Việt Nam trên lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính - Bài 3: Kiểm kê khí nhà kính năng lượng

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7/1/2022, năng lượng là một trong 6 ngành phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nhằm mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Tại sao cần phải kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng?

 Năng lượng là một ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào.

Năng lượng là một ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào.

Để duy trì đời sống, phát triển hoạt động sản xuất, vận tải… đều phải cần tới năng lượng, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp phát triển cần sử dụng nhiều máy móc như hiện nay. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, lượng khí nhà kính trong khí quyển đã được sản sinh ra ngày một nhiều. Trong các loại khí nhà kính, carbon là loại khí phổ biến và có thể mất từ vài trăm tới 1.000 năm để phân hủy tùy theo điều kiện môi trường. Khí nhà kính là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency: IEA), ngành năng lượng đóng góp tới 40% vào lượng phát thải carbon toàn cầu. Trong đó 75% lượng khí thải đó đều đến từ 6 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Thống kế năm 2010 cho thấy, các nhà máy đốt than chỉ chiếm 40% sản lượng năng lượng thế giới nhưng lại là nguyên nhân gây ra hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng. Hiện nay nhiều quốc gia đã có những cải thiện để giảm thiểu nhưng hệ số phát thải carbon toàn cầu để sản xuất năng lượng hầu như không thay đổi trong suốt 20 năm qua.

Tại Việt Nam, tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2013 của ngành năng lượng chiếm tới 51,6%, tương đương 151,4 triệu tấn. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất về lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên góc nhìn tích cực, ngành năng lượng cũng có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất đến năm 2030, với tỷ lệ giảm hơn 8%.

Đóng góp phần lớn lượng khí nhà kính vào bầu khí quyển nên ngành năng lượng là một trong những ngành phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về lượng phát thải của mình. Đây là lý do vì sao, Chính Phủ cần quan tâm và theo dõi sát sao hơn tới ngành năng lượng thông qua hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Nhờ các số liệu thống kê và tính toán trong quy trình kiểm kê, doanh nghiệp sẽ đo lường được mức độ phát thải của mình qua mỗi năm, để từ đó tìm ra giải pháp tối ưu và hiệu quả hơn, nhằm làm giảm thiểu lượng khí nhà kính gây hại tới môi trường.

Kiểm kê khí nhà kính ngành năng lượng bao gồm các lĩnh vực cụ thể nào?

Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngành năng lượng là một trong số 6 ngành phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính để có thể đo lường và giảm thiểu được lượng phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả. Trong phạm vi kiểm kê ngành năng lượng, các cơ quan có nhiệm vụ, chức năng sẽ xác định nguồn phát thải từ đâu.

Nếu nguồn phát thải từ đốt cháy nhiên liệu, các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực cụ thể sau sẽ phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính. Công nghiệp năng lượng bao gồm các hoạt động sản xuất điện, lọc hóa dầu và chế biến. Công nghiệp sản xuất và xây dựng gồm các hoạt động sản xuất sắt thép, phân bón, hóa chất, xi măng, vật liệu xây dựng hoặc các ngành công nghiệp khác. Ngoài hai lĩnh vực chính kể trên, các ngành khác như dịch vụ thương mại, dân sinh và phi năng lượng cũng nằm trong phạm vi kiểm kê khí nhà kính.

Với hạng mục phát thải từ hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch sẽ bao gồm khai thác than và khai thác dầu, khí tự nhiên. Hoạt động khai thác và xử lý than là lĩnh vực có hệ số phát thải khí nhà kính đặc trưng theo quốc gia nên sẽ quy trình kiểm kê sẽ áp dụng số liệu thống kê quốc gia và hệ số phát thải theo Việt Nam.

 Các nhà máy đốt than là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới.

Các nhà máy đốt than là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới.

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-tren-lo-trinh-thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-bai-3-kiem-ke-khi-nha-kinh-nang-luong-90317.html