Ðào tạo nghề lao động nông thôn vùng biên giới

ĐBP - Những năm qua, nhờ thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lực lượng lao động khu vực nông thôn, trình độ canh tác, kỹ thuật chăn nuôi của người dân ở huyện Nậm Pồ ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng; đời sống người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo năm sau giảm hơn năm trước.

Giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ hướng dẫn học viên lớp kỹ thuật xây dựng thực hành.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Nậm Pồ, thông qua các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo nghề nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như gia đình anh Hờ A Lừ, bản Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa. Anh Lừ tâm sự: Những năm trước, gia đình tôi nuôi bò, dê nhưng không làm chuồng trại kiên cố chủ yếu là thả rông. Từ năm 2016, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia súc tôi có thêm kiến thức chăn nuôi. Ðồng thời, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình tôi đầu tư 30 triệu đồng xây chuồng nuôi nhốt bò, dê; trồng cỏ voi, tích trữ rơm khô đảm bảo thức ăn cho gia súc vào mùa rét. Hàng năm, tôi thực hiện việc tiêm phòng dịch định kỳ, đầy đủ nên đàn gia súc phát triển tốt. Hiện nay, đàn gia súc của gia đình có 4 con bò, 5 con trâu, trên 50 con dê. Trừ chi phí gia đình thu về hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Lò Văn Minh, bản Nà Sự 2, xã Chà Nưa là một trong những học viên của lớp kỹ thuật xây dựng năm 2018 cho biết: Sau khi được đào tạo qua lớp sơ cấp về kỹ thuật xây dựng, tôi xin đi phụ hồ cho các tổ xây dựng trên địa bàn để nâng cao tay nghề, kinh nghiệm. Giờ tôi trở thành thợ chính, ngoài cơm nuôi tôi được trả 250 nghìn đồng/ngày. Hàng năm, xong công việc đồng áng, tôi theo các tổ thợ đi xây từ 4 - 5 tháng, có thêm thu nhập cho gia đình khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Thống kê của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tổ chức hơn 30 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu hút trên 1.000 học viên tham gia, chủ yếu là các lớp về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, dê, gia cầm; kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm; kỹ thuật xây dựng... Các ngành nghề đào tạo được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng xã. Hình thức và nội dung đào tạo dễ nhớ, dễ hiểu, theo hình thức “cầm tay chỉ việc” phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động. Nhờ vậy, từng bước thay đổi phương thức sản xuất trong nhân dân. Người lao động sau khi học xong các khóa học nghề phần nào phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Qua đánh giá, kiểm tra học viên sau học nghề áp dụng kiến thức đã học vào thực tế với nghề kỹ thuật chăn nuôi theo hộ gia đình đạt 100%. Ðối với lớp kỹ thuật trồng, bảo quản sơ chế nấm, học viên sau khi học xong áp dụng kiến thức vào sản xuất chưa cao do khó khăn về nguồn giống, người dân chưa có thói quen tích rơm rạ để sản xuất quanh năm, chủ yếu làm sau vụ thu hoạch lúa (đạt 30%)...

Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: Ðiều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học; do đặc thù vùng miền nên chỉ đào tạo các lớp về nông nghiệp (kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm...); nhu cầu đào tạo các lớp phi nông nghiệp không nhiều, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng. Vì vậy, ngoài việc đào tạo phục vụ tại chỗ, Trung tâm kết nối với các đơn vị tuyển dụng, công ty có nhu cầu sử dụng lao động để tư vấn hỗ trợ cho những lao động có nhu cầu đi lao động ngoại tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam mở 8 hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu nghề nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 60 người đang làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/179513/%C3%B0ao-tao-nghe-lao-dong-nong-thon-vung-bien-gioi