Áp dụng nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu trong doanh nghiệp xây dựng thủy lợi Việt Nam
Quản lý và kiểm soát ngân sách trong doanh nghiệp xây dựng thủy lợi là một công việc quan trọng, giúp các doanh nghiệp này đánh giá được tình hình hoạt động so với mục tiêu đặt ra và có phương hướng để cải thiện trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, để nhà quản trị doanh nghiệp xây dựng thủy lợi kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh, cần có sự tham gia của kế toán quản trị và việc áp dụng những nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu trong quản lý và kiểm soát ngân sách của các doanh nghiệp xây dựng thủy lợi Việt Nam là cần thiết.
Hiện nay, có rất nhiều công cụ và kỹ thuật hỗ trợ kế toán viên quản trị công tác kế toán. Theo Hiệp hội Kế toán công chứng toàn cầu (CGMA), hiện nay, có 20 công cụ thiết yếu hỗ trợ kế toán viên, điển hình như: Bảng điểm chiến lược của Hiệp hội Kế toán quản trị (KTQT) công chứng Anh quốc (CIMA); Bảng điểm cân bằng; Lập ngân sách và hạch toán chi phí theo hoạt động; Phân tích chuỗi giá trị và Quản lý rủi ro doanh nghiệp (DN) (ERM)...
Nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu
Chức năng cốt lõi của KTQT là thực hiện cắt giảm hao phí khi DN duy trì hoặc nâng cao khả năng tạo ra giá trị. Điều này liên quan đến việc xác định và giảm hao phí lâu dài, xuyên suốt tổ chức khi DN giải phóng nguồn lực đầu tư cho hoạt động đổi mới, để tạo ra giá trị tương lai cho các bên liên quan. Cụ thể:
Sự giao tiếp truyền đạt tầm nhìn có ảnh hưởng: Đó là các mục tiêu chi phí được thảo luận và xây dựng có sự phối hợp với các đồng nghiệp và đối tác kinh doanh để nhận đuợc phản hồi tích cực. Các mục tiêu chi phí được tinh lọc theo thời gian. Các kế hoạch cho việc thực hiện định hướng được đồng thuận bởi các đồng nghiệp và đối tác kinh doanh có liên quan. Các kế hoạch chi phí được chia nhỏ thành các thành phần phù hợp với các bên liên quan khác nhau. Các nhân tố phát sinh chi phí được phân tích và thảo luận với các nhân viên và đối tác kinh doanh có liên quan để quản lý có hiệu quả các nhân tố phát sinh chi phí trong tương lai...
Thông tin thích hợp: Được thực hiện nhằm nhận biết và ghi nhận các nhân tố phát sinh chi phí. Chi phí phát sinh từ các nhân tố cho mỗi yếu tố của mô hình kinh doanh thực được so sánh theo thời gian. Các chi phí được so sánh với các chi phí tương đương từ các tổ chức có liên quan. Việc sử dụng tài sản được so sánh theo thời gian và so sánh với trường hợp tốt nhất trong Ngành. Nắm bắt và so sánh các chi phí từ các năm trước ở mức độ tổng hợp, theo phòng ban/chức năng và sản phẩm.
Phân tích tác động đến giá trị: Cụ thể, kế toán viên sử dụng các mô hình dữ liệu có liên quan và tinh lọc các quy trình tạo giá trị để ước tính tác động của các quy trình lên các kết quả. Thử nghiệm mô hình kinh doanh và đánh giá hiệu quả về chi phí của mô hình. Phát triển hoặc tinh lọc cách đo lường cho các nhân tố phát sinh chi phí xuyên suốt các thành phần của mô hình kinh doanh. Tác động của các nhân tố phát sinh chi phí đến các kết quả chính được tính toán để hiểu về việc tạo và gìn giữ giá trị.
Thông qua việc diễn giải về các nhân tố tạo giá trị xuyên suốt mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị, kế toán viên thiết kế các phương thức cải thiện kết quả về mặt chi phí. Xây dựng các chi phí mục tiêu hợp lý và linh hoạt. So sánh hiệu quả của chuỗi giá trị theo thời gian. Đồng thời, thường xuyên soát xét các quy trình biến đổi chi phí để các hoạt động tiếp tục thích hợp với các nhu cầu của các bên có liên quan.
Trách nhiệm quản lý tạo lập niềm tin: Được thực hiện qua các bước sau: Thiết kế các phần thưởng cho nhân viên để định hướng các hành vi theo các mục tiêu và các nhu cầu được dự báo trong tương lai của tổ chức. Luôn duy trì sự tuân thủ với các chính sách và quy trình nội bộ, các nghĩa vụ pháp lý và quy định được yêu cầu khác. Tính toán các chi phí cơ hội và phát triển các phương thức được đề xuất trên cơ sở giá trị thuần cho tổ chức.
