Áo dài truyền thống: Bao giờ trở thành 'quốc phục'?

Áo dài đã trở thành biểu tượng về bản sắc văn hóa của người Việt, là thói quen trong sử dụng trang phục của cả nam giới lẫn nữ giới người Việt, là niềm tự hào mỗi khi bạn bè quốc tế nhắc đến Việt Nam. Nhưng đến nay, vì nhiều lý do mà áo dài vẫn chưa thể trở thành Quốc phục và Việt Nam vẫn chưa chọn được Quốc phục nào vừa ý.

Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, không rõ cấp nào, ai có thẩm quyền công nhận, phê duyệt chính thức văn bản hành chính về biểu tượng văn hóa của dân tộc, trong đó có quốc phục, quốc hoa Việt Nam.

Mặc dù không được chính thức xem là quốc phục của dân tộc nhưng áo dài được phụ nữ Việt thường xuyên sử dụng, mặc vào những dịp lễ, hội, sự kiện quan trọng. Dường như trong tâm thức của nhiều người, áo dài đã thực hiện chức năng như quốc phục Việt Nam cho phái nữ.

Mới đây, Tri thức dân gian - Tri thức may, mặc áo dài Huế - thành phố Huế đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Còn tại Hà Nội, cũng thường xuyên tổ chức những lễ hội áo dài rất hoành tráng, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài và người phụ nữ Hà Nội.

Nếu hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là dấu hiệu quan trọng để phân biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thì áo dài cũng là một biểu tượng văn hóa rõ ràng và cụ thể nhất về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Với quan điểm "nên có quốc phục cho Việt Nam và áo dài từ lâu đã là một biểu tượng về văn hóa", nhiều nhà thiết kế thời trang từ lâu đã luôn dành tâm huyết cho các bộ sưu tập của mình gắn với hình ảnh hoa văn họa tiết đậm chất dân gian, truyền thống.

Lê Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ao-dai-truyen-thong-bao-gio-tro-thanh-quoc-phuc-273805.htm