Áp lực bán tháo tăng vọt, cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3 lần tăng, VN-Index 'bốc hơi' 13 điểm
Một vài phút đầu phiên chiều nay chỉ số nhích qua tham chiếu phát tín hiệu giả, trước khi toàn thị trường đổ đèo. VN-Index giảm mạnh suốt toàn thời gian còn lại với độ rộng thu hẹp rất nhanh, phản ánh áp lực tháo đang diễn ra trên diện rộng. Một vài trụ lớn vẫn gắng sức nâng đỡ nhưng không thể nào cưỡng lại sức ép của đại đa số còn lại...
Một vài phút đầu phiên chiều nay chỉ số nhích qua tham chiếu phát tín hiệu giả, trước khi toàn thị trường đổ đèo. VN-Index giảm mạnh suốt toàn thời gian còn lại với độ rộng thu hẹp rất nhanh, phản ánh áp lực tháo đang diễn ra trên diện rộng. Một vài trụ lớn vẫn gắng sức nâng đỡ nhưng không thể nào cưỡng lại sức ép của đại đa số còn lại.
Đáng chú ý nhất là phiên chiều thanh khoản hai sàn niêm yết cao gấp rưỡi buổi sáng, đạt 12.964 tỷ đồng. HoSE thậm chí tăng thanh khoản 52%, đạt 11.802 tỷ đồng. Đáng tiếc mức thanh khoản gia tăng mạnh này lại đến từ hoạt động bán tháo.
Độ rộng của VN-Index thể hiện rất rõ điều này: Lúc 1h20 chỉ số tăng vượt tham chiếu, có 192 mã tăng/265 mã giảm. Đến 2h, chỉ còn 132 mã tăng/344 mã giảm. Kết phiên độ rộng ghi nhận 118 mã tăng/372 mã giảm. Vn-Index đóng cửa giảm 13,38 điểm tương đương -1,08%. VN30-Index giảm 1,1%, Midcap giảm 1,13%, Smallcap giảm 1,24%.
Gần như toàn bộ rổ VN30 cùng giảm giá. Chỉ có 3 mã ngược dòng là VIC tăng 3,19%, GAS tăng 0,99%, PLX tăng 0,25%. VIC là cổ phiếu duy nhất đi ngược dòng, tăng so với thời điểm cuối phiên sáng 1,8%, còn GAS thực chất đã tụt mất 0,97%, PLX tụt 1,45%. Diễn biến của VIC chiều nay ngược hoàn toàn diễn biến của chỉ số VN-Index hay VN30-Index. Chỉ riêng mã này đã đỡ tới 2,1 điểm cho VN-Index và 2,4 điểm cho VN30-Index. Nếu VIC diễn biến thuận chiều, chỉ cần hạ độ cao giống như GAS thì điểm số đã “bốc hơi” nhiều hơn, có thể thúc đẩy hành động bán tháo mạnh hơn nữa.
Trong 118 cổ phiếu còn đi ngược dòng chiều nay, hầu hết thanh khoản rất nhỏ. Số giao dịch ấn tượng có thể kể tới NVL tăng 3,52%, giao dịch 1.272,4 tỷ đồng; VIC tăng 3,19% với 530,2 tỷ; HPX tăng 3,47% với 78,7 tỷ; CTD tăng 3,33% với 113,1 tỷ; SCR tăng 3,33% với 166,2 tỷ; OCB tăng 1,82% với 84,6 tỷ. Có thể thấy nhiều cổ phiếu bất động sản còn khá tốt, thậm chí SJS, VPH, TDH, QCG vẫn kịch trần từ sáng. Chỉ số VNReal trên sàn HoSE tăng 0,32% là chỉ số ngành duy nhất còn xanh. Tuy vậy cũng phải lưu ý sự phân hóa và không đại diện. Hàng chục cổ phiếu bất động sản phiên nay vẫn bị bán tháo và giá giảm cực mạnh như OCG, TCH, DXS, ITA, OCH, VRE…
Khả năng neo giữ trụ như VIC là một yếu tố quan trọng ở thời điểm hiện tại. Thực chất đoạn cuối chỉ số vọt mạnh vừa rồi có lực kéo đáng kể của VIC và VHM. Hiện VHM đã thoái trào, còn VIC đang cố gắng vượt qua các đợt chốt lời để duy trì đà tăng. Nếu VIC không thể trụ vững, VN-Index sẽ bị tổn hại lớn về điểm số và sức ép tâm lý cũng gia tăng theo.
Sự suy yếu của nhóm blue-chips cũng đã phát tín hiệu từ trước và hôm nay nhiều mã giảm rất sâu với áp lực bán tháo lớn. MSN sau khi lên đỉnh cao 5 tháng đã quay đầu giảm 5,68% với thanh khoản cao kỷ lục kể từ đầu năm 2022, đạt 4,72 triệu cổ và 403 tỷ đồng khớp lệnh. VCB giảm 1,88%, BID giảm 3,53%, CTG giảm 2,62%, GVR giảm 3,16%, HPG giảm 1,62%... đều là các mã có trọng số lớn trong VN-Index. Rổ VN30 ghi nhận 7 mã giảm trên 2% và 11 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, có tới 102 cổ phiếu giảm trên 2% và 65 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. Một số xác nhận hoạt động xả hàng cực mạnh, giá giảm 3% tới 5% và thanh khoản cao như GEX khớp 567,3 tỷ đồng, STB khớp 414,2 tỷ, DBC khớp 399,9 tỷ, HAG khớp 211,1 tỷ, FRT khớp 182,4 tỷ, TCH khớp 148,6 tỷ…
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều cũng gia tăng áp lực bán đáng kể, tổng giá trị bán ra lên tới 992,9 tỷ đồng, cao gấp đôi phiên sáng. Riêng chiều nay khối ngoại bán ròng trên HoSE 297,7 tỷ đồng và tính chung cả ngày là -342,3 tỷ. Hai chứng chỉ quỹ bị xả lớn là FUEVFVND -93,6 tỷ, E1VFVN30 -68,5 tỷ, ngoài ra có MSN -91,4 tỷ, VPB -82,7 tỷ, SSI -52,6 tỷ, VCB -49,7 tỷ, KBC -32,7 tỷ. Phía mua ròng có VNM +68,1 tỷ, VIC +62 tỷ, VHM +38,9 tỷ, CTD +26,7 tỷ, CTG +23,6 tỷ.