Ánh sáng và đức tin (Kỳ III)

Các tôn giáo chính thống tồn tại từ rất lâu trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Còn các tà đạo, đạo lạ, hiện tượng tôn giáo mới lại có xu hướng gia tăng. Đức tin của các tôn giáo chân chính luôn hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, góp phần không nhỏ cho việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng, nhân văn – những giá trị mà Đảng ta cũng luôn hướng tới trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng như một lẽ tất nhiên, trên con đường ấy vẫn không thiếu những kẻ ngáng đường. Trong vấn đề tôn giáo – một vấn đề mang tính tâm linh, tư tưởng, các thế lực thù địch cũng không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để công kích, xuyên tạc, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiến hành 'diễn biến hòa bình' và 'cách mạng màu'. Tâm linh – tư tưởng một khi đã bị tiêm nhiễm, lệch lạc, cũng là lĩnh vực khó khăn nhất của chúng ta khi đấu tranh để đẩy lùi, bài trừ. Đức tin tôn giáo trong thời đại này cũng cần được soi rọi bởi ánh sáng để đi đúng đường: ánh sáng của Đảng, của trí tuệ sáng suốt.

Chư tăng, phật tử, người dân đóng góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ tại lễ phát động do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 12/9 - Ảnh; NGỌC HIẾU

Chư tăng, phật tử, người dân đóng góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ tại lễ phát động do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 12/9 - Ảnh; NGỌC HIẾU

Trước hết cần phải làm rõ, “chống tà đạo” không chỉ là cuộc chiến ngăn ngừa các tà đạo có hoạt động gây hại cho xã hội mà còn là việc chấn chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn, đi sai tôn chỉ, mục đích của các tôn giáo chính thống. Bởi chính sự “lệch chuẩn” này cũng khiến con người dễ dàng sa vào “thuốc mê” của tà đạo.

Phát huy vai trò của các tôn giáo chính thống

Đầu tiên, chúng ta phải nắm bắt địa thế thuận lợi trong thế trận tuyên truyền đấu tranh chống tà đạo, dẫn dắt quần chúng thông qua tuyên truyền tích cực, thu hút niềm tin của quần chúng về phía các tôn giáo chính thống, từ đó đẩy lùi không gian sinh tồn của các tà đạo.

Thực tế đã cho thấy, các tà đạo thường vay mượn giáo lý, hình ảnh, cách thức sinh hoạt, thường “ăn cắp” thuật ngữ của các tôn giáo chính thống để chắp vá thành giáo lý của mình. Chính vì vậy, hơn hết chính các tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên chúa giáo… cần là tấm gương để vạch trần bản chất và giáo lý của các tà đạo vay mượn, có ý thức chống lại sự xâm phạm của tà đạo và niềm tin tôn giáo lệch lạc, coi đó là nhiệm vụ “của mình” chứ không phó thác hoàn toàn cho hệ thống chính trị. Trong đó, có thể chỉ ra ba trách nhiệm của tôn giáo với cộng đồng như sau:

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, là chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc, niềm tin tôn giáo của tín đồ, từ đó góp phần duy trì mối quan hệ hài hòa trong Nhân dân và sự ổn định của xã hội. Bởi tôn giáo có những có những ưu điểm đặc biệt trong việc định hướng tư tưởng, hành vi, giữ gìn bản sắc văn hóa, điều chỉnh tâm lý con người: Sự giám sát, phán xét, trừng phạt của đạo đức thế tục chủ yếu là dư luận xã hội, là yếu tố bên ngoài; còn việc giám sát, phán xét, khen thưởng, trừng phạt của đạo đức tôn giáo chủ yếu là bậc “thần thánh” nào đó trong tâm tưởng. Nói cách khác, chính là sự phán xét trong chính nội tâm con người, là yếu tố bên trong. Chính vì vậy, đạo đức tôn giáo thường có hiệu quả cao hơn đạo đức thế tục.

Thứ hai, tôn giáo chính thống có trách nhiệm đóng góp cho an sinh xã hội. Khác với các tà đạo, chủ yếu là làm hại con người và tổn hại xã hội, cộng đồng tôn giáo nên coi việc thực hiện trách nhiệm này như một phương pháp quan trọng để chống lại tà đạo. Đó cũng là sức sống của các tôn giáo ngàn đời nay. Trong đó, đạo Phật là tiêu biểu nhất với phương châm “tích đức hành thiện”.

Thứ ba, tôn giáo chính thống cũng chịu trách nhiệm giao lưu hữu nghị và trở thành những “sứ giả văn hóa”, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, tiếp thu và giới thiệu những thành tựu về văn hóa, khoa học tiên tiến về Việt Nam. Thời gian qua, các hoạt động trao đổi Phật giáo, Thiên chúa giáo… với các nước diễn ra thường xuyên, thúc đẩy hiệu quả trao đổi văn hóa khu vực và thắt chặt quan hệ giữa nhân dân các nước với nhau. Về điểm này, các tà đạo không thể làm được, không được công khai, công nhận và sẽ không được ủng hộ.

