Bức điện đặc biệt ngày Bác đi xa

Đã hàng chục năm sau ngày Bác Hồ đi xa, ký ức về thời khắc đau buồn đó vẫn như một tấm băng đen lặng lẽ trong tim những người lính cơ yếu - như một vết cắt không lời giữa những dòng mã lệnh. Năm 1990, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá, nhạc sĩ Lê Sỹ Hạnh, một người lính cơ yếu, đã viết nên ca khúc 'Kỷ niệm không bao giờ quên'.

Lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm lớp Mật mã Lê Hồng Phong tại rừng Bản Cọ, xã Yên Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên năm 1950.

Lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm lớp Mật mã Lê Hồng Phong tại rừng Bản Cọ, xã Yên Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên năm 1950.

Bài hát không chỉ là âm nhạc, mà còn là lời kể nghẹn ngào của những người lính giữa vô vàn bức điện được mã dịch mỗi ngày, có một khoảnh khắc mà thời gian như ngừng lại: Khoảnh khắc Người đi xa.

Bức điện đặc biệt

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành cơ yếu Việt Nam được thành lập tại Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sự ra đời của Ban Mật mã quân sự là mốc son lịch sử của ngành cơ yếu Việt Nam, đóng vai trò là cơ quan nghiên cứu, sáng tác và sử dụng luật mật mã để bảo đảm bí mật thông tin liên lạc phục vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, quân đội lãnh đạo, chỉ huy quân và dân cả nước xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, phát triển lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong 80 năm qua, hàng triệu bức điện đã được lực lượng cơ yếu truyền đi, mỗi bức điện như một nhịp đập của trái tim Tổ quốc, chứa đựng tinh thần, ý chí và quyết tâm trong từng chỉ đạo, mệnh lệnh của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang. Đó là những thông điệp quan trọng, bí mật, từ những bức điện truyền mệnh lệnh chiến đấu trong lửa đạn chiến trường, đến những chỉ thị chiến lược trong những thời khắc chuyển mình của đất nước.

Có những bức điện mang tin vui chiến thắng, cũng có những dòng tin báo về mất mát khiến lòng người nhói buốt. Dù được mã hóa, những dòng điện ấy chưa từng vô cảm, bởi sau lớp ký hiệu khô khan là vận mệnh quốc gia, là trái tim của những người lính thầm lặng, ngày đêm đồng hành cùng đất nước.

Trong muôn vàn bức điện, có một bức điện hết sức đặc biệt. Bức điện báo tin Bác đã đi xa ngày 2/9/1969. Thực tế là không nhiều người biết nội dung bức điện này, kể cả những người trong ngành. Và phải 21 năm sau, qua bài hát “Kỷ niệm không bao giờ quên” của Đại tá, nhạc sĩ Lê Sỹ Hạnh nhiều người mới biết rõ hơn những câu chuyện liên quan tới bức điện đặc biệt này.

Kỷ niệm không bao giờ quên

Trong căn nhà nhỏ ở một con ngõ trên phố Đội Cấn (Hà Nội), chúng tôi gặp được Đại tá, nhạc sĩ Lê Sỹ Hạnh và nghe ông kể lại cơ duyên mang đến cho ông cảm hứng sáng tác ca khúc “Kỷ niệm không bao giờ quên”.

Đại tá Lê Sỹ Hạnh sinh năm 1954 tại tỉnh Nghệ An. Ông bắt đầu công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 1972. Năm 1981, ông nhận nhiệm vụ tại Ban Cơ yếu Chính phủ, sau đó là Học viện Kỹ thuật Mật mã. Ông cũng từng học ở Trường đại học Văn hóa, cùng thời với những nhạc sĩ như Văn Thành Nho, Thái Văn Hóa… Vì thế, bên cạnh công tác chuyên môn ở Học viện Kỹ thuật Mật mã mà ông giữ chức Phó Giám đốc Học viện cho đến khi về hưu năm 2015.

Ông kể lại, sau tám năm công tác ở Học viện Kỹ thuật Quân sự tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ông được điều động về Hà Nội. Câu mở đầu “Con lại về bên lăng Bác hôm nay” trong ca khúc “Kỷ niệm không bao giờ quên” phản ánh thời điểm đặc biệt đó. Thời điểm đấy là năm 1990, năm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho rằng đây là cơ hội thích hợp để sáng tác một tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sinh thời, Người rất quan tâm đến ngành cơ yếu, trong khi cho đến thời điểm đó chưa có tác phẩm nghệ thuật nào về Người và ngành cơ yếu.

Nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc “Kỷ niệm không bao giờ quên” đến với Đại tá Lê Sỹ Hạnh trào dâng từ một buổi trò chuyện ở Viện Khoa học-Công nghệ mật mã với hai đồng chí Trần Thị Tấn (hiện đã mất), Trần Thị Mai và được kể rằng, ngày Bác Hồ mất, họ là nhân viên mã dịch của Bộ Tổng Tham mưu. Hai người đã tham gia mã bức điện thông báo Người đi xa.

