Áp dụng blockchain để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh

Theo kỳ vọng của ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khi sâm Ngọc Linh lên sàn thương mại điện tử, loại dược liệu quý hiếm này sẽ hội nhập môi trường số, giúp tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời việc áp dụng công nghệ cũng giúp bảo vệ uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh được biết đến là loại dược liệu quý có chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe. Sâm Ngọc Linh đã được ví như là “Quốc bảo” của Việt Nam. Vì vậy ngày 1/9/2015, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030.

Sau khi đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm.

Đến nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được xác định 16.000ha. Diện tích thực tế trồng gần 10.000ha với gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.

Cũng vì giá trị của loại dược liệu này lớn, Quảng Nam cũng đang đối diện với tình trạng sâm Ngọc Linh giả bán tràn lan trên mạng. Giá của loại sâm này thấp hơn giá sâm thật đã làm ảnh hưởng đến tâm lý người trồng và người người mua.

Bà Phan Thị Á Kim, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương đã ban hành một quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam. Quyết định này cũng nêu rõ vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh là thuộc 7 xã của huyện Nam Trà My, gồm: Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng và Trà Tập.

Tính đến nay, Sở đã trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh cho 7 cơ sở có hoạt sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh. Các cơ sở được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, có quyền sử dụng hình ảnh, logo mang chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh trong quá trình thương mại hóa sản phẩm của mình. Đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng các loại sâm khác lấy tên gọi của sâm Ngọc Linh để kinh doanh trên thị trường.

Áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, chất lượng sâm Ngọc Linh

Bà Phan Thị Á Kim cũng cho biết thêm, Sở Khoa học và Công nghệ cũng được UBND tỉnh giao xây dựng đề án phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sâm Ngọc Linh, phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Đây là cơ sở để xác nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.

Đồng thời, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đề tài xây dựng cơ sở dữ liệu vùng sâm và ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng, quảng bá và thương mại hóa chuỗi sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

Mục tiêu chung của đề tài là dựa vào nền tảng công nghệ 4.0, Blockchain, IoT (Internet of thing), Chip định danh chống giả mạo... tạo ra giải pháp ghi nhận cơ sở dữ liệu sâm trồng (vùng sâm) và ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng. Bên cạnh đó, việc này còn quảng bá và thương mại hóa chuỗi sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

“Đề tài dự kiến nghiệm thu vào tháng 12/2024. Kết quả đề tài sẽ góp phần quản lý, truy xuất nguồn gốc cây sâm Ngọc Linh, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm; giải quyết được hiện tượng lẫn lộn sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác trên thị trường”, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kỳ vọng.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Á Kim cũng cho rằng, hiện nay, việc trao quyền chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh đang gặp khó khăn. Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn cho 7 hồ sơ đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Sau khi kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ của cây sâm. “Do còn vướng một số thủ tục, việc này đến nay chưa tổ chức xác nhận được nguồn gốc xuất xứ, do đó không có cơ sở để xem xét cấp giấy nhận chứng nhận trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ đối với 7 đơn vị trên”, bà Phan Thị Á Kim chia sẻ.

Bà Phan Thị Á Kim cho biết đây là vấn đề đang được Sở rất quan tâm và đang tích cực trao đổi với các bên liên quan để tìm giải pháp tốt nhất nhằm bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, chống tình trạng sử dụng các loại sâm khác lấy tên gọi của sâm Ngọc Linh để kinh doanh trên thị trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu, chất lượng, uy tín của sâm Ngọc Linh.

Đưa sâm Ngọc Linh lên sàn thương mại điện tử

Mới đây, UBND huyện Nam Trà My đã khai trương sàn thương mại điện tử Phiên chợ Sâm để bán Sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản huyện Nam Trà My (sàn thương mại). Việc này cũng đang được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không gian mạng.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, thời gian qua, việc mua bán sâm và dược liệu được đẩy mạnh thông qua các Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và dược liệu hàng tháng cùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube…

Tuy nhiên, tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không gian mạng đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phần lớn khách hàng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín các sản phẩm đặc hữu địa phương. Chính vì vậy, sàn thương mại điện tử kỳ vọng đưa sâm Ngọc Linh hội nhập môi trường số, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời bảo vệ uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, ông Trần Văn Mẫn cũng nhận định việc ra mắt sàn thương mại điện tử thực sự phù hợp với xu thế hiện nay, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng thị trường, gia tăng lợi nhuận, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Phước Nguyên

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ap-dung-blockchain-de-kiem-soat-truy-xuat-nguon-goc-sam-ngoc-linh-d111137.html