Ðánh thức tiềm năng dược liệu vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) (*)
Bài 2: Quy hoạch vùng dược liệu - những vấn đề đặt raTiềm năng, lợi thế đặc biệt về nguồn dược liệu đã và đang góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bài 2: Quy hoạch vùng dược liệu - những vấn đề đặt ra
Tiềm năng, lợi thế đặc biệt về nguồn dược liệu đã và đang góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, những khó khăn đặt ra hiện nay là nguồn dược liệu tự nhiên ngày một cạn kiệt, thu mua dược liệu theo kiểu “tận diệt”, diện tích trồng cây dược liệu đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát, cơ chế cho thuê đất rừng để trồng cây dược liệu dưới tán rừng còn nhiều bất cập. Từ thực tế đó, các địa phương trong vùng cần đề ra chiến lược dài hơi.
Những thách thức trong phát triển dược liệu
Tỉnh Kon Tum xác định phát triển cây dược liệu là một trong chín sản phẩm chủ lực của địa phương, đặt mục tiêu phát triển cây dược liệu từ năm 2018 đến 2020 là bảo tồn, nhân giống một số loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu, có giá trị cao với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN).
Trong khi đó, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa 15) đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh hoàn thành công tác điều tra, thống kê, tổ chức bảo tồn và khai thác bền vững dược liệu trong tự nhiên; phát triển khoảng 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ; hình thành ít nhất một cơ sở sản xuất giống dược liệu. Ðến năm 2030, tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu nâng lên khoảng 4.200 đến 4.500 ha.
Còn tỉnh Lâm Ðồng hiện đang hoàn thiện đề án phát triển dược liệu mang tính chất hàng hóa để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, với mục tiêu chiến lược là xây dựng Lâm Ðồng trở thành trung tâm cây dược liệu của cả nước và quốc tế. Riêng tại Quảng Nam, địa phương đi đầu trong chiến lược bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu. Năm 2015, tỉnh đã trình Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam đến năm 2030 với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Và đến năm 2016, tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư gần 40 tỷ đồng.
Ngược lại, một số địa phương trong vùng đang phải đối mặt tình trạng khai thác, phát triển dược liệu thiếu sự quản lý, quy hoạch. Tại tỉnh Ðác Lắc, mặc dù nhiều mô hình trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng tỉnh chưa có nghị quyết hay đề án nào về phát triển và bảo tồn cây dược liệu. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðác Lắc Nguyễn Hoài Dương cho biết, ngoài Công ty cổ phần Sản xuất - thương mại Kỳ Nam Việt đang triển khai dự án đầu tư phát triển dược tại xã Cư Klông, huyện Krông Năng, hiện có năm dự án đăng ký sản xuất và chế biến dược liệu đã được tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc cho nên các dự án chưa được triển khai mà việc phát triển cây dược liệu chủ yếu trồng tự phát trong nhân dân và vùng trồng, sản phẩm đầu ra chưa ổn định, việc trồng cây dược liệu chưa gắn kết tạo chuỗi sản phẩm từ khâu trồng - chế biến - cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ tình trạng phát triển dược liệu thiếu kiểm soát, Chủ tịch Hội Ðông y tỉnh Gia Lai Nguyễn Ngữ, cho biết: Người nước ngoài khi mua dược liệu mật nhân không thu mua vỏ thân mà chỉ thu mua vỏ rễ. Trong khi cây mật nhân trồng 30 năm mới thu hoạch thì thu mua vỏ rễ như vậy sẽ khiến dược liệu bị cạn kiệt. Chúng ta cần có kế hoạch cấp thiết để bảo vệ loài cây này; phải có chính sách hỗ trợ để người dân trồng cây mật nhân bởi thời gian trồng quá lâu”. Tại tỉnh Khánh Hòa, mặc dù địa phương phê duyệt “Ðề án khung bảo tồn nguồn gien cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020”, nhưng việc bảo tồn, khai thác, chế biến, tiêu thụ dược liệu bộc lộ nhiều bất cập. Theo Chủ tịch Hội Ðông y tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thướng, tình trạng bán dược liệu khai thác trong tự nhiên theo đường tiểu ngạch đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên cây thuốc, suy giảm đa dạng sinh học.
Nhu cầu nguồn dược liệu trong nước và nước ngoài ngày càng cao, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Ðác Nông mới chỉ có một số địa phương trồng mới quy mô nhỏ, không đủ để cung cấp nguyên liệu cho phát triển và sản xuất thuốc. Hiện nay, trồng và khai thác dược liệu ở Ðác Nông còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng cho nên dẫn đến sản lượng và giá cả không ổn định. Ðiển hình tại xã Cư Knia, huyện Cư Giút, Chi nhánh Công ty cổ phần SOLAVINA tại Ðác Nông đã ký hợp đồng kinh tế hợp tác với Tổ hợp tác dịch vụ thương mại liên kết trồng dược liệu xã Cư Knia để trồng 2,5 ha cây đương quy làm dược liệu. Việc ký kết này có văn bản đồng ý, tham gia bảo trợ của chính quyền địa phương và người dân được vay vốn hỗ trợ 200 triệu đồng từ một dự án khác để trồng đương quy. Theo hợp đồng, phía công ty hỗ trợ tiền thuê đất 5 năm cho các hộ dân, chịu trách nhiệm cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, bao tiêu toàn bộ sản phẩm... Thế nhưng thực tế, công ty này chỉ thực hiện được một số nội dung triển khai ban đầu, khi cây trồng bị nhiễm bệnh hàng loạt thì phía đại diện công ty đã “bặt vô âm tín” khiến người dân lao đao.