Đại tá Lê Sỹ Hạnh nhớ lại: “Cả hai đồng chí kể lại câu chuyện năm 1969 với tôi trong tâm trạng đầy xúc động. Họ cầm bút để mã bức điện truyền đi mà cứ lóng ngóng, không sao làm được. Nước mắt ai nấy đều không ngừng rơi. Chưa bao giờ hai chị có thể quên được cảm xúc đặc biệt khi đó. Bác qua đời không chỉ là tổn thất lớn lao đối với cả đất nước, mà với các chị đó còn là nỗi đau như mất đi chính người thân trong gia đình”.

Nghe câu chuyện, Đại tá Lê Sỹ Hạnh rất xúc động, rơm rớm nước mắt. Ông về nhà, lên phòng cầm đàn guitar và viết ca khúc “Kỷ niệm không bao giờ quên” với những câu từ gần gũi, dễ nhớ: Tay con mã trăm ngàn bức điện, mà chẳng tin…/Chẳng tin bức điện Bác đi xa/Bác đi thật rồi sao bác ơi…/Sao nay vẫn tỏa ngàn nắng Ba Đình/Vâng theo Bác chúng con thề gìn giữ nước non/Bác đi thật rồi sao Bác ơi… /Sao nay vang vọng tiếng của Người/Non sông đã thu về một dải/Kỷ niệm ấy không bao giờ quên…

Lời ca chân thành, đậm tình cảm về nỗi đau, lòng tiếc thương, sự kính yêu với Bác của lực lượng cơ yếu, những người làm nhiệm vụ thầm lặng. Bài hát đã đánh dấu lần đầu tiên, ngành cơ yếu Việt Nam có tác phẩm nói về tình cảm với Bác Hồ. Và 35 năm qua, “Kỷ niệm không bao giờ quên” luôn vang lên ở các hội diễn quần chúng, mang lại nhiều huy chương, giải thưởng cho ngành cơ yếu và giúp những cán bộ, chiến sĩ cơ yếu luôn lưu giữ khoảnh khắc tưởng đã bị chôn giấu trong tầng tầng lớp lớp mã hóa.

Theo Đại tá Lê Sỹ Hạnh, ca khúc “Kỷ niệm không bao giờ quên” đã được nhiều nghệ sĩ thể hiện, bắt đầu từ người đầu tiên là học viên Trung Phùng, hiện công tác ở Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Học viện Kỹ thuật Mật mã. Tuy vậy, ông ấn tượng hơn cả với giọng ca của Vũ Thế Khương, cựu học viên của Học viện Kỹ thuật Mật mã và hiện là Trưởng Phòng Tuyên huấn, Thi đua-Khen thưởng của Cục Chính trị-Tổ chức, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Đồng chí Khương cho biết, khoảng năm 1996-1997, đồng chí có cơ hội thể hiện ca khúc lần đầu tiên, với rất nhiều bồi hồi, xúc động khi biết lời ca viết về Bác Hồ, về ngành cơ yếu. Sau đó, đồng chí đã mang bài hát này tham dự cuộc thi SV 2000 và được công chúng nhiệt liệt hưởng ứng.

Ngoài ca khúc “Kỷ niệm không bao giờ quên”, Đại tá Lê Sỹ Hạnh cũng yêu thích viết văn, làm thơ về Bác Hồ. Với bài thơ Hoa râm bụt tháng 5 viết về Bác Hồ, ông chia sẻ, từ việc bắt gặp những chùm hoa râm bụt ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở làng Sen quê Bác hay tại ATK Thái Nguyên, ông liên tưởng loài hoa này gắn liền với hoạt động cách mạng của Người.

Bài thơ Hoa râm bụt tháng 5 ra đời từ suy nghĩ, cảm xúc đấy, trong đó có câu “Về thăm rừng bản Cọ hôm nay/Nhớ ngày Bác về thăm, khắc sâu lời Người dạy”…

Đại tá Lê Sỹ Hạnh cho biết, tháng 5/1950, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp mật mã Lê Hồng Phong tại rừng Bản Cọ, xã Yên Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Người căn dặn: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác. Các chú làm mật mã phải bí mật và đoàn kết”.

Đó là sự kiện lịch sử của ngành cơ yếu Việt Nam, thể hiện sự quan tâm, tình cảm của Người đối với công tác mật mã. Những lời huấn thị của Người ngắn gọn, súc tích nhưng chứa đựng nhiều quan điểm, tư tưởng, mang tính chỉ đạo, định hướng trong xây dựng và phát triển công tác mật mã nói riêng, của ngành cơ yếu Việt Nam nói chung trong 80 năm qua.

NGỌC ĐINH-MẠNH HÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/buc-dien-dac-biet-ngay-bac-di-xa-post880499.html