Anh và Đức cân nhắc hợp tác chế tạo tên lửa có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân của Nga

Trích dẫn các nguồn tin ngoại giao, tờ The Times đưa tin Vương quốc Anh đang cân nhắc hợp tác với Đức để phát triển tên lửa tầm xa có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân của Nga.

Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu khu trục USS Barry trên Địa Trung Hải. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu khu trục USS Barry trên Địa Trung Hải. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo các nguồn tin, Vương quốc Anh đang để mắt đến một loại vũ khí có tầm bắn 3.200 km có thể phóng từ Berlin tới Moskva, nếu Nga quyết định sử dụng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey được cho là đã thảo luận về kế hoạch này trong chuyến đi tới Berlin vào đầu tuần. Chuyến thăm nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo một phần của chính sách phòng thủ “NATO-first” của ông Healey.

Nguồn tin cho biết các tên lửa này dự kiến được triển khai tại Đức, thay thế các tên lửa tầm xa của Mỹ được triển khai tại nước này từ năm 2026, bao gồm SM-6, Tomahawk và các tên lửa siêu thanh đang phát triển.

Trước đó ngày 24/7, Anh và Đức đã ký tuyên bố phòng thủ chung, cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng, củng cố an ninh châu Âu và hỗ trợ Ukraine. Tuyên bố trên được ông Healey và người đồng cấp Đức Boris Pistorius ký tại thủ đô của Đức trong chuyến thăm Berlin của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh.

Ông Healey tuyên bố: “Chuyến công du này phát đi một thông điệp rõ ràng rằng an ninh châu Âu sẽ là ưu tiên quốc phòng và đối ngoại hàng đầu của chính phủ mới của Anh. Tuyên bố quốc phòng mới của chúng tôi - giữa Anh và Đức - sẽ khởi động một mối quan hệ quốc phòng mới, sâu sắc, được xây dựng dựa trên các giá trị chung giữa hai quốc gia chúng ta”.

Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết 2 nước sẽ hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh như lĩnh vực mạng.

Tân Thủ tướng Keir Starmer nhấn mạnh ông muốn Anh tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Âu về quốc phòng và an ninh để hỗ trợ Ukraine tốt hơn – một thông điệp mà ông tái khẳng định tại cuộc họp thượng đỉnh của Cộng đồng châu Âu vào tuần trước. Ông Starmer cũng đã đề xuất ý tưởng về một hiệp ước an ninh Anh - EU, bao gồm một loạt lĩnh vực như năng lượng, chuỗi cung ứng, đại dịch và di cư.

Các nước phương Tây ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Nga.

Trong nhiều năm qua, Moskva đã phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng và tăng cường quân sự gần biên giới Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng Moskva sẽ không tấn công NATO. Điện Kremlin cho biết Nga không đe dọa bất kỳ ai nhưng sẽ không bỏ qua các hành động gây nguy hiểm cho lợi ích của quốc gia.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-va-duc-can-nhac-hop-tac-che-tao-ten-lua-co-kha-nang-tan-cong-vu-khi-hat-nhan-cua-nga-20240726185019434.htm