Anh tài thống trị nhạc Tết Việt
Nhạc Tết 2025 trở nên sôi động khi có nhiều nghệ sĩ cùng tham gia cũng như thực hiện quảng bá, và có một số nghệ sĩ phủ sóng rộng rãi hơn hẳn.
Giống với mùa nhạc Giáng sinh ở thị trường US-UK, Việt Nam cũng có mùa “nhạc xuân” mỗi dịp năm hết Tết đến. Không được các nghệ sĩ thực hiện quảng bá quá rầm rộ, nhưng lợi thế của nhạc Tết là có khả năng tự lan tỏa rất cao và được phát đi phát lại qua từng năm, sức sống lâu bền hơn những ca khúc thông thường. Nếu như ở US-UK có “thánh ca” All is want for Christmas is you thì ở Việt Nam những năm qua chứng kiến sự nổi trội của các ca khúc Năm qua đã làm gì, Làm gì phải hốt,... được khán giả yêu thích nhờ giai điệu nhẹ nhàng, phối khí vui nhộn, thông điệp ấm cúng mừng năm mới.
Thị trường nhạc Tết 2025 bất ngờ trở nên sôi động hơn khi có những tên tuổi lớn ra nhạc và được quảng bá khá mạnh mẽ.
Sự thống trị của Bùi Công Nam cùng các “Anh tài”
Những năm qua, Bùi Công Nam vẫn được mệnh danh là “ông vua nhạc Tết” bởi sự năng suất của anh trong việc sản xuất các bài nhạc cho dịp lễ này. Anh chính là tác giả ca khúc Năm qua đã làm gì làm mưa làm gió dịp Tết năm ngoái qua giọng ca Noo Phước Thịnh. Ngoài ra, anh cũng có những ca khúc được yêu thích khác như Tết này con sẽ về, Về nhà là có Tết, Tết ổn rồi...
Năm nay, Bùi Công Nam tiếp tục là cái tên phủ sóng mạnh mẽ khi từ cuối năm ngoái đến nay, anh phát hành tới 6 ca khúc có chủ đề Tết là Tết phiền vẫn iu, Tết nhà là vô giá, Điều giản đơn quý giá, Về nhà là khỏe, Tết vỗ về, Về nhà là có Tết 2. Mặc dù các ca khúc này đều được sáng tác theo đơn đặt hàng của các thương hiệu, nhưng không thể phủ nhận sức sáng tạo mạnh mẽ của Bùi Công Nam trong nhánh âm nhạc mừng lễ, và các ca khúc đều mang màu sắc tươi sáng, được khán giả đón nhận.
Không những thế, Bùi Công Nam còn tham gia trong nhóm nhạc B.O.F để cho ra mắt một ca khúc nhạc Tết được đầu tư khá hoành tráng cả về âm thanh và hình ảnh mang tên Tết đỉnh nóc. B.O.F là nhóm nhạc được phát triển từ chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai với các thành viên có độ nhận diện khá cao là Bùi Công Nam, BB Trần, Kay Trần, Jun Phạm, S.T. Tết đỉnh nóc cũng là một ca khúc nhạc xuân hiếm hoi là single chính thức của một nghệ sĩ, được quảng bá chỉn chu. Ca khúc cũng được khán giả đón nhận khá mạnh mẽ.
Bên cạnh Bùi Công Nam, một “anh tài” khác là Soobin cũng là cái tên nổi bật trong mùa nhạc Tết năm nay. Anh tiếp nối chuỗi nhạc Đi để trở về đã thực hiện tới năm thứ 9, mà anh cũng là nhân tố làm nên thành công cho series này khi thực hiện 3 năm đầu tiên đều đạt thành tích vang dội. Thay vì tập trung vào sự tươi vui, rộn rã như nhạc xuân của Bùi Công Nam, Đi để trở về 9 lại hướng đến thông điệp “trở về nhà” sau một năm bôn ba khám phá thế giới, rất phù hợp với thời điểm cuối năm và cũng được nhiều khán giả ưu ái chọn nghe dịp Tết. Đi để trở về 9 cộng hưởng với sự trở lại của Soobin sau nhiều năm không thực hiện series, đạt lượng nghe khả quan.
