởng cao cả nhất, cụ thể nhất, tạo được một niềm tin cách mạng sẽ giành được thắng lợi.

“Những ngày được bồi đắp lý tưởng cách mạng, tôi đã được tiếp cận những câu chuyện về nữ anh hùng Nguyễn Thị Lý; tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” và đặc biệt tác phẩm “Sống như anh” nói về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, một người lính hiên ngang, bất khuất. Nên ngày bị bắt, dù xe tăng và địch bao vây, tôi học anh Trỗi, vẫn hiên ngang, ngẩng cao đầu đi giữa lòng địch”, ông Trần Thanh Long tự hào nhớ lại.

Đòn roi không làm lung lay ý chí

Tại nhà tù Phú Quốc ngày đó, bọn cai ngục áp dụng phương thức “Tân sinh hoạt” để dụ dỗ các chiến sĩ cách mạng. Bọn chúng lấy một lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đặt ở dưới nền đất. Nếu ai không giẫm lên thì chúng tra tấn ngay tại chỗ...

“Trước khi bị đưa ra Phú Quốc vào tháng 12/1968, tôi trải qua một thời gian bị tra tấn ác liệt của địch từ Huế cho đến Đà Nẵng. Thời gian đó, tôi cứ nghĩ mình sẽ không qua được. Nhưng tôi đã vượt qua, giữ trọn lòng kiên trung, tuyệt đối giữ bí mật bảo vệ được đồng đội, căn cứ cách mạng. Có lẽ, tất cả là do lý tưởng cách mạng của mình đủ lớn, ánh sáng lý tưởng của Bác Hồ đủ mạnh để dẫn lối vượt qua những trận đòn “thừa sống thiếu chết” đó”, ông Long khẳng khái.

Ở miền Nam thời bấy giờ, nhà tù Phú Quốc và Côn Đảo được ví là hai “địa ngục trần gian” do Mỹ và tay sai lập nên để giam giữ, đàn áp, tra tấn những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Với nhiều người bị giam giữ ngày đó, những trận đòn roi tra tấn còn nhiều hơn cả những bữa cơm với mắm nơi ngục tù ấy.

Ông Đặng Văn Thân kể, trong những chuồng cọp giam giữ ngày đó, các chiến sĩ như ông truyền nhau, lấy đó làm sức mạnh, đó là cứ mỗi lần bị tra tấn, bị thúc một dùi cui, quất một roi mây, hay nhận một cú đạp của bọn cai ngục… thì nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ hiện ra trước mắt. Sau một lần đau nhói của thể xác, hình ảnh hiền hậu, mỉm cười của vị cha già dân tộc hiện lên thôi thúc các chiến sĩ không đầu hàng, không khuất phục, giữ khí tiết. Cứ thế, các chiến sĩ đều áp dụng hình thức đó, với niềm tin cách mạng sẽ thắng lợi, Bác luôn ở bên mỗi chiến sĩ.

Ngày đó, bọn cai ngục rất tàn độc, nhưng với Bác Hồ, bọn chúng rất tôn trọng. Năm 1969, khi Bác qua đời, các chiến sĩ nơi ngục tù Phú Quốc và Côn Đảo đều để tang Bác. Khi các chiến sĩ làm lễ tang, bọn cai ngục chỉ đứng bên ngoài, đợi khi làm lễ xong mới đàn áp. Trong những lần tra tấn hay dụ dỗ các chiến sĩ, khi nhắc đến Bác Hồ, bọn chúng chỉ dùng cách xưng hô là cụ Hồ, chứ không dùng những từ thiếu tôn trọng khác. Điều đó để thấy, Bác là người thật sự vĩ đại.

Truyền cảm hứng cho con cháu

Sau ngày đất nước giải phóng, ước mong của ông Đặng Văn Thân là ra được Hà Nội, vào lăng để thăm Bác. Ngày đó, đời sống còn vất vả, không có tiền để đi xa. Khi có người quen làm nghề xây dựng, đấu thầu trúng một dự án ở khu vực Sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ông Thân dù không phải thợ xây, nhưng với mục đích ra thăm Bác nên đã nói dối là mình làm được để được bao xe ra Hà Nội.

“Ra Hà Nội, sau một tuần làm việc, ngày Chủ nhật được nghỉ, tôi tìm cách đi từ sân bay Gia Lâm đến lăng Bác. Lần đầu vào lăng và được thấy Bác, tôi vừa ngưỡng mộ, vừa xúc động, khóc òa lên. Cứ thế, suốt mấy tuần liền sau đó, cứ cuối tuần là tôi lại đến lăng Bác. Mỗi lần đến, tôi ở lại đến chiều để vào thăm 2 lần mới chịu về. Thấy tôi cứ chầu chực ở lăng Bác, cảnh vệ thấy lạ và có ý nghi ngờ tôi làm việc gì xấu. Tôi bảo, từng là người lính bị giam tù ở Côn Đảo, với tôi, Bác Hồ thật thiêng liêng, vĩ đại, nên các anh thông cảm cho tôi được thăm Bác, khi nào thỏa mãn rồi thì tôi sẽ vào lại Huế”, ông Thân xúc động.

Chương mới của cuộc đời được mở ra, sau khi đất nước độc lập thống nhất, ông Đặng Văn Thân tiếp tục xem Bác là hình mẫu sống. Hậu quả chiến tranh để lại khiến đời sống vô cùng khó khăn. Lúc đó, dù là thương binh hạng 2, song ông Thân đã xung phong tình nguyện lên Nam Đông làm kinh tế mới. Khi lên Nam Đông, vất vả vô cùng, nhiều người bỏ về, song ông bám trụ đến khi được điều động ra Quảng Trị nhận nhiệm vụ mới.

Tạm thời lần giở lại quá khứ, ông Đặng Văn Thân chia sẻ, cũng như một lời gửi gắm: “Tôi học Bác, nơi nào khó khăn, vất vả là tôi xung phong đi trước. Tiền của, vật chất thời đó đúng là rất cần, nhưng cao cả và thiêng liêng hơn là sống một cuộc đời vì người khác như Bác Hồ. Bây giờ vẫn thế. Tôi vẫn luôn nhắc con cháu mình, phải lấy Bác là tấm gương để sống”.

Đức Quang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/anh-sang-niem-tin-153656.html