Áp dụng hiệu quả mô hình thông tin công trình cho các dự án đường sắt Việt Nam

Viện Kinh tế xây dựng và Crossrail International - một tổ chức công thuộc Bộ Giao thông Vận tải Vương quốc Anh vừa có buổi làm việc, trao đổi về một số nội dung hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng BIM.

Thế giới đánh giá BIM như thế nào?

Mô hình thông tin công trình (BIM) là một quy trình quản lý thông tin dự án dựa trên mô hình số, cho phép các bên liên quan chia sẻ, quản lý, và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả.

Buổi làm việc giữa Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Crossrail International - một tổ chức công thuộc Bộ Giao thông vận tải Vương quốc Anh.

Buổi làm việc giữa Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Crossrail International - một tổ chức công thuộc Bộ Giao thông vận tải Vương quốc Anh.

Cùng với sự gia tăng về mức độ phức tạp của các dự án đường sắt tại Việt Nam, bao gồm tàu điện ngầm, đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc; việc áp dụng BIM không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo điều kiện tiêu chuẩn hóa đồng bộ, góp phần thúc đẩy khả năng kết nối với các hệ thống quốc tế trong tương lai.

Ông Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế đầu tư và xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Việc xây dựng, hướng dẫn áp dụng BIM cho các dự án đường sắt tại Việt Nam - một nội dung quan trọng trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024–2025, định hướng đến 2030 của Bộ Xây dựng.

Buổi trao đổi nhằm xây dựng một bộ hướng dẫn BIM áp dụng riêng cho lĩnh vực đường sắt. Đây sẽ là tài liệu tham chiếu giúp thiết lập các yêu cầu thông tin, phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp và tiêu chuẩn kỹ thuật khi áp dụng BIM vào quản lý dự án và đầu tư xây dựng công trình đường sắt - từ đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị cho tới các hệ thống đường sắt chuyên dùng.

Ông David-Jones Gibbs, Giám đốc chuyển đổi số của Crossrail International cho biết, BIM giúp giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa chi phí, và đảm bảo tiến độ thông qua việc tích hợp dữ liệu địa chất, mô phỏng lưu lượng hành khách, và quản lý hệ thống an toàn.

Đặc biệt, với các dự án tàu điện ngầm tại Việt Nam, BIM hỗ trợ mô hình hóa thi công ngầm phức tạp, tích hợp hạ tầng đô thị, và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thông gió và an toàn khẩn cấp.

Đưa ví dụ thực tế, ông David-Jones Gibbs chia sẻ, dự án đường sắt Crossrail tại London, hiện được biết đến với tên gọi chính thức là Elizabeth line, là một tuyến đường sắt chạy theo hướng Đông –Tây xuyên qua London.

Tuyến này kết nối các khu vực ngoại ô phía Tây như Reading và sân bay Heathrow với các khu vực phía Đông như Shenfield và Abbey Wood, thông qua trung tâm London.

Dự án mang tính lịch sử, bởi làm thay đổi cơ sở hạ tầng và giá bất động sản ở khu vực xung quanh tăng mạnh.

Dự án Crossrail (Elizabeth line) đã triển khai hệ thống BIM toàn diện, trong đó tích hợp hơn 20.000 mô hình CAD 3D, quản lý khoảng 1 triệu tài sản và hơn 5 triệu tài liệu.

Tổng cộng có 568.490 tài sản đã được định nghĩa, cùng với 387.147 bản vẽ và hơn 3,7 triệu tài liệu điện tử được lưu trữ trong môi trường dữ liệu chung (CDE).

Theo giám đốc chuyển đổi số của Crossrail (Anh), nhiều nước trên thế giới đã áp dụng BIM rất hiệu quả.

Theo giám đốc chuyển đổi số của Crossrail (Anh), nhiều nước trên thế giới đã áp dụng BIM rất hiệu quả.

Tất cả dữ liệu này không chỉ phục vụ cho giai đoạn thiết kế và xây dựng, mà còn hỗ trợ công tác vận hành và bảo trì tuyến đường sắt trong tương lai thông qua các hệ thống quản lý tài sản kỹ thuật số và giám sát thông minh.

Để quản lý một dự án có quy mô và độ phức tạp như Crossrail, với hàng triệu tài liệu, hàng trăm nghìn mô hình và tài sản cần được số hóa và điều phối, không thể thiếu vai trò của một "nhạc trưởng" dẫn dắt toàn bộ quá trình.

Trong trường hợp này, chính chủ đầu tư (Crossrail Ltd) đã đóng vai trò trung tâm, thiết lập môi trường dữ liệu chung.

Xác định yêu cầu thông tin ngay từ đầu và bảo đảm tất cả các nhà thầu, nhà thiết kế, đơn vị cung cấp thiết bị tuân thủ một cấu trúc và quy trình thống nhất.

Các dự án hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là đường sắt đô thị hay cao tốc cũng đòi hỏi một cơ chế điều phối tương tự.

Chủ đầu tư không chỉ là bên đặt hàng mà cần chủ động đóng vai trò điều phối hệ thống, bảo đảm sự hài hòa giữa các bên, kiểm soát được chuỗi cung ứng thông tin và kỹ thuật xuyên suốt từ thiết kế đến vận hành.

Nếu thiếu vai trò "nhạc trưởng" này, mô hình BIM dù hiện đại đến đâu cũng khó phát huy được hiệu quả toàn diện.

