'Ảo ảnh hóa thạch' nửa tỉ năm làm lạc lối các nhà khoa học

Giống quả mít nhưng là động vật, bị 'ảo ảnh hóa thạch' hóa trang thành loài khác, sinh vật lạ ở Trung Quốc đã gây nhầm lẫn lớn cho giới khoa học.

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science vừa phơi bày sự thật về Shishania aculeata, một sinh vật hóa thạch nửa tỉ năm tuổi được tìm thấy tại Vân Nam - Trung Quốc.

Shishania aculeata có vẻ ngoài trông như một quả mít thu nhỏ, nhưng lại là động vật. Trước đây người ta cho rằng nó là động vật thân mềm, dựa vào đặc điểm giống như bàn chân khỏe mạnh và gai khoáng hóa chuyên biệt.

Nhưng giờ đây nhóm nghiên cứu từ Đại học Vân Nam, Đại học Sư phạm Ngọc Khê (Trung Quốc) và Đại học Durham (Anh) chỉ ra rằng điều đó không đúng.

Sinh vật lạ 500 triệu tuổi ở Vân Nam - Trung Quốc bị bao trùm bởi "ảo ảnh hóa thạch", khiến các nhà khoa học tưởng lầm nó là một loài khác

Sinh vật lạ 500 triệu tuổi ở Vân Nam - Trung Quốc bị bao trùm bởi "ảo ảnh hóa thạch", khiến các nhà khoa học tưởng lầm nó là một loài khác

Phân tích mới cho thấy động vật cổ đại này rất giống chancelloriids, một nhóm động vật có hình túi, được bao phủ bởi gai phòng thủ, bám chặt vào đáy biển kỷ Cambri.

Nhà cổ sinh vật học Martin Smith từ Đại học Durham, đồng tác giả, giải thích với Sci-News rằng họ đã phát hiện các đặc điểm trước đây được cho là chỉ ra mối quan hệ với động vật thân mềm thực chất lại là những chi tiết gây hiểu lầm.

Ví dụ, các cấu trúc được cho là "chân" là kết quả của sự biến dạng khi hóa thạch, một quá trình được mô tả như "ảo ảnh hóa thạch".

“Những hóa thạch cổ đại này hóa ra lại là bậc thầy ngụy trang. Shishania aculeata dường như thể hiện tất cả những đặc điểm mà chúng ta có thể mong đợi ở tổ tiên động vật thân mềm thời kỳ đầu" - TS Smith nói.

"Ảo ảnh hóa thạch" đã tạo ra những chi tiết "ảo" giống như một tác phẩm origami, khiến các nhà khoa học lạc lối.

Bí ẩn chỉ được hé lộ khi họ phát hiện ra một loài chancelloriids đã biết khác trong cùng một khối đá, cũng bị "ảo ảnh hóa thạch" làm thay đổi.

Việc phân loại lại Shishania aculeata đặc biệt quan trọng vì chancelloriids là một nhóm bí ẩn chỉ được biết đến trong đá kỷ Cambri, biến mất cách đây khoảng 490 triệu năm.

Mặc dù bề ngoài trông giống bọt biển, cơ thể chúng được trang trí bằng các gai hình ngôi sao có cấu trúc vi mô phức tạp gợi ý về mối liên hệ với các loài động vật phức tạp hơn.

Với những chiếc gai cực kỳ đơn giản, Shishania aculeata cho thấy rằng chancelloriids đã phát triển các gai hoa văn của chúng từ đầu, thay vì thích nghi với các cấu trúc xương có từ trước.

Nói các khác, sinh vật này là ví dụ hoàn hảo về cách mà cấu trúc cơ thể động vật địa cầu đã được phức tạp hóa trong thời kỳ bùng nổ sinh học kỷ Cambri, tạo nền tảng cho tất cả các nhóm động vật hiện đại.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ao-anh-hoa-thach-nua-ti-nam-lam-lac-loi-cac-nha-khoa-hoc-19625051109170936.htm