Áo dài thời chiến: Khi vẻ đẹp đi cùng lòng yêu nước
Tại triển lãm chuyên đề 'Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh', người xem có thể trải nghiệm hành trình chiếc áo dài đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam. Trong bối cảnh chiến tranh, chiếc áo dài vượt ra khỏi khuôn khổ của một bộ trang phục, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và sức mạnh tinh thần của những người phụ nữ nước Việt.

Hơn 100 hình ảnh, tư liệu hiện vật được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: THU TRANG)
Tà áo dài từ lâu đã được nhìn nhận là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Gắn liền với vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo và nữ tính, trang phục này cũng đồng thời là minh chứng sống động cho những chuyển biến của xã hội Việt Nam qua các thời kỳ.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm chuyên đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”.
Triển lãm chính thức khai mạc vào sáng 12/4 tại Bảo tàng Hà Nội, với hơn 100 hình ảnh, tư liệu và hiện vật gắn liền với những giai đoạn kháng chiến được trưng bày, qua đó phản ánh vai trò và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh với những chiếc áo dài.
Mục tiêu triển lãm không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh giá trị văn hóa của áo dài, mà còn mở rộng góc nhìn về vai trò của phụ nữ trong các phong trào đấu tranh cách mạng. Qua những bức ảnh, lá thư, hiện vật cá nhân hay kỷ vật chiến tranh, công chúng có thể thấy rõ hành trình mà áo dài đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam.

Người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài qua các thời kỳ lịch sử.
Không gian triển lãm được chia thành các nhóm chủ đề tương ứng với từng giai đoạn lịch sử. Mỗi khu vực trưng bày làm rõ một lát cắt về hoạt động của những người phụ nữ trong chiến tranh, từ những phong trào biểu tình trên đường phố cho đến các hoạt động công tác xã hội.
Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật tiêu biểu gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ anh hùng trong thời kỳ chiến tranh, như hiện vật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Quý… cùng các lá đơn tình nguyện, thư tay từ chiến trường và những kỷ vật mang đậm dấu ấn cá nhân và lịch sử của những liệt sĩ. Tất cả đều góp phần khắc họa sâu sắc vai trò và tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh.

Những hình ảnh, tài liệu về tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam thời chiến được trưng bày tại triển lãm.
Bên cạnh các hiện vật và hình ảnh tư liệu, triển lãm cũng kể lại những câu chuyện đầy xúc động về các tấm gương phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Trong đó, có câu chuyện về bà Nguyễn Thị Phi Vân. Bà đã tham gia phong trào thanh niên, học sinh-sinh viên khu Sài Gòn-Gia Định từ năm 1960 với nhiệm vụ đi rải truyền đơn để xây dựng cơ sở cho thanh niên tham gia cách mạng. Trang phục mà bà thường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ là những tà áo dài Việt Nam.
Nói về triển lãm, ông Đặng Văn Biểu, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết, thông qua những hình ảnh, hiện vật được giới thiệu, ban tổ chức mong muốn thế hệ trẻ có cơ hội tri ân, hồi tưởng và hiểu rõ hơn về những hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.
Ông Biểu nhấn mạnh: “Triển lãm là một hành trình để chúng ta nhìn lại những hình ảnh xúc động về tà áo dài, biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam qua những năm tháng gian lao. Đây không chỉ là không gian nghệ thuật mà còn là nơi để thế hệ trẻ hôm nay tri ân, hồi tưởng, ghi nhớ và tự hào về sự hy sinh cao cả của những người phụ nữ anh hùng dân tộc”.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, trong đó có nhiều khách mời là những nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa… cùng nhiều bạn trẻ.
Chia sẻ về triển lãm, Tiến sĩ, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển cho biết: “Hình ảnh chiếc áo dài qua năm tháng, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, có ý nghĩa rất lớn và giữ được hồn cốt dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để giới trẻ tự hào về ông cha ta, những người đã trải qua bao năm tháng để gìn giữ đất nước được độc lập và hòa bình như hôm nay”.

Tiến sĩ, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển cho rằng triển lãm không chỉ gợi nhắc ký ức lịch sử mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp người trẻ thấu hiểu và tự hào hơn về truyền thống dân tộc.
Bạn Bùi Thị Thu Hương, 20 tuổi, là sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Em biết đến triển lãm qua trang thông tin của Bảo tàng Hà Nội. Qua triển lãm này, em được biết thêm rất nhiều thông tin về áo dài qua các giai đoạn lịch sử cũng như quá trình đấu tranh của những người phụ nữ Việt Nam. Những điều này khiến em cảm thấy rất tự hào và biết ơn với công lao của các thế hệ đi trước và em mong sẽ có nhiều sự kiện tương tự được tổ chức hơn”.
Triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” không chỉ là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài mà còn là hành trình ngược dòng lịch sử, giúp công chúng - đặc biệt là thế hệ trẻ - hiểu hơn về vai trò, đóng góp và tinh thần kiên cường của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.
Sự kiện mở cửa từ ngày 12/4 đến hết ngày 4/5 tại Bảo tàng Hà Nội.