Tập đoàn Rostec ngày 29-01 thông báo đang phụ trách chương trình phát triển giáp bảo vệ thế hệ 4 Sotnik nhằm thay cho trang phục thế hệ ba Ratnik.
Trang phục chiến đấu Sotnik của Nga bao gồm "thiết bị bảo vệ cá nhân và đạn dược, cung cấp khả năng bảo vệ hạng nhẹ và tăng khả năng mang trang bị của quân nhân lên nhiều lần".
"Trang bị thế hệ mới sẽ bao gồm loạt công nghệ mới, bao gồm các thành tựu gần đây nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga như thiết bị robot và các hệ thống trao đổi thông tin tích hợp", giám đốc Rostec Bekkhan Ozdoev cho biết. "Chúng tôi đã bắt đầu giai đoạn phát triển đầu tiên là định nghĩa về các yêu cầu kỹ thuật và chiến thuật".
Ông Ozdoev trước đó cho biết giáp chống đạn thế hệ 4 trong trang phục Sotnik được làm từ sợi polyethylene trọng lượng nhẹ và tấm giáp có thể "chịu được phát bắn trực tiếp" từ đại liên M2 12,7 mm.
"Trang bị không cản trở chuyển động và cho phép người sử dụng mang thêm vật dụng cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt", ông Ozdoev cho biết.
Trang phục chiến đấu có khả năng chống đạn đại liên 12,7 mm là "điều gì đó mang tính khoa học viễn tưởng", song quân đội Nga "hoàn toàn nghiêm túc về điều này", chuyên gia quân sự Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ cho biết.
Bộ trang bị thế hệ ba Ratnik đã được phát triển trong hơn một thập kỷ và tham gia thực chiến trong ít nhất 5 năm qua.
Ratnik có 10 hệ thống nhỏ và 59 thành phần riêng lẻ, gồm giáp chống đạn 7,62 mm hoặc tương đương, mũ bảo hiểm với màn hình cận mặt đặc biệt, kính nhìn đêm cùng đèn pin gắn mũ, hệ thống liên lạc tích hợp.
Ratnik còn gồm "hệ thống sưởi độc lập, ba lô, bộ lọc nước cá nhân, mặt nạ phòng độc và đồ sơ cứu", Army Technology cho biết.
Tập đoàn Rostec đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng Nga hơn 300.000 bộ trang bị Ratnik với các phiên bản khác nhau trong 8 năm qua. Hãng này chưa cho biết phải mất bao lâu để phát triển Sotnik, song thừa nhận "còn nhiều thứ để phát triển" sau khi quân đội Nga thử nghiệm thực chiến hai thế hệ trang bị Ratnik.
Chuyên gia Bendett nhận định tính khả thi của Sotnik liên quan trực tiếp tới thành công của Ratnik. "Hệ thống trao đổi thông tin tích hợp không phải là mới và có thể được phát triển dựa trên các hệ thống chiến thuật đang có trong biên chế", Bendett cho biết.
Rostec hồi tháng 9-2020 giới thiệu khung xương chuyên dụng cho trang phục Ratnik có thể hỗ trợ quân nhân mang 80 kg đồ, cùng khung xương chiến đấu có thể mang 60 kg trang thiết bị phục vụ cho các chiến dịch tiến công.
Tuy Nga đã có bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ hiện đại trang bị cho người lính, tuy nhiên họ vẫn bị đánh giá là đi sau Mỹ.
Trong khi trang bi tiêu chuẩn của lính Mỹ đã bao gồm áo chống đạn và các thiết bị hỗ trợ chiến đấu đã được Lầu Năm Góc trang bị đại trà cho binh sĩ của họ trong hơn hai thập kỷ qua thì Nga mới chỉ trang bị đại trà cho binh sĩ của mình trong vài năm trở lại đây. Trước đó chỉ một số lực lượng đặc biệt của Nga mới được trang bị áo giáp chống đạn.
Tại chiến trường Syria lần đầu tiên cho thấy sự lột xác của binh lính Nga so với trước đó. Trang bị của họ mang tính hiện đại, giúp người lính có thể tăng hiệu suất chiến đấu trên chiến trường.
Dù vậy, việc các tập đoàn quốc phòng Nga tuyên bố phát triển áo giáp có thể chống được đạn 12,7mm vẫn đặt ra dấu hỏi lớn về tính khả thi ít là trong thời điểm công nghệ hiện tại.
Sức sát thương của đạn 12,7mm lớn hơn nhiều lần so với đạn 7,62mm, thậm chí loại đạn dành cho súng đại niên này còn có thể khoan thủng xe bọc thép hạng nhẹ đối phương.
Hiện nay các trang phục chống đạn hiện đại nhất cũng mới chỉ chống được đạn 5,56mm và 7,61mm. Động năng của đạn 12,7mm có thể xé toạc người binh sĩ, chính vì vậy nếu chống được loại đạn này đòi hỏi giáp phải được chế tác bằng công nghệ vật liệu đặc biệt. Liệu Nga có dễ dàng vượt qua được nút thắt công nghệ vật liệu này trong bối cảnh nền kinh tế của họ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc?
Việt Hùng