Áp dụng luật hiện hành để xử phạt người chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá điện tử
Bên cạnh việc xử phạt người bán thuốc lá điện tử trái phép, các cơ quan chức năng có thể xử phạt cả người mua dưới 18 tuổi để tăng tính răn đe đa chiều, nếu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được áp dụng cho nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này.
Ngộ độc do thuốc lá điện tử mua từ “chợ đen” là do đâu?
Trong thời gian vừa qua, các trường hợp giới trẻ bị ngộ độc tinh dầu trong thuốc lá điện tử (TLĐT) lậu... đã gióng lên hồi chuông báo động trong xã hội và cộng đồng. Mới tháng trước, sau khi vô tình nhặt được TLĐT trên đường, 8 học sinh lứa tuổi tiểu học ở Hà Nội phải nhập viện vì tò mò hút thử vài hơi. Qua kiểm tra, 100% các trường hợp ngộ độc này đều không đến từ nicotine thông thường có trong thuốc lá, mà là do các chất cấm như ma túy, cần sa… núp bóng dưới vỏ bọc “tinh dầu trái cây vô hại”.
Sở dĩ phát sinh vấn đề này là do các đối tượng xấu đã lợi dụng lỗ hổng TLĐT (loại sản phẩm hệ thống mở cho phép người dùng tự phối trộn tinh dầu) để pha trộn chất cấm trá hình thay vì chỉ có nicotine thuần túy. Không chỉ dừng ở đó, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, các đối tượng buôn ma túy còn chế tạo những chất ma túy mới với các hình thức tinh vi hơn, nằm ngoài danh mục cấm mà Công an đã ghi nhận.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trong một cuộc họp về quản lý TLĐT, thuốc lá làm nóng (TLLN) nhấn mạnh rằng: “Việc đề xuất chính sách quản lý đối với TLĐT, TLLN là vấn đề quan trọng, cấp bách”. Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế rà soát, tập hợp các ý kiến của các đại biểu, từ đó xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu đầy đủ, khách quan đối với các sản phẩm này và đề xuất chính sách quản lý.
Hút TLĐT khi chưa đủ 18 tuổi: Phạt tiền cả người bán lẫn người mua
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, TLĐT, TLLN hay thuốc lá điếu đều là hình thức cung cấp nicotine. Do đó, các sản phẩm này chỉ được phép cung cấp cho người đủ tuổi sử dụng hợp pháp. Theo Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP hiện hành, hành vi mua, bán, sử dụng thuốc lá ở người dưới 18 tuổi đều bị xử phạt. Cụ thể, người bán có thể phạt 4 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 1 đến 3 tháng, còn mức phạt đối với người mua là từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Từ những cơ sở pháp luật hiện hành, có thể thấy chỉ cần đưa thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) vào quản lý theo Luật PCTHTL là có thể ngăn chặn sản phẩm tiếp cận đến giới trẻ cũng như ngừng kinh doanh các cửa hàng, cá nhân buôn bán sai phạm. Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu đã được áp dụng thành công ở các nước đi trước như Mỹ, Nhật, Anh… và mới đây nhất là Đài Loan (Trung Quốc), Ngày 12/1 vừa qua, các nhà lập pháp Đài Loan đã thông qua Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sửa đổi, chính thức đưa các sản phẩm TLLN vào quản lý theo Luật hiện hành. Đồng thời nâng độ tuổi hợp pháp để mua thuốc lá nói chung từ 18 lên 20.
Luật sửa đổi cũng quy định các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cung cấp hoặc quảng bá các sản phẩm thuốc lá hoặc TLLN mà không được chính quyền phê duyệt, sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 10 triệu đến 50 triệu Đài tệ , những người vi phạm không phải là chủ doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 50.000 đến 5 triệu Đài tệ, và những người sử dụng các sản phẩm TLLN hoặc TLĐT không được chính quyền phê duyệt sẽ bị phạt từ 2.000 đến 10.000 Đài tệ (khoảng 7,7 triệu đồng).
Đến nay, ý kiến cho việc cần sớm ban hành chính sách quản lý TLTHM bằng Luật hiện hành đang nhận được sự đồng thuận từ hầu hết các bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Khoa học - Công nghệ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam…
Cụ thể, tại “Tọa đàm Phòng chống tác hại thuốc lá – Hành động mới từ góc nhìn toàn cầu” vừa qua, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp bày tỏ quan điểm rằng: “Việc nói có rào cản pháp lý là không đúng. Nhu cầu quản lý rất là cấp bách rồi, rào cản xây dựng chính sách hiện nay chủ yếu đến từ nhận thức của các cơ quan tham mưu”.
Theo đó, với những sản phẩm TLTHM như TLLN, do được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá nên có thể đưa ngay vào quản lý chính thức theo Luật PCTHTL hiện hành mà không cần phải thí điểm. Cũng theo ông Hải: “Những thứ gọi là TLĐT nhưng trong đó lại chứa đựng cần sa, ma túy thì nó không còn là thuốc lá nữa, đó là chất cấm, đương nhiên pháp luật đã cấm”.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ (khi còn là Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cũng từng cảnh báo rằng tiến độ đưa TLTHM vào quản lý đến nay là quá muộn.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng việc bàn thảo phương án quản lý đã kéo dài quá lâu. Giờ là lúc cần hành động để đạt được mục tiêu kép về PCTHTL - đó là: Ngăn chặn giới trẻ khỏi việc mua bán và sử dụng sản phẩm phi pháp, chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá; Xử phạt các hành vi vi phạm thực sự nghiêm minh. Từ đó, có thể giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe cũng như những hệ lụy cho xã hội.