Áp dụng nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu trong doanh nghiệp xây dựng thủy lợi Việt Nam
Đặc thù của ngành Xây dựng cơ bản nói chung và ngành Xây dựng thủy lợi nói riêng là sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn; thời gian thi công kéo dài và thường trên quy mô lớn, đặc thù này đã đặt ra nhiều vấn đề DN cần giải quyết, đó là: Làm sao phải quản lý vốn tốt, có hiệu quả khắc phục tình trạng thất thoát và lãng phí trong sản xuất thi công, giảm chi phí hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh... Vì vậy, việc áp dụng KTQT toàn cầu đối với sự biến đổi và quản lý chi phí tại các công ty xây dựng thủy lợi được đề xuất như sau:
- Sự giao tiếp truyền đạt tầm nhìn có ảnh hưởng: Theo nguyên tắc này, các công ty xây dựng thủy lợi Việt Nam cần chọn lọc, thực hiện theo các tiêu chí sau:
(1) Các mục tiêu chi phí được thảo luận và xây dựng có sự phối hợp với các đồng nghiệp và đối tác kinh doanh để nhận được phản hồi tích cực. Các mục tiêu chi phí được tinh lọc theo thời gian;
(2) Các kế hoạch cho việc thực hiện của các phương hướng được đồng thuận bởi các đồng nghiệp và đối tác kinh doanh có liên quan;
(3) Các kế hoạch chi phí được chia nhỏ thành các thành phần phù hợp với các bên liên quan khác nhau;
(4) Lập các báo cáo về việc thực hiện các phương pháp quản lý chi phí;
(5) Các nhân tố phát sinh chi phí được phân tích và thảo luận với các nhân viên và đối tác kinh doanh có liên quan để các nhân tố phát sinh chi phí đó được quản lý có hiệu quả trong tương lai. Nghĩa là, căn cứ vào mục tiêu công ty đặt ra, các phòng ban trong công ty phối hợp lập kế hoạch góp phần hoàn thành mục tiêu chung cho DN.
Cụ thể, Phòng Kỹ thuật của các DN xây dựng thủy lợi cần dựa vào định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhân công, chi phí sử dụng máy thi công; căn cứ vào mức giá do Phòng Kinh doanh cung cấp, Phòng Kế toán tài chính để lập dự toán chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, cho phí sử dụng máy thi công cho từng công trình/hạng mục công trình (Công tác tổng hợp dự toán công trình được minh họa cụ thể tại Bảng 1).
- Thông tin thích hợp: Theo nguyên tắc này, các công ty xây dựng thủy lợi Việt Nam cần áp dụng như sau: (1) Nhận biết và ghi nhận các nhân tố phát sinh chi phí; (2) Chi phí phát sinh từ các nhân tố cho mỗi yếu tố của mô hình kinh doanh thực được so sánh theo thời gian; (3) Các chi phí được so sánh với các chi phí tương đương từ các tổ chức có liên quan; (4) Việc sử dụng tài sản được so sánh theo thời gian và so sánh với trường hợp tốt nhất trong Ngành; (5) Biết và so sánh các chi phí từ các năm trước ở mức độ tổng hợp, theo phòng ban/chức năng và sản phẩm.
Khảo sát cho thấy, hiện nay, các công ty xây dựng công trình thủy lợi đều đã quan tâm và thực hiện công tác xây dựng định mức chi phí. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức thường được thực hiện xây dựng từ đầu năm và căn cứ vào đặc điểm kinh tế kỹ thuật, đặc điểm sản xuất kinh doanh của công ty, cũng như tình hình thực hiện định mức năm trước đó. Công tác xây dựng dự toán chi phí cũng được DN chú trọng và lập theo năm, tuy nhiên, các dự toán chưa có tác dụng nhiều trong hoạt động kiểm soát, chỉ mới giúp các nhà quản trị trong công tác kế hoạch hóa.
- Phân tích tác động đến giá trị: Đối với nguyên tắc này, các công ty xây dựng thủy lợi Việt Nam cần tiến hành áp dụng theo các công đoạn sau:
(1) Sử dụng các mô hình dữ liệu có liên quan và tinh lọc các quy trình tạo giá trị để ước tính tác động của các quy trình lên các kết quả;
(2) Thử nghiệm mô hình kinh doanh và đánh giá hiệu quả về chi phí của mô hình;
(3) Phát triển hoặc tinh lọc các cách đo lường cho các nhân tố phát sinh chi phí xuyên suốt các thành phần của mô hình kinh doanh;
(4) Tác động của các nhân tố phát sinh chi phí đến các kết quả chính được tính toán để hiểu về việc tạo và gìn giữ giá trị;
(5) Thông qua việc diễn giải về các nhân tố tạo giá trị xuyên suốt mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị, thiết kế các phương thúc cải thiện kết quả về mặt chi phí;
(6) Xây dựng các chi phí mục tiêu hợp lý và linh hoạt;
(7) So sánh hiệu quả của chuỗi giá trị theo thời gian;
(8) Thường xuyên soát xét các quy trình biến đổi chi phí để các hoạt động tiếp tục thích hợp với các nhu cầu của các bên có liên quan (Công tác tổng hợp dự toán chi phí xây dựng được minh họa cụ thể tại Bảng 2).
