Áp dụng khoa học kỹ thuật vào ươm giống sâm Ngọc Linh

Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam vừa nghiên cứu thành công các biện pháp ứng dụng khoa học vào quá trình gieo ươm hạt giống, bước đầu đạt hiệu quả cao, tỷ lệ cây sâm con mọc khỏe, số cây tăng dần theo từng năm.

Nếu gieo ươm hạt giống sâm Ngọc Linh được thực hiện trực tiếp dưới tán rừng, thì tỷ lên cây con mọc thấp

Nếu gieo ươm hạt giống sâm Ngọc Linh được thực hiện trực tiếp dưới tán rừng, thì tỷ lên cây con mọc thấp

Theo ông Hồ Văn Du, trú tại Nóc Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), trước đây, công tác gieo ươm hạt giống sâm Ngọc Linh được thực hiện trực tiếp dưới tán rừng, nên tỷ lên cây con mọc thấp. Đặc biệt, sau khi cây mọc mầm bị rất nhiều loại sâu bệnh gây hại, có năm sâu bệnh hại làm cây chết gần như toàn bộ, xem như mất trắng cả vụ cây giống. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân đã được Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My tập huấn về công tác gieo ươm giống và chăm sóc cây con bước đầu cho hiệu quả rất cao.

“Trước đây gieo dưới tán rừng 30 hạt chỉ mọc khoảng 10 cây và cây giống xuất vườn cũng chỉ khoảng 5 cây thì bây giờ đã khác. Chúng tôi đã biết cách gieo ươm giống trong nhà lưới có mái che nên tỷ lệ cây con tăng lên khoảng 80% số lượng hạt giống và tỷ lệ cây giống khỏe có thể xuất vườn đạt gần 60%. Đây là tín hiệu đáng mừng của người trồng sâm chúng tôi”, ông Du khoe.

Đồng bào Xê Đăng đã biết cách gieo ươm giống sâm có mái lưới che

Đồng bào Xê Đăng đã biết cách gieo ươm giống sâm có mái lưới che

Tại Nóc Măng Lùng, Trung tâm sâm huyện Nam Trà My cũng đã triển khai tập huấn cho bà con nông dân, khá nhiều hộ đã ươm giống đúng quy trình, cây giống đạt hiệu quả cao. Cùng với việc áp dụng thành công khoa học công nghệ vào ươm giống cộng với kinh nghiệm lâu năm trồng sâm của bà con nên nhiều hộ dân đã phát triển rất tốt.

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cùng Trung tâm sâm huyện Nam Trà My đang thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cây giống cho bà con với giá khoảng hơn 100.000 đồng/cây, thay vì trước đây giá hơn 300.000 đồng/cây.

Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam và Trung tâm sâm huyện Nam Trà My đang thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cây giống cho bà con

Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam và Trung tâm sâm huyện Nam Trà My đang thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cây giống cho bà con

Nhiều năm trở lại đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo ươm cây giống, chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây sâm giống sâm Ngọc Linh luôn được ngành chức năng cũng như người trồng sâm chú trọng. Qua đó giúp cây sâm giống gốc phát triển tốt, sức khỏe hạt giống được đảm bảo và tỷ lệ cây sống xuất vườn cao.

Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, hiện tại Trung tâm đã cơ bản làm chủ được quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh, vườn sâm giống gốc cũng đã áp dụng biện pháp canh tác theo hướng sinh thái phù hợp.

“Ngoài việc gieo ươm hạt giống trong nhà lưới có mái che thì Trung tâm đã tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như chọn hạt giống khỏe, sạch bệnh để tạo cây giống, làm sạch nguồn bệnh trong giá thể mùn đất, giữ độ ẩm bằng cách luôn tưới nước và vệ sinh vườn ươm, hạn chế người lạ vào vườn ươm…”, ông Út nói.

Một số đề tài nghiên cứu của tỉnh Quảng nam về ngâm mủ, nước ấm, ủ cát… các biện pháp vật lý và hóa học hạt giống sâm Ngọc Linh cho ra tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ sống khi cây xuất vườn rất cao

Một số đề tài nghiên cứu của tỉnh Quảng nam về ngâm mủ, nước ấm, ủ cát… các biện pháp vật lý và hóa học hạt giống sâm Ngọc Linh cho ra tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ sống khi cây xuất vườn rất cao

Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH-CN Quảng Nam, cách đây hơn 10 năm, khi biết giá trị cây sâm Ngọc Linh cao nên người dân đã khai thác quá mức và gieo ươm trực tiếp dưới tán rừng nên tỷ lệ nảy mầm rất thấp khoảng 40%, tỷ lệ sống đủ tiêu chuẩn xuất vườn cũng rất thấp khoảng gần 30%.

Theo kết quả của một số đề tài nghiên cứu, ngâm mủ, nước ấm, ủ cát… các biện pháp vật lý và hóa học thì cho ra tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ sống khi cây xuất vườn rất cao, khoảng khoảng 4-5 năm trở lại đây tỷ lệ cây con mọc đạt 80%.

Hiện tỉnh Quảng Nam đang triển khai các biện pháp để thực hiện các Dự án sản xuất giá thể sâm Ngọc Linh, Dự án khảo nghiệm nuôi cấy mô, Dự án chế biến sâu về sâm Ngọc Linh cho mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, cũng cần nhiều thời gian và nguồn nhân lực có kinh nghiệm để triển khai.

“Điều quan trọng nhất phải có định hướng nghiên cứu bảo tồn gien cho cây sâm Ngọc Linh. Chống sự lai tạp, phải quản lý được nguồn sâm, chỉ một loại sâm Ngọc Linh. Khôi phục nguồn gien của sâm Ngọc Linh không bị thoái hóa”, ông Tích nhấn mạnh.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-uom-giong-sam-ngoc-linh-663833.html