Áp lực của chứng khoán

Thị trường chứng khoán những phiên giao dịch đầu tháng 8 đang khiến nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ 'choáng váng' khi tiền trong tài khoản 'bốc hơi' mạnh. Thị trường diễn biến trồi sụt đầy bất ngờ.

Chứng khoán ngày 6/8 có phiên phục hồi ấn tượng. Ảnh: H.H.

Chứng khoán ngày 6/8 có phiên phục hồi ấn tượng. Ảnh: H.H.

Nhà đầu tư không dám hành động

Trong những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tiếp đón nhận “làn gió ngược” trên thị trường thế giới. Theo đó, TTCK trên toàn thế giới rực lửa khiến cho chỉ số số VN - Index chìm trong sắc đỏ, cùng với đó là căng thẳng giữa Iran -Israel ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

Đáng chú ý VN-Index giảm gần 50 điểm, tương đương 3,92% trong ngày 5/8; chỉ số Nikkei 225 giảm gần 22% chỉ sau 3 phiên giao dịch; KOSPI của Hàn Quốc giảm gần 15% trong cùng thời điểm; Nasdaq tại Mỹ giảm hơn 11%.

PGS Nguyễn Hữu Huân nhận định, biến động thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây bị tác động bởi yếu tố vĩ mô trên thế giới, đặc biệt là căng thẳng chính trị ở Trung Đông làm dấy lên lo ngại những cuộc chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, hiện đang có sự đồng pha giữa thị trường chứng khoán, bitcoins và giá vàng khi tất cả cùng giảm.

Tuy nhiên bước sang phiên giao dịch ngày 6/8, tâm lý bất ổn của nhà đầu tư trong phiên giao dịch sáng có phần được tháo gỡ khi các thông tin tốt được bơm ra, nền kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được khẳng định ổn định, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất OMO… Tất cả khiến cho chỉ số VNIndex tăng hơn 22 điểm, lên 1.210,28 điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, trong năm 2024, chứng khoán có thể trở lại vùng 1.200 để cân bằng lại thị trường.

Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, hành động của phần đông nhà đầu tư tùy thuộc rất lớn vào tỷ trọng cổ phiếu và tiền, kèm theo đó là cổ phiếu nắm giữ. Chưa kể tỷ giá đang hạ nhiệt mạnh do kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong tháng 9, áp lực tỷ giá vì thế được thu hẹp lại. Do vậy, thời gian tới, chứng khoán sẽ kích thích các nhà đầu tư quay trở lại để mua ròng. Đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Do đó, với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh và lượng tiền mặt đang dư nhiều có thể cân nhắc mua dần khi cổ phiếu này chững lại đà giảm tại vùng hỗ trợ để tạo dấu hiệu đảo chiều.

Quan sát kỹngành nghề muốn đầu tư

Thị trường chứng khoán đến nay có hơn 700 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE và HNX, cùng hơn 800 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM lên đến 6,9 triệu tỉ đồng (khoảng 270 tỷ USD), tương đương 67% GDP năm 2023. Trong đó, có đến hàng chục doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD…

Nếu so về quy mô giao dịch, giá trị giao dịch, số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn, trong nhiều năm qua đã có những sự bứt phá nhưng riêng điểm số của VN-Index lại là “nỗi buồn” của nhà đầu tư.

PGS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, theo lý thuyết thì không có nhà đầu tư nào đánh bại được thị trường, rất khó để nhà đầu tư có tỉ suất sinh lời lớn hơn thị trường.

Thực tế, thị trường dễ xảy ra hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” vì cổ phiếu trụ chiếm đa số và chi phối thị trường. Chính vì vậy, ông Huân kiến nghị ngoài danh mục VN30, cần phân loại những cổ phiếu penny (cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ), mid-cap (cổ phiếu của các công ty có quy mô vừa phải) để dễ đánh giá thị trường chung.

“Nhìn chung, sản phẩm trên thị trường tốt nhưng chưa nhiều. Chất lượng hàng hóa chưa tương xứng với sự phát triển và tiềm năng kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết cần cải thiện nội lực, nếu nội lực chưa tương xứng rất khó lên 1.500 hay 1.800 điểm theo kỳ vọng” - ông Huân cho hay.

Giới chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể tham khảo cổ phiếu của các nhóm ngành đã “qua đáy” như cá tra, bán lẻ, tôm, dệt may, da giày… Ngược lại, với những nhóm ngành được nhận định chưa “qua đáy”, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.

Cùng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tìm cơ hội từ các cổ phiếu riêng lẻ, những cổ phiếu có sự nổi trội về kết quả kinh doanh, cổ phiếu có sự thay đổi từ khó khăn mà đi lên hoặc những cổ phiếu đang tăng trưởng mà có kết quả kinh doanh đột phá trong các lĩnh vực như hóa chất, ngành thép, dệt may, bất động sản khu công nghiệp…

Trong khi đó, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB mặc dù cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024, nhưng cũng lưu ý 3 rủi ro đối với nhà đầu tư, bao gồm lạm phát, tỷ giá và việc rút ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết nên quan sát và hiểu về ngành, công ty mình đầu tư. Việc quan sát giúp bản thân không bị ảnh hưởng tâm lý theo thị trường, ví dụ như việc chỉ số đi xuống sẽ coi đây là cơ hội mua vào, chỉ số đi lên là dịp để bán ra.

Trong ngắn hạn, ông Hiển cho rằng từ nay đến cuối năm có thể thắng vài nhịp lướt sóng, nhưng trong trung hạn thì phải cẩn thận bởi bất ổn thế giới có thể tác động. Nhà đầu tư cần linh hoạt, không nên chỉ đánh theo sóng ngắn hạn khiến rủi ro lớn. Mà nên bình tĩnh đầu tư lâu dài, nếu quan sát cẩn trọng sẽ bảo toàn được khoản đầu tư của mình và tỉ lệ sinh lời sẽ cao hơn.

Theo dự báo của ông Hiển, thị trường chứng khoán kết thúc năm 2024 ở mức 1.250 điểm là hợp lý, dù việc tăng điểm là tốt nhưng dường như chỉ dừng ở kỳ vọng.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ap-luc-cua-chung-khoan-10287508.html