Áp dụng công cụ cải tiến: Giảm chi phí nguyên liệu

Nhờ đổi mới công nghệ, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen… nhiều doanh nghiệp gốm ở tỉnh Bình Dương đã nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí trong sản xuất.

Điển hình phải kể đến như Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Gốm Chấn Thành (thị xã Bến Cát) đã đầu tư công trình lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng, vỏ lò di động thay thế lò nung bằng củi. Với công nghệ mới này đã giúp Gốm Chấn Thành giảm chi phí nguyên liệu đốt gần 40% so với nung bằng củi; chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao hơn. Cũng nhờ công nghệ mới, công ty giảm được chi phí nhân công và thời gian; tăng năng suất và giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng, lỗi. Công nhân không phải canh lò gốm trong suốt thời gian nung như trước.

Công ty Chấn Thành đầu tư lò nung gốm hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng

Còn tại Công ty TNHH Cường Phát, mặc dù công ty đã từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất và thay đổi một số trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, công ty vẫn gặp khó khăn vì một số thiết bị, máy móc sản xuất công nghệ cũ, năng suất thấp, hao hụt cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Với mong muốn tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2017 – 2018, công ty đã tham gia dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương”. Theo đó, công ty đã áp dụng các công cụ năng suất chất lượng 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng), Kaizen (cải tiến liên tục)… tiết kiệm chi phí cho công ty hơn 2,5 tỷ đồng.

Ông Trần Chánh Tín - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH Cường Phát - cho biết, qua thống kê, các chỉ số đều đạt mức độ cải tiến đã đề ra, mang lại hiệu quả rõ rệt so với thời điểm trước cải tiến. Việc tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng trong sản xuất là 4,6% thì năm 2017 sau khi triển khai các giải pháp tỷ lệ sản phẩm lỗi chỉ còn 4,12%, và năm 2019 dưới 4%.

Cũng theo ông Tín, qua việc áp dụng 5S, công ty đã xây dựng được hệ thống quản lý trực quan giúp từng cán bộ quản lý, tổ trưởng, công nhân, nắm bắt kịp thời các yêu cầu cũng như tiến độ thực hiện tại vị trí làm việc của mình, chủ động điều chỉnh hoạt động đúng tiến độ và hiệu quả hơn.

Theo đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, việc áp dụng công nghệ mới trong nung sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua tính toán, nếu áp dụng công nghệ cũ trong sản xuất đồ sứ chén đĩa cần 1.500 người làm việc với năng suất 50.000 - 60.000 sản phẩm/ngày, nhưng khi áp dụng công nghệ đốt một lần lửa thì năng suất tăng lên 100.000 - 120.000 sản phẩm/ngày, cùng với số lượng nhân công như nhau; thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 3 ngày so với 15 ngày như trước đây.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ap-dung-cong-cu-cai-tien-giam-chi-phi-nguyen-lieu-138286.html