Áp dụng nhiều biện pháp không để sót các ca bệnh lao ở khu vực biên giới với Campuchia

Với 240km đường biên giới chung với Campuchia, nhiều người dân Tây Ninh thường xuyên di chuyển qua lại khu vực biên giới. Các ca bệnh lao có nguy cơ bị bỏ sót, đây là thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng ở địa phương.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới về bệnh lao năm 2023 (WHO Global TB Repot 2023), Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Nguy cơ bỏ sót các ca bệnh lao ở khu vực biên giới

Tây Ninh là tỉnh nằm ở miền Đông Nam bộ, có 8 huyện và 1 thành phố thuộc tỉnh. Đặc biệt, Tây Ninh có đường biên giới dài 240km giáp Vương quốc Campuchia. Với hơn 1,2 triệu người, nhưng năm 2023, Tây Ninh đã phát hiện và thu nhận điều trị được 2.649 ca bệnh lao các thể, chiếm tỷ lệ 218 ca bệnh/100.000 dân.

Cuộc họp Sơ kết Chương trình Chống lao Quốc gia do BV Phổi Tây Ninh và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức. với chủ đề Đẩy mạnh công tác phòng chống lao cho người dân và người di cư tại khu vực biên giới.

Cuộc họp Sơ kết Chương trình Chống lao Quốc gia do BV Phổi Tây Ninh và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức. với chủ đề Đẩy mạnh công tác phòng chống lao cho người dân và người di cư tại khu vực biên giới.

Theo báo cáo tại cuộc họp Sơ kết Chương trình Chống lao Quốc gia do BV Phổi Tây Ninh và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức ngày 31/11, 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Tây Ninh đã khám bệnh lao cho 9.167 trường hợp. Phần lớn bệnh nhân tự đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Tây Ninh để khám và xét nghiệm, số bệnh nhân đến tổ chống lao tuyến huyện chưa nhiều.

Kết quả, tổng số thu nhận điều trị lao nhạy cảm các thể là 1.896 trường hợp, chiếm tỷ lệ 207/100.000 dân. Số người quốc tịch Campuchia đến khám bệnh lao tại các cơ sở y tế và bệnh viện Lao và bệnh phổi là 28 trường hợp, trong đó phát hiện 2 người mắc bệnh lao và được điều trị tại Việt Nam.

Với sự di chuyển qua lại thường xuyên giữa các vùng biên giới, các ca lao có nguy cơ bị bỏ sót, không được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều này không chỉ là thách thức đối với sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu loại trừ bệnh lao mà Việt Nam đang hướng tới.

Mặc dù Chương trình Chống lao quốc gia (CTCL) tỉnh vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% huyện/thành phố/thị xã và 100% xã/phường/thị trấn nhưng sự di biến động dân cư khu vực biên giới là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phát hiện bệnh lao ở Tây Ninh chưa cao.

Ngoài ra, do thiếu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, người dân thường tới tuyến trên để khám, nhân lực phục vụ hoạt động phát hiện chủ động bệnh lao theo chiến lược 2X tại cộng đồng tuyến huyện/thị xã/thành phố và xã/phường/thị trấn còn thiếu và không ổn định. Đặc biệt tại tuyến xã, phường, người dân chưa được tuyên truyền sâu rộng về bệnh lao, vẫn còn có thái độ kỳ thị căn bệnh này, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và ước tính của CTCL….

Đẩy mạnh công tác phòng chống lao cho người dân và người di cư tại khu vực biên giới

Cho đến nay, với sự đồng hành của Quỹ Toàn cầu phòng chống Lao, HIV và Sốt rét, và đặc biệt là sự hỗ trợ từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh công tác phòng chống lao cho người dân và người di cư tại khu vực biên giới.

Trong thời gian qua, Chương trình Chống lao Quốc gia Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống lao cũng như Dự án Phòng chống lao khu vực đã có hỗ trợ quan trọng cho Tây Ninh trong việc cải thiện điều kiện khám, phát hiện và điều trị lao. Đây là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả của các đơn vị y tế và các tổ chức quốc tế trong hành trình đẩy lùi bệnh lao.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất tiếp tục tăng cường công tác khám sàng lọc, phát hiện bệnh lao ở các huyện biên giới, ngăn chặn sự gia tăng các ca bệnh lao trong cộng đồng.

Trong chuyến công tác tại Tây Ninh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia TS.BSCC. Đinh Văn Lượng đã dâng hương tại tượng đài Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, tại Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82, tỉnh Tây Ninh. Cố bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là vị Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam, người đã tận hiến tâm sức, tài năng, trí tuệ vì sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là những cống hiến với chuyên ngành Lao và Bệnh phổi Việt Nam.

Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia còn có chuyến thăm, gặp mặt xúc động với bác ALain Phạm Ngọc Định, là con trai của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại chính ngôi nhà năm xưa của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại số nhà 202, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia TS.BSCC. Đinh Văn Lượng dâng hương tại tượng đài Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia TS.BSCC. Đinh Văn Lượng dâng hương tại tượng đài Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

TS.BSCC. Đinh Văn Lượng thăm gia đình thăm gia đình bác ALain Phạm Ngọc Định, là con trai của cố bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

TS.BSCC. Đinh Văn Lượng thăm gia đình thăm gia đình bác ALain Phạm Ngọc Định, là con trai của cố bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Trần Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ap-dung-nhieu-bien-phap-khong-de-sot-cac-ca-benh-lao-o-khu-vuc-bien-gioi-voi-campuchia-169241101130553959.htm