'Áo mới' cho điểm đến văn hóa
Xóa bỏ cách vận hành khô cứng, xưa cũ, các điểm đến văn hóa (nhà hát, bảo tàng, di tích, lễ hội…) thời gian qua đang tự làm mới mình bằng cách tạo nên những không gian nghệ thuật đa sắc.
Không còn xưa cũ
Chỉ vài năm trước đây, nhắc đến bảo tàng, di tích…, nhiều người sẽ mặc định đây là những điểm phục vụ công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, nhu cầu giải trí của công chúng ngày càng cao đang đánh động cho các điểm đến cần phải thay đổi, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Thời gian qua, từ những điểm đến được cho là khá trầm lắng, hầu như chỉ phục vụ khách quốc tế, nhiều bảo tàng đã có thay đổi bằng việc xây dựng các trải nghiệm dành cho công chúng. Có thể kể đến việc bắt tay với các công ty lữ hành của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khi cho ra mắt chương trình “Bác Cổ - mùa hoa gạo”, “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, “Thanh âm Đồng Cổ”, “Thăng Long - Kẻ chợ”…; Bảo tàng Văn học Việt Nam với tour “Chữ Tâm chữ Tài”; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chuỗi sự kiện “Khi âm nhạc hòa quyện với mỹ thuật” phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với chuỗi các hoạt động tăng cường tính tương tác dành cho công chúng như “Khám phá Singapore - Sắc màu di sản”, “Búp bê truyền thống Nhật Bản”…
Không chỉ các bảo tàng, một số di tích, di sản cũng đã được khoác “áo mới” bằng việc gắn kết điểm đến với các chương trình nghệ thuật, tour trải nghiệm. Đơn cử như “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hỏa Lò; “Ngọc Sơn - đêm huyền bí” tại Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Đền Ngọc Sơn; Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện có hơn 30 hoạt động trải nghiệm, mới đây nhất là chương trình “Tinh hoa Đạo học”; Di sản Hoàng Thành Thăng Long với nhiều năm qua đã rất thành công với “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”. Ngoài ra còn có thể kể đến chương trình như “Về miền Di sản UNESCO ghi danh” tại đền Hùng; “Trăng chiến khu” tại địa đạo Củ Chi…
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam Lê Thị Minh Lý, hiện nay, sự kết hợp của công nghệ với bàn tay và khối óc của chúng ta sẽ trở thành “chiếc đũa thần” biến hóa tài tình để tạo nên muôn vàn câu chuyện hấp dẫn trong các bảo tàng, di tích. Xét cho cùng thì bảo tàng, di tích loại hình gì, to nhỏ thế nào, công nghệ ra sao cũng nhằm mục đích giáo dục, giải trí và làm giàu tri thức. Sự phát triển các chương trình giáo dục, trải nghiệm trong các bảo tàng, di tích phản ánh tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Muốn làm được điều đó thì các điểm đến văn hóa này phải hoạt động thường xuyên, phục vụ xã hội, phải tiếp cận được công chúng.
Tự làm mới mình
Có thể nói, những thay đổi trong thời gian qua tại các điểm văn hóa đang tạo ra một “thực đơn” trải nghiệm phong phú dành cho công chúng. Không những vậy, nhiều di sản, bảo tàng còn dần “thay da đổi thịt” khi sản phẩm văn hóa đang tạo ra những nguồn thu. Tuy nhiên, trên hành trình làm hài lòng công chúng, đặc biệt sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng đang đặt ra vô số những thách thức trong cách tiếp cận. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết các bảo tàng, di tích đều gặp khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, mối lo thường trực là những hạn chế, khó khăn về kinh phí cho hoạt động giáo dục cũng như số hóa, ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản…
Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) Đường Ngọc Hà cho rằng, giáo dục di sản ở nhiều bảo tàng, di tích vẫn đang trong tình trạng… mày mò. Nếu Việt Nam rất tích cực trên trường quốc tế trong lĩnh vực ghi danh, quảng bá di sản, cũng như có những chương trình bảo tồn và phát huy di sản ở cấp độ quốc gia và địa phương thì giáo dục di sản dường như chỉ mới được chú ý đến trong thực hành và nghiên cứu khoảng 10 năm trở lại đây. “Để các bảo tàng, di tích, khu di sản thực sự trở thành địa điểm học tập trải nghiệm thú vị cho thế hệ trẻ, các chương trình giáo dục di sản cần phải được xây dựng bài bản, có phương pháp và theo các phương pháp tiếp cận mới” - bà Hà bày tỏ.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, để thu hút khách, các bảo tàng, di tích phải đáp ứng được xu thế quan trọng của thế giới, đó là phải được trải nghiệm, không chỉ xem mà phải phát huy được tất cả giác quan của con người như sờ, nắm, nghe... câu chuyện đó dù ở bất kỳ thời kỳ nào.
Ông Huy cũng cho rằng, một yếu tố nữa rất quan trọng để tăng tính tương tác đối với bảo tàng, di tích là phải có thông điệp, mỗi trưng bày, hiện vật là một câu chuyện, mỗi câu chuyện lại có một thông điệp, nhiều thông điệp nhỏ tạo thành thông điệp lớn. Và câu chuyện đó vừa là nghệ thuật kể chuyện bằng hiện vật, vừa áp dụng được công nghệ, ngập trong bối cảnh mà công nghệ tạo ra hoặc được tương tác.
“
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, cũng giống như nhiều bảo tàng khác, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng có giai đoạn vắng khách, hay kén khách như cách mà những người trong ngành thường nói. Khoảng 6 - 7 năm trước đây, 90% khách tham quan bảo tàng là người nước ngoài, khách Việt Nam chỉ chiếm 10%. Qua nghiên cứu khách tham quan, lãnh đạo Bảo tàng đánh giá, mức độ nhận diện bên ngoài Bảo tàng không rõ nét, nhiều người không biết đó là bảo tàng mà dễ bị nhầm lẫn là một cơ quan công quyền.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ao-moi-cho-diem-den-van-hoa-10276905.html