Áo dài phụ nữ Việt Nam hiên ngang trong 'khói lửa' chiến tranh

Tà áo dài vốn nhẹ nhàng trong đời thường, thời bình, nhưng lại mang một khí thế khác của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến: Hiên ngang, bản lĩnh, sục sôi ý chí đấu tranh bảo vệ đất nước.

 Không gian treo ảnh tư liệu triển lãm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Không gian treo ảnh tư liệu triển lãm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhằm hưởng ứng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Bảo tàng Hà Nội phối hợp Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và một số đơn vị khác tổ chức triển lãm tư liệu có tên “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh.”

Triển lãm kéo dài từ 12/4 đến 4/5, mang đến một lượng lớn tư liệu về hoạt động phản đối chính quyền Sài Gòn của học sinh-sinh viên và các chị, các mẹ miền Nam, gắn liền với hình ảnh áo dài. Trang phục vốn nhẹ nhàng, nữ tính, bỗng trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh lạ thường thông qua ý chí đấu tranh bảo vệ đất nước, giành lại hòa bình.

Giai đoạn từ 1954-1975, các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên tại miền Nam diễn ra mạnh mẽ và liên tục bị chính quyền đàn áp. Trong số này có cuộc biểu tình tháng 11 năm 1964, gây chú ý ở cái chết của học sinh Lê Văn Ngọc. Đám tang Lê Văn Ngọc sau đó đã kéo theo hàng ngàn người tham gia, đông đảo trong đó là các học sinh, sinh viên.

Những học sinh, sinh viên tiêu biểu khi ấy có các bà Hứa Kim Anh, Nguyễn Thị Cúc, Lê Thị Sáu, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Phi Vân… vẫn mặc áo dài làm nhiệm vụ. Bà Hứa Kim Anh khi đó đã phụ trách mua quan tài và bảo vệ quan tài Lê Văn Ngọc. Bà Nguyễn Thị Cúc, một học sinh trong trường Gia Long khi đó, đã buộc áo vạt để trèo tường thoát ra ngoài, tham gia và góp sức cho đám tang…

 Hai trong số những gương mặt nữ học sinh, sinh viên tiêu biểu phản đối chính quyền Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Hai trong số những gương mặt nữ học sinh, sinh viên tiêu biểu phản đối chính quyền Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Đó cũng là những câu chuyện về nữ luật sư Ngô Bá Thành và phong trào "Phụ nữ đòi quyền sống" năm 1970. Phong trào này kêu gọi phụ nữ lên tiếng yêu cầu cải thiện chế độ lao tù và quyền sống cho gia đình, bản thân.

Trong phần lớn thời gian hoạt động, luật sư Ngô Bá Thành thường xuyên mặc áo dài. Bà có tài diễn thuyết, thường diện áo dài đi vận động các tầng lớp công-nông dân đến tiểu thương, trí thức tham gia phản đối cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Hay đó còn là tà áo dài của các nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Định trong nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao bấy giờ.

Triển lãm mang đến những hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình mặc áo dài đến thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức (1967), trên bàn đàm phán ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973) hay khi chụp cùng bà Nguyễn Thị Định, luật sư Ngô Bá Thành tại kỳ họp Quốc hội khóa VI (1976) tại Việt Nam…

“Hãy trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam bởi ‘Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó,’” - đại diện Bảo tàng Hà Nội chia sẻ. “Áo dài ngày hôm nay đã, đang và sẽ mãi mãi là một trong những biểu tượng đẹp trong giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện sức sống mãnh liệt, bản lĩnh và tinh thần của dân tộc Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.”

Bên cạnh những câu chuyện và hình ảnh tư liệu, triển lãm còn mang đến một số hiện vật gắn liền với tấm gương những người phụ nữ anh hùng như liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Quý, những lá đơn tình nguyện ra chiến trường, những lá thư thời chiến hay những kỷ vật nhuốm màu ký ức thời gian…

Một số hình ảnh tại triển lãm:

 (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

(Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

 Một số hình ảnh tư liệu về các phong trào đấu tranh của "lực lượng áo dài." (Ảnh tư liệu)

Một số hình ảnh tư liệu về các phong trào đấu tranh của "lực lượng áo dài." (Ảnh tư liệu)

 Khăn mùi xoa bằng vải phin, thêu chữ "anh dũng" của một phụ nữ Huế gửi tặng Hội Phụ nữ Hà Nội năm 1967. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Khăn mùi xoa bằng vải phin, thêu chữ "anh dũng" của một phụ nữ Huế gửi tặng Hội Phụ nữ Hà Nội năm 1967. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ao-dai-phu-nu-viet-nam-hien-ngang-trong-khoi-lua-chien-tranh-post1027319.vnp