Ðại diện Sở KH và CN tỉnh Ðác Nông cho biết, nguồn dược liệu tự nhiên của tỉnh đang có xu hướng cạn kiệt dần do người dân, thương lái khai thác bừa bãi để bán, do nạn chặt phá rừng, vì thế số lượng cũng như chất lượng cây thuốc ngày càng giảm. Ðáng chú ý, những cây thuốc vừa quý về giá trị sử dụng, vừa quý về giá trị nguồn gien do hiếm gặp hoặc là loài đặc hữu đang bị khai thác tận diệt. Một số loài khác hiện chưa bị sức ép bởi khai thác sử dụng, nhưng môi trường sống đang bị de dọa cho nên nguy cơ rủi ro cũng rất cao… Tri thức sử dụng cây thuốc chưa được tư liệu hóa do nhiều nguyên nhân trong khi người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa ý thức việc lưu giữ kinh nghiệm làm thuốc. Một số loại cây thuốc chỉ được sử dụng dưới tên gọi địa phương mà chưa được xác định tên phổ thông hoặc tên khoa học, vì thế khó khăn trong việc ghi chép, kế thừa, dẫn đến kinh nghiệm làm thuốc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang ngày bị mai một.
Gắn kết để bứt phá
Ðể phát triển nguồn dược liệu vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, ngoài các đề án, chương trình riêng, các địa phương trong vùng cần xây dựng một chiến lược chung cho từng giai đoạn và lâu dài; xây dựng một số vùng dược liệu tập trung của từng tỉnh để phát triển các dược liệu có lợi thế của vùng. Chẳng hạn, vùng Tây Nguyên cần được quy hoạch phát triển từng loài dược liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu của vùng, nhất là các tỉnh trọng điểm phát triển dược liệu như: Kon Tum, Lâm Ðồng và Ðác Nông. Ðồng thời các địa phương cần chú trọng đầu tư về nguồn nhân lực, dành quỹ đất để phát triển dược liệu.
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận về thị trường cung, cầu của dược liệu nhằm vừa bảo đảm tự cung cấp đủ nguyên liệu dược liệu để sản xuất, tránh tình trạng ồ ạt xây dựng các nhà máy chế biến trong khi không đủ nguyên liệu, buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Cần có chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) không thực hiện đúng các nội dung ký hợp tác trồng dược liệu. Xử lý căn cơ việc trồng dược liệu tự phát, núp bóng trồng, sản xuất dược liệu để nhằm mục đích trục lợi.
Ðể giải quyết thực trạng này, các địa phương trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành tiềm năng, lợi thế chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối liên kết “bốn nhà”. Trước tiên, phải liên kết giữa nhà DN và nhà nông; cần có chính sách ưu đãi đối với việc trồng dược liệu, như hỗ trợ vay vốn, cho thuê đất, miễn giảm thuế, chính sách bao tiêu sản phẩm. Chú trọng vai trò quản lý nhà nước nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế cho người dân, DN, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng dược liệu.
Thực tế cho thấy, để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, các địa phương cần điều tra, xác định trữ lượng, số loài, vùng có khả năng để khai thác; nghiên cứu, thuần hóa, áp dụng KH và CN để chọn ra những giống dược liệu có năng suất, chất lượng. Chẳng hạn như sâm Ngọc Linh, với giá trị sử dụng được khẳng định, nhu cầu ngày càng tăng cao khiến loại cây này bị khai thác gần như cạn kiệt, Chính phủ cần sớm đưa sâm Ngọc Linh vào chương trình giống quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng, khai thác, bảo tồn, trồng trọt dược liệu cho nhân dân. Quy hoạch phát triển từ vùng đệm, rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách, khuyến khích, hỗ trợ liên kết vùng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo dòng sản phẩm nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo ra các sản phẩm đa dạng, đồng bộ từ dược liệu của vùng.
Cách làm tại Lâm Ðồng là một điển hình, tỉnh đã xây dựng được “Danh lục Tài nguyên dược liệu Lâm Ðồng”, với tổng số 2.291 loài cây thuốc, thuộc 283 họ thực vật; chưa kể động vật và khoáng vật làm thuốc. Trong đó, xác định cụ thể tên khoa học, tên dân gian, bộ phận dùng, công dụng và địa bàn phân bổ chủ yếu…, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng chiến lược phát triển cây dược liệu tại địa phương. “Chúng tôi đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, liên kết giữa DN với các hộ nông dân; hỗ trợ các DN sản xuất dược liệu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ thông qua đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước; phát triển liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao KH và CN, chọn giống dược liệu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Phạm S cho biết.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh Võ Thị Thúy Hà đề xuất: Ðể hỗ trợ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dược liệu cung ứng cho nhà máy, công ty cam kết hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc; bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cả cạnh tranh nhất; hỗ trợ công nợ 50% cây giống và 50% phân bón Trường Sinh, ngoài ra khấu trừ công nợ sau khi thu hoạch. Ðồng thời, công ty phối hợp các tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn cho nông dân quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây thảo dược, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Các địa phương cần chủ động biện pháp bảo vệ vùng nguyên liệu của mình, bảo vệ phát triển nguồn gien đặc hữu; phát hiện ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi thu mua, thu gom bất thường có tính chất tận thu, tàn phá, hủy hoại đa dạng sinh học và làm cạn kiệt tài nguyên dược liệu theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Phát triển dược liệu trong giai đoạn tới sẽ mở ra cơ hội lớn cho các địa phương tham gia thị trường trong nước, quốc tế về dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Nhiệm vụ của các cấp chính quyền, của người dân khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là gìn giữ, phát huy thế mạnh dược liệu. Tiềm năng dược liệu trong vùng không chỉ được “đánh thức” bằng KH và CN, mà còn là sự gắn kết, trách nhiệm, tận tâm của các địa phương.
---------------------------------------------
() Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-9-2019.