Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương 'gần như thành phế tích'
Trải qua hơn 10 thế kỷ, Phật viện Đồng Dương chỉ còn sót lại một tháp mà người dân hay gọi là Tháp Sáng, không còn nguyên vẹn.
Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phật viện Đồng Dương còn có tên gọi khác là Khu phế tích Chăm – Đồng Dương.
Theo nghiên cứu, năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhayada.
Trải qua hơn 10 thế kỷ, Phật viện Đồng Dương nay chỉ còn một tháp. Tuy nhiên, hình hài tháp này đã không còn nguyên vẹn, với nhiều kết cấu bị hư hỏng, thời gian tàn phá nghiêm trọng.
Theo các nhà nghiên cứu, Phật viện Đồng Dương tồn tại gần 600 năm (từ năm 875 đến sau năm 1301). Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương.
Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Champa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura, theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Sau hàng ngàn năm, khu di tích kiến trúc Phật giáo Champa này đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh.
Hiện nay, trong khu di tích chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số dạng trang trí kiến trúc.
Năm 2001, Phật Viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương.
Theo ghi nhận, hiện nay Tháp Sáng đã xuống cấp nghiêm trọng, được bảo vệ bởi một bộ khung sắt kiên cố. Xung quanh tháp cây cỏ mọc um tùm, không một bóng người canh gác, khó hình dung rằng đây là di tích quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, thừa nhận Phật viện Đồng Dương mặc dù là di tích cấp quốc gia đặc biệt nhưng nó gần như là phế tích, hiện chỉ còn mỗi Tháp Sáng cũng xuống cấp.
Toàn bộ thông tin về giá trị của di tích chủ yếu căn cứ vào các tư liệu nghiên cứu của Viện Viễn đông bác cổ, các chuyên gia người Pháp để lại và qua nhiều Hội thảo khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu....
Theo ông, việc trùng tu di tích này rất khó và cần có thời gian và trình tự. Cụ thể, cần phải có một dự án quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, muốn có dự án lớn phải đi với các dự án thành phần.
Thứ nhất, di dời hơn 120 ngôi mộ đang nằm trong vũng lõi; bồi thường đất sản xuất lâu đời của người dân cũng nằm trong vùng lõi, để khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận.
Thứ hai, thực hiện dự án khảo cổ, khai quật, thám sát để có chính xác phần móng dưới lòng đất. Sau đó mới lập quy hoạch tổng thể, tỉnh đã tính hết nhưng chưa đủ nguồn lực.
“Hiện nay, tỉnh đã có kinh phí và đang trình xin Bộ VH-TT&DL thẩm định hồ sơ để trùng tu cấp thiết Tháp Sáng để chống sụp đổ. Dự kiến 2025 sẽ bố trí nguồn thực hiện di dời mộ và bồi thường đất sản xuất cho người dân; sau đó tiếp tục bố trí nguồn thực hiện khảo cổ, thám sát và khai quật, đủ cứ liệu sẽ lập dự án quy hoạch bảo tồn, phụng dựng. Dự kiến kế hoạch này sẽ tốn rất nhiều kinh phí" - ông Hồng nói.