'Ao nuôi muỗi' ở dự án triệu đô; rồng rắn xếp hàng làm giấy tờ nhà đất ở Hà Nội
Bất động sản tuần qua nổi bật với thông tin về việc vì sao người dân rồng rắn xếp hàng làm giấy tờ nhà đất ở Hà Nội; Chuyên gia cảnh báo khi chung cư liên tục tăng giá sốc; Hòa Bình đưa ra khuyến cáo ở 19 dự án…
‘Ao nuôi muỗi’ trong dự án 100 triệu USD 'đắp chiếu' bên sông
Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Hanriverside do CTCP Địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư bỏ hoang bên bờ sông Hàn gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Dự án này sở hữu vị trí đắc địa nằm bên bờ sông Hàn gồm 2 block cao ốc, 3 tầng hầm và 27 tầng lầu, vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Dự án có một khối nhà xây dang dở, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy được khởi động xây dựng trở lại. Xung quanh dự án được rào bằng tôn và bị vẽ bậy, nhếch nhác, bên trong dự án là hồ nước lớn trở thành "ao nuôi muỗi". (Xem chi tiết)
Chung cư tăng giá sốc, chuyên gia cảnh báo
Nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, mức tăng thấp nhất cũng lên tới 15%, có dự án tăng hơn 30%. Như chung cư tại Khu đô thị Ciputra (quận Hồ Tây) hiện hơn 100 triệu đồng/m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) giá cũng trên 60 triệu đồng/m2, thậm chí hơn 80 triệu đồng/m2.
Theo chuyên gia, chung cư 'một mình một ngựa', đang tăng giá đáng sợ. Nếu không đẩy mạnh nguồn cung mới, như nhà ở xã hội và nhà giá rẻ, nhằm tăng tính cạnh tranh thì thị trường chung cư có nguy cơ vỡ 'bong bóng'.
Vị chuyên gia đặt vấn đề với mức giá như vậy ai là người mua? (Xem chi tiết)
Vì sao người dân rồng rắn xếp hàng làm giấy tờ nhà đất ở Hà Nội?
Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, có rất nhiều người dân đến để làm các thủ tục liên quan đến đất đai đặc biệt là hồ sơ giao dịch bảo đảm đăng ký thế chấp và xóa thế chấp tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái (có chi nhánh tăng hơn 200%).
Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, một phần nguyên nhân là do Nghị định 10 thực hiện việc phân cấp ủy quyền người dân đến làm việc tại chi nhánh văn phòng nơi có đất và phần vì lãi suất giảm nhanh. (Xem chi tiết)
Khuyến cáo không nên vội mua 19 dự án bất động sản ở Hòa Bình
Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản cảnh báo loạt dự án bất động sản chưa đủ điều kiện huy động vốn, giao dịch trên địa bàn, tính đến quý I/2024 trong đó có nhiều dự án của các "ông lớn" bất động sản như Geleximco, Sudico…
Đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đề nghị cung cấp về sở và các cơ quan có liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có dự án rao bán) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật. (Xem chi tiết)
Hoang lạnh trong Khu dịch vụ thương mại hơn 70 tỷ ở Thanh Hóa
Hoàn thành đầu tư xây dựng từ năm 2020, đến nay, dự án Khu dịch vụ thương mại – siêu thị kết hợp chợ hạng III (tại phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) do CTCP Tập đoàn Cường Minh (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa) làm chủ đầu tư vẫn để không.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 73 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành. Nhà chợ chính đang làm bãi tập kết xe ô tô các loại. Xung quanh khu chợ, các dãy nhà dịch vụ thương mại bỏ không, một số ít nhà đã có người sử dụng. Nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. (Xem chi tiết)
Ai chịu trách nhiệm khi loạt chung cư chưa nghiệm thu đã cho dân vào ở?
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cho rằng, trách nhiệm trong vụ việc 4 dự án chung cư, nhà ở xã hội chưa hoàn hoàn thành kết quả nghiệm thu công trình nhưng đã cho dân vào ở, là thuộc về chủ đầu tư và chính quyền địa phương thành phố Vinh.
4 chung cư có người dân vào ở mà VietNamNet phản ánh gồm chung cư Trường Thành; chung cư Mường Thanh Cửa Đông; chung cư Bảo Sơn và chung cư Thành Vinh. (Xem chi tiết)