Khảo sát cho thấy, các công ty xây dựng thủy lợi Việt Nam cần đánh giá tình hình sử dụng chi phí, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác tình hình sử dụng chi phí và kết quả hoạt động, các DN cần xây dựng các chỉ tiêu chi phí nhằm phân tích biến động của chi phí thông qua báo cáo chi phí và thông tin chi phí cho các quyết định quản trị DN.
- Trách nhiệm quản lý tạo lập niềm tin: Đối với nguyên tắc này, các công ty xây dựng thủy lợi Việt Nam áp dụng như sau: (1) Thiết kế các phần thưởng cho nhân viên để định hướng các hành vi theo các mục tiêu và các nhu cầu được dự báo trong tương lai của tổ chức; (2) Luôn duy trì sự tuân thủ với các chính sách và quy trình nội bộ, các nghĩa vụ pháp lý và quy định được yêu cầu khác; (3) Tính toán các chi phí cơ hội và phát triển các phương thức được đề xuất trên cơ sở giá trị thuần cho tổ chức.
Một số đề xuất, khuyến nghị
Áp dụng nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu vào công tác kế toán của DN là một vấn đề rất mới, nên tác giả chỉ đưa ra một số hàm ý riêng, mục đích nhằm giúp các công ty xây dựng công trình thủy lợi ở Việt Nam ra quyết định tốt hơn, bằng cách trích ra giá trị từ các thông tin.
Hiện nay, việc triển khai kế toán quản trị tại các DN hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ quan tâm của lãnh đạo DN và nhu cầu về thông tin KTQT đang ngày càng cao. Tuy nhiên, khả năng thu thập thông tin KTQT của các DN có sự khác nhau và trong nội bộ DN giữa các cấp cũng khác nhau. Theo đó, DN có quy mô lớn có nhu cầu thông tin cao hơn các DN nhỏ, các nhà quản trị cấp chiến lược là thành viên của hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên của các DN lớn cũng có nhu cầu cao hơn về thông tin KTQT so với đồng cấp tại các DN nhỏ.
Nhìn chung, dù với DN quy mô nào, kế toán viên cũng cần thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin để thỏa mãn yêu cầu của nhà quản trị với các mục tiêu như: Hoạch định, kiểm soát, đánh giá hiệu quả. Theo đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị sau:
- Đối với chủ đầu tư: Cần thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để giúp chủ đầu tư trong giai đoạn lập kế hoạch, liên kết với nhà cung cấp, tạo sự thuận lợi cho triển khai dự án.
Bên cạnh đó, giao việc thiết kế và thi công cho nhà thầu (hệ thống thiết kế và xây dựng, hệ thống thiết kế và quản lý). Ví dụ như: Lập kế hoạch dự án, lựa chọn nguồn tài chính và cung cấp tài chính cho dự án cho đến khi dự án đi vào hoạt động và bảo trì công trình, qua đó giúp nhà thầu kiểm soát toàn bộ chi phí của dự án.
Đưa ra các chính sách cho các bên tham gia dự án để cải thiện tính hữu hiệu lâu dài của dự án dưới dạng các liên danh tư-công. Các giai đoạn thiết kế và thi công có thể chồng lấn nhau để giảm thời gian thực hiện dự án. Công cụ phân tích giá trị cho phép nhà thiết kế đưa ra các thay đổi đối với dự án mà không ảnh hưởng tới quá trình khác; có thể áp dụng kỷ luật tài chính chặt chẽ lên nhà thầu để đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch với ngân sách sẵn có...
- Đối với nhà thầu: Cần phải chịu trách nhiệm toàn bộ dự án từ khi nhận biết dự án đến khi vận hành và kết thúc dự án; đồng thời, có thể quản lý các chi phí trong suốt dự án. Nên xem xét và nhận biết toàn bộ chi phí của dự án ngay từ giai đoạn đầu, cụ thể là tổng chi phí vốn và vận hành trong suốt chu kỳ của dự án, vì tất cả các chi phí này có ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà thầu.
Nhà thầu cũng nên vận dụng công cụ phân tích giá trị để cải thiện chi phí cho dự án, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu lợi nhuận. Đồng thời, thiết lập một ngân hàng dữ liệu của những dự án đã thành công về chi phí; thiết lập đội làm việc đa năng (đan chéo) và có sự phối hợp chặc chẽ với các nhà cung cấp bên ngoài để đạt được mục tiêu chi phí. Mỗi bộ phận, mỗi hạng mục của công trình đều phải có kế hoạch chi phí chi tiết. Dựa vào đó, nhà thầu có thể kiểm tra tính chấp hành chi phí xây dựng công trình từ các bộ phận...
Tài liệu tham khảo:
Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (2018), Những nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu, NXB Thanh niên;
Báo cáo của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nam Sơn;
Phạm Văn Dược, Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và cơ chế vận hành Kế toán quản trị, NXB Tài chính;
Võ Văn Nhị, Đoàn Ngọc Quế, Lý Thị Bích Châu (2001), Hướng dẫn lập đọc, phân tích các báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị, NXB Thống kê;
Nguyễn Thị Loan, Trần Quốc Thịnh (2017), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.