Với vai trò là tổ chức thuộc Bộ Giao thông vận tải Anh, Crossrail đã làm việc ở 34 dự án khác nhau và đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với nhiều quốc gia nhằm mục đích cung cấp thông tin nền để cùng thống nhất; giải thích cấu trúc của hướng dẫn bảo đảm phù hợp với các bên…

Giám đốc chuyển đổi số của Anh cũng chia sẻ, các quốc gia đã thực hiện BIM hiệu quả như Úc, Trung Quốc, Mỹ… Qua đó, cho thấy có 8 lĩnh vực cần cân nhắc bao gồm khung pháp lý, khung hợp đồng, phân loại tiêu chuẩn ngành, các phương pháp thực hiện đấu thầu, mua sắm, năng lực, cơ cấu của ngành, các yếu tố liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ…

Đặc điểm chung của các quốc gia là áp dụng ISO 19650, chia ra làm nhiều phần, chung để quản lý các thông tin, liên quan đến các dự án từ thiết kế, xây dựng, vận hành.

"Chúng tôi mong muốn các tổ chức ở Việt Nam thực hiện và đưa ra yêu cầu thống nhất về BIM. Việc đưa BIM vào thực hiện các dự án đường sắt sẽ rất hiệu quả, đảm bảo vòng đời công trình và cần chú ý khâu vận hành, bảo trì, làm sao tính toán việc vận hành, bảo trì càng sớm càng tốt", ông David-Jones Gibbs chia sẻ.

Khẩn trương xây dựng hướng dẫn áp dụng BIM

Ông Lưu Trung Dũng - Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: "Trước những hiệu quả thiết thực của mô hình BIM, chúng ta cần có hướng dẫn để áp dụng BIM trên toàn quốc, từ đó đặt ra vấn đề về đào tạo, chuyển giao. Chúng tôi mong muốn các chuyên gia, Bộ Xây dựng hỗ trợ có hướng dẫn áp dụng chung cho các dự án".

Cũng theo ông Dũng, thực tế về BIM hiện nay còn nhiều khó khăn, tư vấn thiết kế chưa đủ chuyên sâu, khái niệm 3D, 4D, 5D còn khó tiếp cận. Làm sao để áp dụng BIM vào dự án thực tế?

Ông Bùi Văn Dưỡng - Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại buổi làm việc.

Ông Bùi Văn Dưỡng - Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại buổi làm việc.

Ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, thực tế các chủ đầu tư tư nhân tiếp cận BIM tốt, nhưng chủ đầu tư Nhà nước và cơ quan quản lý còn khó khăn. Các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa có yêu cầu cụ thể nên còn vướng mắc.

Trước thực tế này, ông Dưỡng mong muốn, các chuyên gia chia sẻ thêm về quá trình áp dụng BIM và hệ thống pháp luật, Nhà nước có chính sách gì, mức độ hỗ trợ đến đâu? Cùng với đó là vấn đề đào tạo, cập nhật, hướng dẫn...

Giải thích thêm về những nội dung này, chuyên gia chuyển đổi số cao cấp của Anh - ôngMalcom Taylor cho biết: Hướng dẫn BIM sẽ cung cấp các mẫu và quy trình chuẩn hóa để dễ áp dụng. Chủ đầu tư cần xác định rõ yêu cầu thông tin và kế hoạch thực hiện BIM ngay từ đầu.

BIM mang lại hiệu quả cho toàn bộ vòng đời dự án, nhưng cần triển khai từng bước. Đầu tiên, tập trung vào yêu cầu thông tin cơ bản và xây dựng môi trường dữ liệu chung. Sau đó, nâng cấp dần hệ thống dữ liệu và công nghệ số…

Quá trình áp dụng BIM dựa trên ISO 19650, BIM yêu cầu quản lý thông tin từ thiết kế đến vận hành. Chủ đầu tư cần đặt ra yêu cầu thông tin rõ ràng trong hợp đồng và sử dụng để chia sẻ dữ liệu. Hệ thống pháp luật cần chuẩn hóa các yêu cầu BIM trong hồ sơ mời thầu và quy định nghiệm thu.

Ông Lưu Trung Dũng, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội mong muốn Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn áp dụng BIM chung cho các dự án.

Ông Lưu Trung Dũng, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội mong muốn Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn áp dụng BIM chung cho các dự án.

Về đào tạo, đề xuất hợp tác với Đại sứ quán Anh, Viện Kinh tế xây dựng và các trường đại học để xây dựng chương trình đào tạo dài hạn, tập trung vào kỹ năng quản lý BIM và sử dụng phần mềm. Theo đó, sẵn sàng hỗ trợ thiết kế chương trình cụ thể, nếu các dự án được triển khai.

Từ những chia sẻ của các chuyên gia, ông Hoàng Đức Hùng - Phòng quản lý chất lượng dự án của Tedi cho biết, Chính phủ đưa ra yêu cầu khởi công các dự án đường sắt rất gấp, cuối năm 2025 sẽ khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tháng 12/2026 khởi công tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam…

"Với sự hỗ trợ của Vương Quốc Anh, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần sớm đưa ra hướng dẫn về BIM, lộ trình áp dụng BIM, mức độ áp dụng để thực hiện thủ tục trình duyệt, thẩm định, phê duyệt đáp ứng tiến độ Chính phủ giao", ông Hùng chia sẻ.

Kim Thoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ap-dung-hieu-qua-mo-hinh-thong-tin-cong-trinh-cho-cac-du-an-duong-sat-viet-nam-192250508192147769.htm