Áp lực đến từ chiếc giường đắt giá nhất trên thế giới
Câu nói của Steve Jobs giờ đây đáng giá hơn bao giờ hết: 'Chiếc giường đắt nhất thế giới là giường bệnh'.
Trong hội nghị sơ kết 7 ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, khi TP.HCM có gần 30.000 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 được ghi nhận thì đã có có hơn 250 ca đang thở máy, với 7 trường hợp cần can thiệp ECMO; Đến ngày hôm nay khi số liệu mới nhất cho thấy số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đã hơn 32.000 thì những con số về số ca thở máy, số trường hợp cần can thiệp ECMO có thể cũng đã có sự thay đổi.
TP.HCM đã huy động tổng lực cho cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người dân, BV Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức. TP.HCM) được trưng dụng làm Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lớn nhất Việt Nam đã đi vào hoạt động từ ngày 15/7. Đây là bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19 của TP.HCM. Về nhân lực, bệnh viện có 340 bác sĩ và 1.050 điều dưỡng. Lực lượng tinh nhuệ nhất được huy động từ 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngoài ra, 5 cơ sở chi viện gồm Sở Y tế Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Phòng, Bệnh viện 71, 74 Trung ương..
Ở ngoài kia ánh đèn nhuộm vàng con đường đêm đã thưa thớt bóng xe qua lại hơn cả tháng nay, nhưng số ca mắc và trở nặng không ngừng tăng lên về số lượng lẫn ảnh hưởng nặng nề của bệnh.. Những căn nhà cao tầng còn lấm chấm bóng đèn, mọi người đã ngả lưng sau ngày dài mệt mỏi tự giãn cách bên gia đình, người thân, những kẻ FA (Forever alone, người độc thân) giờ đây cũng đỡ tủi thân hơn khi ở nhà, mọi thứ vẫn êm đềm như mọi ngày, chỉ duy nhất có thêm nhiều F0, F1, F2… cùng chung số phận ngột ngạt chờ đón bình minh.
Trong khi đó tại nơi đây căn phòng thật ngột ngạt với mùi thuốc, mùi hoại tử, tiếng máy móc vẫn kéo dài từng đợt, những con người với bao cảnh ngộ khác nhau, mỗi người một lí do, có thai phụ 35 tuần, mắc COVID-19 từ người thân, tổn thương phổi nặng, sau 3 ngày mổ lấy thai, sức khỏe của người phụ nữ này diễn tiến xấu, không thể kiểm soát bằng máy thở; có những cụ già đang cố gắng giành lại sự sống với bệnh nền chồng chất, tất cả chỉ có chung đặc điểm là toàn thân trói buộc với bao máy móc dịch truyền thuốc đặc trị cao cấp nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, chịu đựng cơn đau về thể xác, và cả tinh thần.
Nhưng cho dù có là do ai vì cái gì thì ngoài họ là vợ chồng, anh em, con cái, bố mẹ đang thức đêm vật vờ nửa ngủ nửa tỉnh trên chiếc ghế xanh ngoài khu cách ly mà hi vọng, nghe ngóng tin tức để tiếp tế. Hoặc đau lòng hơn, khi có ca bệnh mà tất cả thân nhân là F0 đều đi cách ly tập trung phải buộc bơ vơ chống chọi, cầu nguyện từ cõi xa. Tất cả những thứ xô bồ ngoài kia, náo nhiệt ngoài kia không còn chút ý nghĩa gì trên giường bệnh, tất cả chỉ còn lại là những giọt nước mắt, máu và cơ thể héo tàn do sức tàn phá của COVID.
Câu nói của Steve Jobs giờ đây đáng giá hơn bao giờ hết: "Chiếc giường đắt nhất thế giới là giường bệnh". Sáng nay lại đọc báo, và tôi bắt gặp chiếc giường của người dân nguy kịch mắc COVID-19 được nâng cấp hiện đại tại Bệnh Viện Hồi Sức COVID-19, buồng bệnh có không gian mở, cửa kính nhìn ra thế giới bên ngoài có nhiều mảng xanh đầy hi vọng. Xem mà vừa mừng, vừa tủi. Những điều đáng được đối đãi với người bệnh và cả môi trường làm việc của NVYT đến đúng lúc những đau thương của ngành y chồng chất và dày xé nhất, áp lực làm việc căng thẳng nhất..
"Với nguồn lực và cách làm hiện nay, TP.HCM có lẽ chỉ chịu được mức 40.000 bệnh nhân”, TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia - nhận định.
Hi vọng nhận định từ vị Tiến sĩ kia là sai, và sẽ không bao giờ xảy ra. Hi vọng người dân thật sự biết sợ và ám ảnh với những chiếc giường không mong muốn ấy mà hợp tác phòng dịch trong mọi hoàn cảnh.
Bên trong vẫn tất bật tiếng người, tiếng máy cứu người hoạt động hết công suất của một BV Hồi Sức non trẻ, sinh ra thần tốc với sứ mệnh cao đẹp và chiến lược lâu dài sẽ là đơn vị tập trung cứu chữa cho bệnh nhân nguy kịch toàn khu vực phía Nam chứ không riêng ở TP.HCM... Còn bên ngoài khuôn viên bệnh viện sang chảnh đấy, hàng vạn chiếc giường bệnh đắt giá tại các BV vẫn đang cố gắng gượng và chiến đấu hết mình bởi các đồng đội quả cảm của tôi.
Sài Gòn chắc chắn sẽ lại khỏe, và vươn vai gồng mình trả nợ ân tình cho đồng bào cả nước, cho nỗ lực sự chung sức hỗ trợ ngày càng nhiều từ các đơn vị y tế và tiếp tế thiện nguyện khắp nơi như cái cách đối đãi đã từng của một người anh cả đầu tàu kinh tế cả nước.