Áp chuẩn cho dầu nhờn: Tăng cường hậu kiểm, mạnh tay với hàng kém chất lượng (Bài 2)

QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN do Bộ KH&CN ban hành được xem là biện pháp tăng cường quản lý chất lượng dầu nhờn

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trước khi có QCVN 14:2018/BKHCN, việc sản xuất kinh doanh, nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong thực hiện đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 1. Theo đó, các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng và thực hiện theo công bố tiêu chuẩn chất lượng của mình.

Kể từ ngày 15/9/2019, sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 14:2018/BKHCN và sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.

Dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN từ 15/9/2020

Dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN từ 15/9/2020

Cụ thể, dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế trong nước phải thực hiện công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này và phải được gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; Dầu nhờn động cơ nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo phương thức hậu kiểm quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ - CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.

“Sau hơn 2 năm quy chuẩn được ban hành, việc quản lý chất lượng bằng quy chuẩn đã giúp nâng cao chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp cho thị trường về dầu nhờn động cơ hoạt động và vận hành theo đúng các quy định và tăng hiệu suất của động cơ cũng như góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng từ các công đoạn đầu vào trong quá trình sản xuất, nhập khẩu cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, có quy chuẩn đã nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng cho hay, thời gian vừa qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành hậu kiểm chất lượng và việc chấp hành quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với dầu nhờn nhập khẩu.

Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2b Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP - được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP theo phương thức hậu kiểm: Doanh nghiệp đăng ký kiểm tra chất lượng, được Hải quan cho thông quan, và nộp kết quả đánh giá chất lượng lô hàng sau 15 ngày kêt từ ngày thông quan.

Việc triển khai theo phương thức hậu kiểm nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng dầu nhờn nhập khẩu vi phạm về chất lượng và nhãn hàng hóa theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các doanh nghiệp có lô hàng dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tính theo giá trị lô hàng được quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm hàng trăm triệu đồng, gấp 2-5 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Quản lý chất lượng dầu nhờn được thực hiện bằng công tác hậu kiểm

Quản lý chất lượng dầu nhờn được thực hiện bằng công tác hậu kiểm

Theo nhận định của ông Trần Quốc Tuấn, tình trạng dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu không phù hợp QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN có chiều hướng gia tăng. Mặc dù đã được phát hiện và xử lý nhưng nguy cơ dầu nhờn kém chất lượng lọt ra thị trường vẫn cao, do đó cơ quan chức năng đồng thời có nhiều biện pháp để tăng cường quản lý mặt hàng này.

“Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có những yêu cầu đối với nhà sản xuất sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong tại nước ngoài cần tuân thủ theo QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN nếu muốn xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu phải có biện pháp kiểm soát chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong của nhà sản xuất nước ngoài theo quy chuẩn trước khi nhập khẩu”, ông Tuấn cho biết.

“Thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm đối với dầu nhờn động cơ đốt trong, đặc biệt là đối với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó cũng tăng cường công tác đào tạo, tập huấn hướng dẫn việc áp dụng QCVN 14:2018/BKHCN, thông tin tuyên truyền tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước chấp hành thực hiện áp dụng quy chuẩn góp phần thống nhất quản lý chất lượng cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, pha chế dầu nhờn động cơ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín và nghiêm túc; giúp cho thị trường về dầu nhờn động cơ hoạt động và vận hành theo đúng quy định và quy luật, tăng hiệu suất của động cơ cũng như góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe, an toàn”, ông Tuấn thông tin thêm.

vietq.vn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ap-chuan-cho-dau-nhon-tang-cuong-hau-kiem-manh-tay-voi-hang-kem-chat-luong-bai-2-145215.html