Ngoài ra, bản thân ban trị sự, ban đại diện tôn giáo các cấp cần nghiêm khắc chấn chỉnh những biểu hiện “lệch chuẩn” đã được dư luận xã hội chỉ ra; đảm bảo các chức sắc khi thuyết pháp, giảng đạo đều phải nắm vững giáo lý, giáo luật; kiến thức về tôn giáo, chính trị, văn hóa và xã hội phải vững chắc. Trong thời gian gần đây, Phật giáo, Thiên chúa giáo... đã rất tích cực trong việc chấn chỉnh trong tổ chức và hoạt động thuyết giáo, thẳng thắn kiểm điểm những chức sắc tôn giáo vi phạm, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội như: thẩm tra thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang trái với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam (7/6/2024); Giáo hội Phất giáo Việt Nam (GHPGVN) kỷ luật Đại đức Thích Nhuận Đức, cấm thuyết pháp do những vidieo thuyết giảng, nghi lễ phản cảm (6/6/2024). Trước đó, GHPGVN kỉ luật Đại Đức Thích Trúc Thái Minh vì trưng bày “xá lợi tóc Phật” (1/2024)… Có thể nói rằng, đây là những hành động rất thực tế, giúp dư luận phân định đúng – sai, điều chỉnh lại niềm tin đối với tôn giáo.

Tăng cường quản lý tôn giáo bằng hệ thống pháp luật

Ngày 1/1/2018, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta có hiệu lực, đã hoàn thiện dần cơ sở pháp lý để quản lý tôn giáo. Tuy nhiên với xu thế hội nhập hiện nay, luật bắt đầu nảy sinh những tồn tại, lạc hậu, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Trong những năm qua từ thực tiễn cho thấy, có không ít những vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo. Do thiếu hiểu biết, không nắm chắc các quy định của pháp luật nên dẫn đến các sai phạm trong quản lý, thực hiện các hoạt động tôn giáo. Chính vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, Nhân dân nói chung và tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo nói riêng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cần nắm bắt kịp thời dư luận xã hội và tình hình của các tổ chức tôn giáo mới, cảnh báo sớm về hoạt động của các tổ chức tà đạo. Đồng thời, thông tin công khai và rõ ràng trước công luận về các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan tới tôn giáo, vi phạm của các chức sắc chức việc, tránh gây hoang mang dư luận, để các thế lực thù địch thừa cơ xuyên tạc.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện pháp luật về tôn giáo

Cần khẳng định lại rằng, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đã được ghi nhận trong Hiến pháp.

Ở nước ta, một số ngày lễ lớn của các tôn giáo như: Phật đản, Vu Lan, Noel… không chỉ là của riêng những người theo đạo mà trở thành ngày hội lớn của người dân. Trong xu hướng tiếp biến văn hóa và hội nhập, đại đa số người dân sẽ chấp nhận những hoạt động văn hóa tiến bộ. Tuy nhiên, cũng cần nhất quán hành động dưới sự chỉ đạo của Đảng, là tiếp thu có chọn lọc, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam qua các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tránh những biến tướng, lệch lạc, gây dư luận trong Nhân dân. Điều đó rất cần sự định hướng của công tác tuyên giáo và báo chí. Bên cạnh đó, tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thì phải kết hợp với các chính sách về dân tộc thiểu số để quản lý. Biết vận dụng tập tục của các dân tộc; hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật của các tổ chức tôn giáo vào việc thực hiện pháp luật về tôn giáo ở vùng này; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh.

Chống tà đạo, hay nói rộng hơn, chính là chống lại các tư tưởng lệch lạc về niềm tin tôn giáo, lợi dụng quyền tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá chế độ ta là một cuộc chiến lâu dài, là cuộc đấu tranh của tư tưởng. Điều này cần sự tu dưỡng của chính con người trong một khoảng thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc ưu tiên giáo dục tích cực, để đông đảo quần chúng nhân dân học tập, hiểu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo vào đời sống. Đối với một bộ phận Nhân dân đã từng bị lôi kéo, tin theo tà đạo thì cần giáo dục, bồi dưỡng và đưa họ trở lại con đường đúng đắn về giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải tự tin về những giá trị này, dùng phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa vô thần để vạch trần, phê phán các tà đạo, bản chất phản khoa học, phản nhân văn, phản chính quyền của chúng, giúp người dân hiểu và phản tỉnh. Lấy giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội để phân biệt đúng sai, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn.

Nhà bác học Albert Einstein có một câu nói rằng: “Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khoa học què quặt. Tôn giáo mà thiếu khoa học thì tôn giáo mù lòa[1].” Khoa học ở đây không chỉ gói gọn là tri thức khoa học, mà còn là khoa học về cuộc sống, là sự hiểu biết về tất cả các lĩnh vực diễn ra xung quanh mình. Niềm tin tôn giáo vẫn sẽ luôn tồn tại trong đời sống xã hội, trong phần tâm linh của con người. Và như một lẽ tất nhiên, cuộc đấu tranh giữa chính – tà, thiện – ác sẽ là cuộc đấu tranh khó đi đến hồi kết. Thế nhưng, nếu có ánh sáng của tri thức, của thực tiễn tham chiếu, ánh sáng của Đảng soi đường, chắc chắn rằng người ta sẽ dễ dàng nhận ra cái đúng, để tìm được cho mình một “chốn về” tâm linh xứng đáng để gửi gắm đức tinn

[1] “Science without religion is lame, religion without science is blind”

HOÀNG DIỆP HẰNG - Đài Phát thanh truyền hình Lạng Sơn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/anh-sang-va-duc-tin-ky-iii-5026593.html