Lựa chọn hướng tiếp cận giống Soobin, Đen cũng mang những thông điệp nhiều cảm xúc trong ca khúc Vị nhà. Bài hát có những lời ca nhẹ nhàng về tình cảm gia đình, kết hợp với một số âm thanh truyền thống, mang đến cảm nhận riêng của Đen cho những ca khúc nhạc Tết. Đen cũng có lời khẳng định thú vị cho chất lượng vượt trên mục đích ban đầu của bài “Người ta đặt con làm nhạc Tết nhưng nhạc này nghe được quanh năm”. Vị nhà được khán giả đón nhận khá nhiệt tình, hiện đã vươn lên tới top 1 trending.
Những nghệ sĩ khác ở đâu?
Phần lớn các ca khúc nhạc Tết được phổ biến rộng rãi trong thời gian qua chủ yếu đến từ các đơn đặt hàng. Các ca khúc thường mang thông điệp, hình ảnh tươi vui, giai điệu dễ nghe dễ tiếp cận. Tuy nhiên, vẫn có những nghệ sĩ indie, underground cũng lấy cảm hứng từ mùa xuân, ngày Tết để thực hiện những sáng tạo mới mẻ cho riêng mình.
Đầu tháng 1 vừa qua, Trang - một singer songwriter độc lập - phát hành ca khúc Mùa xuân, đem đến những quan sát tinh tế của riêng mình về khung cảnh trời đất, con người dịp tháng Giêng ở quê hương Hà Nội của cô. Ca khúc không hào nhoáng nhưng đẹp đẽ, đầy tinh tế, nữ tính, và được khán giả trẻ rất yêu thích.
Ngược lại với Trang, B-wine và PC lại mang đến những suy nghĩ xù xì, gai góc về Tết trong bản rap Tết hiền. Thay vì những nội dung vui nhộn, mang màu sắc yên bình hạnh phúc, Bwine lựa chọn những chủ đề nặng nề hơn như lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ, những mất mát về tiền bạc và người thân trước thềm năm mới,... Các bản rap của B-wine thường được đánh giá rất cao về mặt ca từ, và Tết hiền cũng được cộng đồng underground đón nhận.
Ngoài nhạc Tết, dịp cuối năm cũng là thời điểm mà nhiều nghệ sĩ tung ra những sản phẩm âm nhạc đặc biệt. SpaceSpeakers phát hành single Người Việt với sự tham gia của Hà Lê, Soobin, Lil Wuyn, 16 Typh, KimLong. Đây cũng là single cuối cùng của 16 Typh khi hoạt động với Spacespeakers, khi anh cùng Tinle và Gonzo chính thức rời tổ đội này. 16 Typh cũng ngay lập tức phát hành single độc lập Canvas ngày 22.1, đánh dấu một chặng đường mới của mình.
2 dự án âm nhạc khá nổi bật thời điểm cận Tết của Vpop có thể kể đến là Cứu lấy tôi của 24k.Right và Cứu lấy âm nhạc của Wren Evans. Nếu như 24k.Right cho thấy một hình ảnh khá nhẹ nhàng, dễ nghe trái ngược với sự hầm hố quen thuộc, thì Wren Evans tiếp tục theo đuổi phong cách âm nhạc độc đáo, khác biệt khi kết hợp nhiều yếu tố trong cùng một bài nhạc một cách nhuần nhuyễn. Những sản phẩm này mang đến một làn gió mới lạ giữa rừng nhạc Tết, đạt được thứ hạng khả quan trên top trending.
Nhìn chung, thời điểm cận Tết, các nghệ sĩ Việt có nhiều hoạt đông khá năng nổ. Đối với các nhạc phẩm đón Tết, sự đầu tư ngày càng lớn và các nghệ sĩ cũng đặt vào nhiều sáng tạo thú vị hơn. Các single thông thường thì cũng được thực hiện chỉn chu, được khán giả đón nhận như một thứ gia vị lạ, làm gia tăng sự đa dạng cho thị trường âm nhạc cuối năm Âm lịch.
Nguồn Znews: https://znews.vn/anh-tai-thong-tri-nhac-tet-viet-post1526668.html