Áp dụng đúng kỹ thuật trong các dự án chăn nuôi theo chuỗi giá trị
Từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc các dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với đơn vị chủ trì liên kết triển khai hỗ trợ người dân các huyện Thường Xuân, Lang Chánh... xây dựng các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Nhờ chú trọng thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong chọn giống, chăn nuôi, đến nay, các mô hình đã bước đầu đạt được những thành quả nhất định, mở ra triển vọng mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Nhờ phát huy những lợi thế sẵn có tại cơ sở, như: truyền thống sản xuất, hệ thống chuồng và không gian nuôi thả... đồng thời có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các dự án chăn nuôi mặc dù mới được hỗ trợ từ 3 - 5 tháng song đã khẳng định được ưu thế vượt trội. Việc hỗ trợ sản xuất chăn nuôi gà ri liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Xuân Lộc (Thường Xuân), từ nguồn hỗ trợ của Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 là một ví dụ sinh động.
Theo dự án, 61 hộ dân tại địa phương đã được hỗ trợ gà ri giống để phát triển sản xuất. Đồng thời, con giống được cấp phải bảo đảm chất lượng, đủ 21 ngày tuổi, khỏe mạnh, không bị bệnh và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng dịch. Khi nhận con giống được phát, HTX và người dân cùng giám sát việc bảo đảm chất lượng giống và áp dụng triệt để kỹ thuật nuôi thả đã được tập huấn. Do đó, sau 2 tháng chăn nuôi, số lượng gà được hỗ trợ vẫn được bảo đảm đến 90%, tỉ lệ hao hụt thấp, chuẩn bị bước vào giai đoạn thương phẩm. Hiện, các hộ dân vẫn tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc để đàn gà sinh trưởng, phát triển ổn định.
Bà Vi Thị Liễng, thôn Pà Cầu, cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, được hỗ trợ 70 con gà giống. Trước khi nhận con giống, các hộ đã được cán bộ chuyên môn tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, cách xử lý một số bệnh thường gặp ở gà ri bản địa và quy trình phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Do đó, bên cạnh việc chuẩn bị chuồng trại thoáng mát, nơi nuôi thả bảo đảm vệ sinh, gia đình tôi còn tổ chức khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh trước khi nuôi thả. Sau khi nhận con giống, thực hiện cho ăn theo đúng định lượng, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Đến nay, đàn gà của gia đình tôi đã đạt hơn 1,5kg/con. Dự kiến, đàn gà sẽ được liên kết tiêu thụ vào cuối tháng 10/2024”.
Là một trong số hơn 70 hộ dân được thụ hưởng từ Dự án “Nuôi lợn nái đen sinh sản theo chuỗi liên kết tại thị trấn Thường Xuân và xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân”, tháng 6/2024, gia đình ông Trịnh Nhật Huy, khu phố Tiến Sơn 2, thị trấn Thường Xuân được hỗ trợ 2 con lợn giống. Ngay khi nhận được hỗ trợ, gia đình đã dọn dẹp chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi. Đồng thời, cố gắng học hỏi kỹ thuật từ những người nuôi trước và vận dụng những kiến thức đã được tập huấn để biết cách chăm sóc phù hợp cho đàn lợn. Sau hơn 3 tháng nuôi, đến nay, gia đình ông Huy đã có 1 con lợn được phối giống, dự kiến sau 3 tháng nữa sẽ có thêm đàn lợn con. Từ đó, gia đình sẽ có vốn tái sản xuất hoặc con giống để nhân đàn.
Thực tế cho thấy, phát triển chăn nuôi không quá xa lạ với người dân các huyện nghèo, song để chăn nuôi đúng kỹ thuật, bảo đảm năng suất, tiêu chuẩn sản phẩm thì không phải hộ dân nào cũng có thể làm được. Bà Nguyễn Thị Vân, giám đốc HTX đầu tư và phát triển nông nghiệp Vinaco - đơn vị chủ trì dự án chăn nuôi gà ri theo chuỗi tại xã Xuân Lộc (Thường Xuân) và dự án chăn nuôi vịt bầu theo chuỗi giá trị tại xã Trí Nang (Lang Chánh), cho biết: Trong mỗi dự án, HTX đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn trực quan sinh động để người dân bước đầu nắm được kỹ thuật nuôi thả. Sau khi phát con giống, cán bộ kỹ thuật đã xuống từng hộ “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cách ăn, uống, phòng dịch... cho đàn gia cầm. Nhờ sự hợp tác tích cực của các hộ dân trong áp dụng đúng kỹ thuật nuôi thả nên phần lớn con giống được hỗ trợ đã sinh trưởng, phát triển ổn định.
Để đánh giá được đầy đủ hiệu quả của các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cần có thời gian liên kết ít nhất là 3 chu kỳ sản xuất. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm tra của Liên minh HTX tỉnh, cho thấy, các dự án hỗ trợ sản xuất đã bước đầu phát huy được hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của các hộ dân trực tiếp được thụ hưởng; từng bước hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa... Bà Hà Thị Thúy, Trưởng Phòng Chính sách và Phong trào, thuộc Liên minh HTX tỉnh, nhấn mạnh: Trong suốt quá trình triển khai các dự án chăn nuôi, Liên minh HTX tỉnh luôn kiểm tra, giám sát các bước thực hiện của các bên liên quan. Trong đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi được đặc biệt quan tâm, bởi đây chính là “chìa khóa” thành công của dự án chăn nuôi. Thông qua việc thực hiện nghiêm, đúng lộ trình kỹ thuật, các dự án đã, đang tiến dần đến thành công, mở ra hướng phát triển mới cho chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo và XDNTM ở các địa phương nghèo trên địa bàn tỉnh.