Áo Blouse trắng ở bản
Dù khoản phụ cấp chưa đầy 500.000 đồng mỗi tháng nhưng với lòng nhiệt huyết, trách nhiệm và tận tụy, những cán bộ y tế thôn bản hằng ngày nỗ lực làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại các bản làng vùng cao.
“Cũng do mình yêu thích thôi, ngày trước kia không có phụ cấp gì đâu nhưng mình muốn phục vụ cho người dân thì làm được thôi. Thực sự là mình yêu nghề, cũng được bà con tin tưởng, ủng hộ...”. Chị Triệu Thị Tư, cán bộ y tế bản Cuôn 2 (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã bộc bạch như thế khi được hỏi về công việc và chế độ đãi ngộ đối với lực lượng y tế thôn bản.
Hơn 20 năm làm việc, chị Tư đã trở thành "chỗ dựa" tin cậy cho gần 80 hộ dân ở bản người Dao này. Trạm Y tế xã ở xa nên nhà ai có người đau ốm, việc chăm sóc phụ nữ mang thai hay có con nhỏ... đều được "nữ cán bộ y tế của bản" hướng dẫn tỉ mỉ, bất kể lúc nửa đêm hay khi sáng sớm.
Chị Triệu Thị Chung, người dân Bản Cuôn 2 chia sẻ: “Trước đây, các kiến thức về chăm sóc khi thai nghén tôi không biết, thậm chí, còn không nắm được mình phải đi khám thai như nào, ăn uống ra sao cho đủ chất, từ khi mang thai, tôi đã được chị Tư làm y tế thôn bản tận tình hướng dẫn chế độ chăm sóc thai cũng như tham gia tiêm phòng đầy đủ. Ở đây, dân bản chúng tôi rất yên tâm bởi sự nhiệt tình của chị, hễ nghe nhà nào có người ốm là chị đến tận nhà thăm hỏi động viên, có khi chị còn bỏ tiền mua thuốc điều trị cho chúng tôi...”.
Do đặc thù miền núi, có bản cách trung tâm xã đến vài chục cây số đường rừng nên nhân viên y tế thôn có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe người dân. Y tế thôn bản cũng là lực lượng tiên phong trong tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh dịch bệnh. Anh Hoàng Văn Quỷ, nhân viên y tế ở bản Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Việc vượt vài cây số đường rừng lúc nửa đêm để đến nhà người ốm thăm khám đã trở nên quen thuộc với những cán bộ y tế thôn bản.
“Tôi làm y tế bản từ 2001 rồi, lúc đầu làm thấy khó lắm, những giờ làm nhiều cũng học hỏi được nhiều nên quen, cảm thấy dễ hơn. Ở đây khi ban đầu có người báo ốm, đau tôi sẽ đến thăm khám, sơ cứu, đánh giá nếu thấy nặng sẽ tư vấn để người nhà đưa lên tuyến trên điều trị cho kịp thời”, chị Triệu Thị Chung chia sẻ.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 1.100 nhân viên y tế thôn, bản đang hưởng mức phụ 447.000 đồng/người/tháng. Khoản phụ cấp này thực sự rất ít ỏi, thậm chí không đủ mua xăng và sửa xe máy do nhiều bản ở xa, nhân viên y tế phải vượt qua quãng đường dài với đèo dốc, ngầm suối... để tới được các gia đình có người bệnh.
Chị Hoàng Thị Biên, cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác y tế cơ sở ở Bản Nhài (xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn) nói: “Từ bé tôi đã yêu thích nghề y rồi, vì bố tôi là người làm thuốc nam. Đến khi có lớp y tá nữ hộ sinh tôi đăng ký theo học, khi ấy không có lương gì đâu nhưng tôi vẫn phục vụ trong bản. Năm 2000 tôi lại được bà con cử đi học lớp y tế thôn bản. Giờ thì phụ cấp cũng ít ỏi nhưng tôi vẫn cố gắng phục vụ bà con, chỉ mong bà con khỏe mạnh, có cuộc sống ổn định”.
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, lực lượng y tế thôn bản đã tham gia tích cực trong các tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng. Họ là những người "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch, chủ động khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan khi có ca bệnh. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Bắc Kạn là tỉnh cuối cùng trong cả nước xuất hiện các ca lây nhiễm tại cộng đồng.
Ông Triệu Đình Tiệp, Trạm trưởng Y tế xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ y tế thôn bản mà ở Ngọc Phái 100% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng, 100% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, tất cả các bà mẹ mang thai được tư vấn chăm sóc sức khỏe đầy đủ, công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo.
“Trong thời gian qua, đội ngũ y tế thôn bản đã đóng góp rất quan trọng cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Dù còn gặp nhiều khó khăn, phụ cấp hạn chế những với tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc thì đội ngũ y tế bản vẫn cống hiến sức mình cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là ở thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua đó cũng giúp Trạm Y tế nắm bắt được thông tin sức khỏe người dân, qua đó có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng”, ông Triệu Đình Tiệp cho hay.
Do điều kiện tự nhiên, địa lý, dân cư, xã hội, mạng lưới nhân viên y tế thôn bản có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế. Đội ngũ y tế thôn bản đã thực hiện đúng 9 chức năng, nhiệm vụ của mình với sự tận tâm và trách nhiệm; giúp cho việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như phòng chống dịch bệnh; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; hạn chế nạn tảo hôn, hôn nhân đồng huyết;… góp phần quan trọng đảm bảo tiêu chí Y tế trong xây dựng Nông thôn mới tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội.../.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ao-blouse-trang-o-ban-post1004059.vov