Áp lực cũng là động lực để kinh tế Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới

Áp lực cũng là động lực để kinh tế Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới, đây là thông điệp được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo: 'Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 – Đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong kỷ nguyên mới', do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sáng 14/1 tại Hà Nội.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 của CIEM đánh giá, kinh tế Việt Nam đã có nền tảng tích cực cho giai đoạn phát triển mới. Tính chung năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 7,09%. Trong đó, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% trong năm 2024 (tăng mạnh so với mức tăng 1,3% của năm 2023).

Đặc biệt, theo giá so sánh, năng suất lao động tăng khoảng 5,88%, cao hơn mục tiêu tăng từ 4,8-5,3% đã được Quốc hội đề ra cho năm 2024. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, năng suất lao động là động lực cần phát huy trong thời gian tới.

Quan trọng nhất là con người, là làm việc có năng suất thì hy vọng năng suất lao động, và lớn hơn là năng suất của nền kinh tế, nhìn từ góc độ vốn và công nghệ, sẽ là yếu tố thúc đẩy cả 3 trụ cột hội nhập, sáng tạo và cải cách trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

Báo cáo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024, triển vọng năm 2025” lưu ý 4 thách thức đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2025. Thứ hai là Việt Nam cần sớm hiện thực hóa một cách tiếp cận phù hợp với sự phát triển nhanh của các công nghệ mới. Thứ ba là cần kịp thời cụ thể hóa các tiêu chí về chất lượng của dự án, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế để tiếp tục thu hút FDI có chất lượng, hiệu quả. Thứ tư là hiện thực hóa tăng trưởng cao chỉ có ý nghĩa nếu không đi kèm với áp lực lạm phát cao.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Chúng ta đã thẳng thắn nhận diện không ít khó khăn, thách thức, như rủi ro về bẫy thu nhập trung bình, các yếu tố tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh,... Với tâm thế ấy, thì các khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để Việt Nam quyết liệt hơn trong việc thực hiện các cải cách kinh tế có tính căn bản hơn, tập trung vào đổi mới, sáng tạo và hội nhập để nền kinh tế có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và các thập niên tiếp theo".

Viện trường CIEM Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại hội nghị

Viện trường CIEM Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại hội nghị

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024, triển vọng năm 2025 khuyến nghị, kinh tế Việt Nam cần nắm bắt tốt một số cơ hội quan trọng. Thứ nhất là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành, hoạt động và sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng, khoa học – công nghệ cao hơn. Thứ hai là tiếp tục làm tốt thu hút đầu tư nước ngoài để mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ. Thứ ba là thúc đẩy gia tăng đáng kể năng suất lao động nhờ cải cách thể chế, trong đó có cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.

Trần Hiếu/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ap-luc-cung-la-dong-luc-de-kinh-te-viet-nam-vung-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post1148603.vov