Áp dụng hóa đơn điện tử giúp minh bạch thị trường vàng

Trao đổi với TBTCVN, TS. Nguyễn Văn Hiến - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc triệt để áp dụng quy định về xuất hóa đơn điện tử khi giao dịch vàng sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát được tình trạng ẩn thuế, lậu thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đồng thời, đây là cơ sở để cơ quan thuế xác định mức thuế thu nhập đối với cá nhân đầu tư vàng minh bạch và công bằng.

Đến nay, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử. Ảnh tư liệu

Đến nay, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử. Ảnh tư liệu

PV: Theo ông, nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến thị trường vàng trong nước có những diễn biến bất thường trong thời gian qua?

 TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao nên khi giá vàng thế giới biến động tất yếu sẽ tác động trực tiếp đến giá vàng trong nước. Vì vậy, khó có thể giữ ổn định giá vàng trong nước trong khi thị trường vàng thế giới đầy biến động.

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của thị trường vàng, nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Về nguyên nhân của việc chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới đã được mổ xẻ rất nhiều, tựu chung lại là do cơ chế độc quyền hiện nay trong việc nhập khẩu và sản xuất vàng miếng. Đã có rất nhiều khuyến nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, để thị trường vàng vận hành theo đúng nguyên tắc thị trường hơn.

Bên cạnh việc xóa bỏ độc quyền trong việc nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thì cũng cần có mô hình sàn giao dịch vàng phù hợp để thị trường vận hành hiệu quả, minh bạch hơn.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp về quản lý thị trường, cũng cần quan tâm đến giải pháp về thuế. Thuế vừa là công cụ để thu ngân sách, vừa có tác động vào thị trường nên cần nghiên cứu đầy đủ hơn về chính sách thuế trong việc kiểm soát thị trường vàng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Đối với vấn đề thuế trong lĩnh vực kinh doanh vàng, có thể nói hiện nay về cơ bản, các cơ quan quản lý thuế đã triển khai đầy đủ các quy định về quản lý thuế đối với lĩnh vực này như: Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý, cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định từ ngày 1/7/2022 các cơ sở kinh doanh phải xuất hóa đơn điện tử.

100% doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử

Theo Tổng cục Thuế, triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đến nay, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử. Từ ngày 15/12/2022, ngành Thuế đã chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Theo Tổng cục Thuế, đến nay, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử. Như vậy, đối với doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh vàng bạc, các quy định về thuế và các biện pháp triển khai hành thu của cơ quan quản lý thuế về cơ bản là đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, theo quy định của pháp luật thuế.

PV: Theo ông việc thu thuế đầu tư vàng đối với cá nhân hiện nay là điều cần thiết không?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Đối với những cá nhân đầu tư vàng để kiếm lời, mặc dù trên thực tế hoạt động này có người đã thu được những khoản lợi nhuận rất lớn nhưng đến nay vẫn không phải đóng bất cứ đồng thuế nào. Đó là sự bất công lớn đồng thời gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước, vì đầu tư vàng cũng tương tự như các lĩnh vực đầu tư tài chính khác (bất động sản, chứng khoán…) nhưng các lĩnh vực này nhà đầu tư đều phải đóng thuế còn đầu tư vàng thì chưa phải đóng.

Vì vậy việc thu thuế đầu tư vàng đối với cá nhân là cần thiết, vừa đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh, vừa hạn chế đầu cơ vàng, đồng thời lại giúp tăng nguồn thu NSNN.

PV: Vậy theo ông trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần xúc tiến những giải pháp căn cơ nào để giữ bình ổn thị trường vàng trong nước?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Trong thời gian tới, cơ quan quản lý thuế cần tiếp tục đề xuất tham mưu với Chính phủ các chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quản lý thu thuế đối với các cá nhân đầu tư vàng kiếm lời. Có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế thu hộ đối với các cơ sở kinh doanh vàng khi mua vàng của người dân tại cửa hàng.

Bên cạnh giải pháp trên, việc triệt để áp dụng quy định về xuất hóa đơn điện tử khi giao dịch vàng (kể cả vàng miếng và vàng trang sức) sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát được tình trạng ẩn thuế, lậu thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để cơ quan thuế xác định mức thuế thu nhập đối với cá nhân đầu tư vàng một cách minh bạch và công bằng. Khi đó, việc triển khai thu thuế đối với hoạt động đầu tư vàng mới khả thi./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-dung-hoa-don-dien-tu-giup-minh-bach-thi-truong-vang-151955.html